Nhan nhản hình ảnh bác sĩ, dược sĩ bán thực phẩm chức năng: Cục An toàn thực phẩm đang ở đâu?

Nếu đem so với “nhà tôi 3 đời thần y”, những bác sĩ, dược sĩ online tiềm ẩn hiểm họa không kém, còn thủ đoạn thì tinh vi hơn nhiều.

Bố tôi bị đau chân từ hồi thanh niên, có lúc nằm bệt trên giường không đi được. Tới nay, bệnh của ông vẫn vậy, cứ trái gió trở trời là đau không chịu được, lại phải đi châm cứu.

Còn mẹ tôi thì sợ béo, nên luôn tìm cách để giảm cân, giữ dáng, từ nhịn ăn, tập thể dục một cách phá sức khỏe, tới đủ các bài thuốc dân gian và cả những hộp thực phẩm từ đám “lang băm” trên mạng.

Thế nên, ở bàn ăn nhà tôi lúc nào cũng thập cẩm các loại thực phẩm giảm cân với xương khớp. Tôi đã nhiều lần góp ý với ông bà vấn đề này, nhưng bảo thủ lắm, lúc nào cũng giáo điều rằng “thuốc mua của nghệ sĩ này, bác sỹ kia, toàn người uy tín, nổi tiếng, ai người ta lại đi lừa người dân”.

Tôi cũng nhiều lần âm thầm vứt các loại thực phẩm ông bà mua trên mạng, nhưng vứt rồi ông bà lại mua, mỗi lần bạc triệu chứ không phải rẻ.

20231029-11155920231029112151
Loạt bác sĩ, dược sĩ online công khai quảng cáo, bán thực phẩm chức năng trên nền tảng mạng xã hội TikTok

Thế rồi có lần, mẹ tôi dùng thực phẩm giảm cân của một “lang băm” trên mạng, sau một tuần, mẹ tôi bị suy nhược nặng, người xanh xao, mặt tái mét do loại thực phẩm này không biết có chất gì, nhưng dùng vào khiến cơ thể ngán ăn, ăn vào sẽ buồn nôn.

Sau vụ ấy, cùng với truyền thông tích cực đưa tin, cảnh cáo, bóc trần các thủ đoạn lừa đảo của các ổ nhóm “lang băm” trên mạng, cũng như những nghệ sĩ, người nổi tiếng không/chưa từng sử dụng các loại thực phẩm do họ nhận quảng cáo, nhưng vẫn lên mạng nói rất hay, bố mẹ tôi mới thay đổi phần nào nhận thức, không còn tin vào người nổi tiếng nữa.

Thời gian gần đây, sau khi đám “lang băm” trên mạng liên tục bị cơ quan chức năng triệt phá; những nghệ sĩ, người nổi tiếng bị bóc mẽ nhiều quá không còn đất diễn, quảng cáo từ nhóm đối tượng này đã giảm đi nhiều.

Nhưng ngăn chặn, xử lý được nhóm đối tượng này, lại nổi lên một nhóm đối tượng khác, đó là nhóm bác sĩ, dược sĩ online. Nếu so sánh nhóm này với những quảng cáo “nhà tôi 3 đời thần y”, “nhà tôi 3 đời chữa xương khớp”,… thì nhóm bác sĩ, dược sĩ này ở một đẳng cấp khác, có thủ đoạn tinh vi hơn, xảo trá hơn, dễ tạo được niềm tin cho người tiêu dùng hơn rất nhiều.

Sớm nhận ra được mối nguy hại này, thế nên năm 2018, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm ra đời quy định: "Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm”.

Quy định là vậy, nhưng hiện nay, trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, Youtube hằng ngày, hàng giờ vẫn đầy rẫy những đối tượng sử dụng hình ảnh bác sĩ, dược sĩ… để quảng cáo và bán thực phẩm chức năng, trục lợi trên sức khoẻ của người bệnh.

Trên nền tảng mạng xã hội TikTok, có thể kể đến một số cái tên như “Bác sĩ Huy” (user: bacsihuy.official), “Dược sĩ Phương Thảo” (user: duocsiphuongthaoo), “Bác sĩ Quang” (user: bs.quang), "Bác sĩ Huế dinh dưỡng" (user: bacsihue)…

Nhóm người khoác trên mình chiếc áo blouse này không chỉ thường xuyên đăng tải các video chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về y học, mà còn khéo léo quảng cáo trá hình các loại thực phẩm chức năng mà theo quy định, hoạt động quảng cáo đều phải có kịch bản được cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt.

Dưới giỏ hàng trên nền tảng, nhóm người này còn công khai bán các loại thực phẩm chức năng, để các bình luận gọi các loại thực phẩm họ quảng cáo và bán là thuốc, có thể chữa khỏi bệnh.

Nghiêm trọng hơn, nhóm người này còn cùng nhau đăng tải các video công kích sữa trái cây và khuyên dùng Dutch Lady của cô gái Hà Lan với một kịch bản na ná nhau, có dấu hiệu của một cuộc “truyền thông bẩn”, dấu hiệu vi phạm khoản 8, Điều 10, Luật Quảng cáo: “Nghiêm cấm quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình với giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác”.

Sau khi bị Báo Công Thương bóc trần, nhóm người này đã âm thầm xoá các video có dấu hiệu vi phạm. Trả lời phóng viên, ông Lê Tiến Huy (SN 1996), Phó Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Y Dược – tức TikTok “Bác sĩ Huy” (user: bacsihuy.official) bao biện rằng, chỉ là một video đơn thuần so sánh về dinh dưỡng giữa sản phẩm sữa tươi và sản phẩm sữa trái cây, dựa trên các thông tin về dinh dưỡng mà các nhà sản xuất công khai…

Đối với công tác quản lý Nhà nước, dù quy định đã có và thực tế diễn ra như vậy, nhưng trên cổng thông tin của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), hiếm có một thông tin xử lý các bác sĩ, dược sĩ quảng cáo và bán thực phẩm chức năng.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) công khai được 4 bài viết về hoạt động xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm, bài mới nhất là kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe tại TP. Cần Thơ, được đăng tải vào ngày 13/8/2023.

Đối với hoạt động cảnh báo thì nhiều hơn, từ đầu năm tới nay ước chừng khoảng trên dưới 50 bài. Trong đó, có bài cảnh báo về việc PGS.TS. Trần Thị Hồng Phương, nguyên Phó Cục trưởng Cục Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế) bị một số trang mạng xã hội lợi dụng hình ảnh để quảng cáo thực phẩm chức năng được đăng tải vào ngày 31/7/2023 và một bài cảnh báo giả mạo, tự xưng bác sỹ, dược sỹ, lương y, nhân viên y tế tư vấn bệnh và bán thực phẩm chức năng, được đăng tải vào ngày 22/5/2023.

Trong khi đó, tổng số sản phẩm là thực phẩm bảo vệ sức khỏe đăng ký công bố tại Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế tính đến ngày 29/10/2023 lên tới hơn 9.000 sản phẩm; 10 bản công bố mới nhất được công bố trong ngày hôm qua 28/10/2023.

Từ thực tế và những con số trên có thể thấy, công tác tiếp nhận công bố đang được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) làm rất tốt, rất tích cực, nhưng công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và xử lý các vi phạm đang ngày ngày trục lợi trên sức khỏe người bệnh, đặc biệt là các bác sĩ, dược sĩ quảng cáo và bán thực phẩm chức năng lại khá “mờ nhạt”, chưa thực sự hiệu quả.

Đại Anh / Báo Công Thương