Facebook (FB) là một trong những mạng xã hội lớn nhất khi có 35 triệu người Việt tức tương đương 1/3 dân số là thành viên và có 1,59 tỷ người trên thế giới đang sử dụng. Tuy nhiên, càng hấp dẫn người dùng thì FB càng đang trở thành nguy cơ “gây nghiện” cho thành viên.
Lên cơn co giật vì không được dùng Facebook
Mới đây Viện Sức khỏe Tâm thần, BV Bạch Mai vừa tiếp nhận một nam học sinh (14 tuổi) nhập viện với các biểu hiện co giật phân ly. Theo chia sẻ từ gia đình, cậu bé có tiền sử sử dụng Facebook rất nhiều, đỉnh điểm là 10 tiếng mỗi ngày. Thấy vậy, gia đình đã thu điện thoại, cấm con lên mạng xã hội. Nhưng khi cấm sử dụng như vậy, cháu lại xuất hiện các cơn co giật.
TS Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần, BV Bạch Mai nói về "nghiện" Facebook |
Bác sĩ Phương kể: “Việc bị tịch thu điện thoại đã khiến cháu có phản ứng thu hẹp lại và có những cơn co giật. Khi tôi khám cho cháu bé, phát hiện bệnh nhi có hoang tưởng ảo giác. Cháu kể luôn có “tiếng nói” lúc của đàn ông, lúc đàn bà trong đầu kêu “mày phải chơi đi”. Thời gian xuất hiện tiếng nói thường vào chạng vạng chiều tối”.
Bác sĩ Phương cho biết tiếp, sau khi cho bệnh nhân sử dụng thuốc loạn thần, tình trạng ảo giác của bệnh nhi đã hết. Sau đó thời sử dụng FB của bệnh nhi cũng giảm đi. Khi khám không thấy co giật đó phù hợp với giải phẫu, rối loạn phân ly. Gia đình bệnh nhi cũng được tư vấn để trẻ sử dụng mạng xã hội phù hợp nhất, vừa để hồi phục trẻ có thể đi học.
Ths Lê Thu Hà, Trưởng phòng Điều trị nghiện chất, BV Bạch Mai cũng chia sẻ về trường hợp bệnh nhân nam 20 tuổi được gia đình đưa đến viện vì sợ trầm cảm, sau khi bị đuổi học về quê ở mấy ngày. Theo người nhà kể, cứ tầm 5 - 6 giờ chiều là cậu thanh niên này sang nhà bỏ hoang của hàng xóm, ngồi một mình lặng lẽ mấy tiếng đồng hồ.
Khai thác bệnh sử, bác sĩ được biết bệnh nhân được sử dụng máy tính từ rất sớm. Đến khi vào đại học, ngoài máy tính cá nhân, chàng trai này còn có điện thoại vào mạng, tối ngày ngồi máy tính vào mạng chơi game, vào facebook, lướt mạng, học hành sa sút, lên lớp ít nên bị cho ngừng học.
Khi về nhà, cứ vào tầm giờ này là bệnh nhân lặng lẽ sang nhà hàng xóm bỏ hoang ngồi. “Bởi ở Hà Nội, đây là giờ mà cậu bắt đầu ôm máy tính, điện thoại 8 -10 tiếng để chơi.
“Sau khi test chẩn đoán bệnh nhân trầm cảm mức độ nhẹ, là trầm cảm thứ phát do nghiện mạng xã hội, tôi đã tư vấn gia đình tạo công ăn việc làm cho cậu để không có thời gian nhàn rỗi, 5 - 6 giờ chiều vào bếp phụ mẹ nấu cơm và sau 1 tháng thì tình trạng này đã không còn”, Ths Hà nói.
BS Lê Công Thiện, phụ trách phòng tâm thần nhi thì cho hay thời điểm này phòng trẻ em chưa có cháu nào vào viện nghiện mạng xã hội nhưng vào viện vì các dấu hiệu tâm thần khác. Khi khai thác thông tin nhiều cháu sử dụng FB từ 4-5 tiếng/ngày. Theo bác sĩ Phương, hiện chưa có mã bệnh về nghiện FB. Nhưng định nghĩa nghiện Facebook có nghĩa là dành quá nhiều thời gian để sử dụng mạng xã hội, làm ảnh hưởng đến các hoạt động quan trọng trong cuộc sống như làm việc, học tập hoặc duy trì mối quan hệ trong gia đình và ngoài đời. Người dùng Facebook có mục đích rõ ràng thì không được xem là nghiện.
Tranh biếm họa về "nghiện" Facebook |
Dấu hiện nghiện Facebook
Để nhận biết và phòng tránh nghiện FB, theo thạc sĩ Hà có thể dùng thang đo nghiện của các nhà nghiên cứu Na Uy. Nếu câu trả lời là rất hiếm khi, hiếm khi, thỉnh thoảng là không nghiện. Nếu thường xuyên, và rất thường xuyên được xem là nghiện.
- Bạn dành nhiều thời gian suy nghĩ về Facebook hoặc lên kế hoạch sử dụng nó?
- Bạn cảm thấy một sự thúc giục sử dụng Facebook càng ngày càng nhiều.
- Bạn sử dụng Facebook để quên đi các vấn đề cá nhân.
- Bạn đã cố gắng cắt giảm việc sử dụng Facebook mà không thành công.
- Bạn trở nên bồn chồn hoặc gặp rắc rối nếu bạn bị cấm sử dụng Facebook.
- Bạn sử dụng Facebook rất nhiều đến nỗi mà nó đã có một tác động tiêu cực đến công việc/học tập của bạn.