Dù chính phủ Thái Lan đồng ý cấp giấy chứng nhận kiểu loại, nhưng doanh nghiệp vẫn phải giải bài toán về yêu cầu kiểm định theo từng lô đối với xe nhập khẩu.
Trả lời Zing.vn, ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng tiểu ban chính sách Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam xác nhận việc chính phủ Thái Lan đã đồng ý cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại cho các dòng xe xuất khẩu sang Việt Nam.
Cánh cửa nhập khẩu cho các doanh nghiệp kinh doanh ôtô đã mở sau gần 2 tháng khép kín. Lô hàng Honda CR-V 2018 tiếp theo sẽ về Việt Nam vào đầu tháng 3 tới đây, sau khi hoàn tất thủ tục, xe sẽ bán ra vào cuối tháng 4.
Xe nhập khẩu Thái Lan sẽ trở lại thị trường sau vài tháng tới. Ảnh: Ngọc Tuấn. |
Ngoài Thái Lan, "hiện Indonesia và Nhật Bản chưa cung cấp loại giấy tờ này", ông Phạm Anh Tuấn cho biết thêm. "Indonesia thì còn có cơ hội, nhưng Nhật Bản khả năng cao là không. Hiện phương án cho những mẫu xe nhập khẩu từ Nhật Bản như Land Cruiser và toàn bộ sản phẩm của Lexus chưa có nước đi tiếp theo", ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, khả năng khoảng 2-3 tháng nữa Indonesia sẽ cung cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại cho xe xuất khẩu sang Việt Nam. Do mất thêm 2-3 tháng chờ đợi chờ thử nghiệm và kiểm tra, nên ít nhất 5-6 tháng nữa xe nhập khẩu Indonesia mới có hàng.
"Tuy nhiên, đây là trường hợp khả quan nhất, mong muốn nhất, còn xấu nhất là không còn đường về", ông nói. "Còn ở vị trí doanh nghiệp, muốn nhập khẩu trở lại là chuyện đương nhiên, vì nhiều mẫu xe khan hàng, khách hàng đang chờ đợi".
Dù được cung cấp giấy chứng nhận kiểu loại, nhưng ông Phạm Anh Tuấn cho biết "nhập được thôi, còn bình thường như trước đây thì khó". "Cái khó" mà ông nhắc đến ở đây là yêu cầu định kiểm tra theo từng lô xe khẩu, mỗi lô lấy ra một xe để thử, riêng thử nghiệm kiểm tra an toàn và khí thải đã mất khoảng 2 tháng, tốn kém chi phí 10.000 USD.
Để tiết kiệm chi phí thử nghiệm và kiểm tra, các doanh nghiệp kinh doanh ôtô có xu hướng tăng số lượng xe trong một lô hàng. Nhưng điều này lại khiến vốn ban đầu và chi phí lưu kho tăng cao do số lượng xe lớn.
Ví dụ, lô hàng 1.000 xe và lô hàng 100 xe, đều lấy ra 1 mẫu xe để thử nghiệm và kiểm tra. Lô hàng 1.000 xe sẽ tiết kiệm chi phí thử nghiệm và kiểm tra hơn, nhưng nhân lên trung bình 20.000-30.000 USD/xe, số vốn ban đầu phải bỏ ra là 200-300 triệu USD. Với vốn lớn như vậy mà không được xoay vòng trong 2-3 tháng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp.
Trong suốt thời gian qua, việc xe nhập khẩu không thể về Việt Nam đã ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của nhiều hãng xe. Nặng nề nhất nhóm doanh nghiệp chỉ kinh doanh xe nhập khẩu, ví dụ như Lexus. Một số hãng có sản xuất trong nước thì có thể bù đắp lại một phần.
"Bây giờ chỉ đề nghị [Chính phủ - PV] tháo gỡ thôi chứ biết làm thế nào", ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng tiểu ban chính sách Hiệp hội các nhà sản xuất và lắp ráp ôtô Việt Nam nói.
Nghị định 116 ban hành ngày 17/10/2017 quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô. Đây là Nghị định "hậu" Thông tư 20 đã hết hiệu lực vào tháng 7/2016. Theo các doanh nghiệp kinh doanh ôtô nhập khẩu tại Việt Nam, hai quy định gây khó khăn nhất trong Nghị định 116 là Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại và kiểm định theo từng lô đối với xe nhập khẩu. |
10 lưu ý khi chọn mua SUV hoặc crossover cỡ lớn SUV và crossover đều có những thế mạnh riêng. Nếu SUV có khả năng off-road tốt, dòng xe crossover lại được ưa chuộng bởi tính ... |
Khó xuất khẩu ôtô sang VN, Indonesia có thể mất 85 triệu USD Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Indonesia cho biết 4 hãng gồm Toyota, Suzuki, Daihatsu và Hino đã ngừng sản xuất 9.337 xe xuất ... |
https://news.zing.vn/nhap-duoc-xe-tu-thai-lan-doanh-nghiep-van-keu-kho-post822158.html