Nhà báo cập nhật cái chết trên Twitter - Hậu quả sự coi thường COVID-19 ở Ấn Độ

Lơ là, khinh dịch được xem là nguyên nhân chính gây ra cơn sóng thần COVID-19 đang tàn phá Ấn Độ những tuần qua.

Hôm 16/4, nhà báo Vinay Srivastava viết trên Twitter rằng nồng độ oxy trong máu của mình đang giảm mạnh và mong chờ các cơ quan chính phủ cầu cứu.

Người nhà ông trước đó đã gọi điện cho các bệnh viện và phòng thí nghiệm, nhưng tất cả đều không nhận điện.

"Tôi 65 tuổi, bị viêm cột sống nên mức bão hòa oxy chỉ còn 52. Gọi điện tới bệnh viện, phòng khám, chẳng có ai nhấc máy cả", Srivastava viết trên Twiitter.

Ở dưới bài viết của Srivastava, một người khuyên ông nên giữ đức tin. Đáp lại, Srivastava nói mức oxy của mình đã xuống còn 31% nhưng không bệnh viện nào tiếp nhận ông.

"Tôi phải giữ đức tin trong bao lâu nữa?", ông đặt câu hỏi.

Nhà báo cập nhật cái chết trên Twitter - Hậu quả sự coi thường COVID-19 ở Ấn Độ - 1
Srivastava cập nhật mức oxy trên Twitter. (Ảnh: Twitter)

Khi mức oxy chỉ còn 30, Srivastava tiếp tục cầu cứu trong tuyệt vọng: "Bao giờ mới có người đến?".

Không nhận được bất cứ hỗ trợ y tế nào, Srivastava qua đời hôm 17/4.

Srivastava chỉ là một trong hàng nghìn bệnh nhân mắc COVID-19 nhưng không được nhập viện ở Ấn Độ những tuần qua.

Đợt lây nhiễm COVID-19 mới đang đè bẹp hệ thống y tế nước này. Liên tiếp những ngày qua, số ca bệnh mới của Ấn Độ luôn trên mức 300.000 ca/ngày. Quốc gia Nam Á hiện ghi nhận hơn 17,3 triệu ca mắc COVID-19 và hơn 180.000 người chết.

Đây là điều mà Srivastava và 1,3 tỷ dân Ấn Độ còn lại không thể ngờ đến cách đây hơn một tháng.

Đầu tháng 3, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Harsh Vardhan tuyên bố quốc gia của ông đang "trong giai đoạn cuối" của đại dịch. Nhưng không lâu sau đó, làn sóng lây nhiễm mới bùng nổ, càn quét khắp mọi ngóc ngách ở Ấn Độ.

Chủ quan, khinh dịch

Tuyên bố của ông Vardhan dường như thúc đẩy người dân Ấn Độ "sổ lồng" sau một năm mệt mỏi vì COVID-19.

Những ngày giữa tháng 3, hơn hai triệu người chen lấn ngâm mình trong sông Hằng, bang Uttarakhand để dự lễ hội Maha Shivaratri - một trong những lễ hội tôn giáo nổi tiếng nhất Ấn Độ.

"Đại dịch không đáng sợ và mọi người tự do đi lại. Ấn Độ đã đánh bại dịch bệnh và không có gì phải lo lắng", người hành hương Nitesh Kumar, 31 tuổi, nói. Thời điểm đó, Ấn Độ ghi nhận hơn 11 triệu ca COVID-19.

Nhà báo cập nhật cái chết trên Twitter - Hậu quả sự coi thường COVID-19 ở Ấn Độ - 2
Các tín đồ theo đạo Hindu tắm trên sông Hằng vào ngày đầu tiên của lễ hội Kumbh Mela. (Ảnh: Reuters)

Chỉ vài tuần sau, lễ hội này trở thành sự kiện siêu lây nhiễm. Nó đẩy số ca nhiễm mới trong ngày ở Uttarakhand tăng từ 30-60 vào tháng 2 lên 2.000-2.500 vào tháng 4.

Các trận đấu cricket với khán đài chật ních khán giả vẫn diễn ra đều đặn, rạp chiếu phim cũng hoạt động hết công suất. Chính phủ cho phép các tín đồ Hindu giáo hành hương về những lễ hội tôn giáo lớn như Kumbh Mela ở Haridwar, bang Uttarakhand.

Các cuộc bầu cử tại năm bang diễn ra theo đúng lịch trình thay vì trì hoãn như chuyên gia y tế khuyến cáo. Các chính trị gia vẫn tổ chức mít tinh kêu gọi phiếu bầu. Hàng chục nghìn người tham dự các sự kiện này bỏ qua các quy tắc chống dịch, chen chúc hò reo và không hề đeo khẩu trang.

Số liệu thống kê cho thấy số ca mắc tại các bang này tăng mạnh từ sau các cuộc bầu cử với tốc độ vượt xa các thành phố đông dân như Mumbai và New Delhi.

Tại bang Tây Bengal - nơi diễn ra bầu cử từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 4, số ca mắc COVID-19 mới tăng gấp 10 lần từ đầu tới giữa tháng 4.

"Cả công chúng lẫn những nhà hoạch định chính sách đều tin Ấn Độ sẽ không có làn sóng COVID-19 thứ hai. Điều này khiến họ buông lỏng cảnh giác. Rõ ràng là quyết định mở cửa du lịch, tiến hành bầu cử, hội họp tôn giáo và đám cưới đã dẫn đến nhiều cụm siêu lây nhiễm", Tiến sĩ K. Srinath Reddy, cố vấn chính phủ về đại dịch nhận định.

Các sự kiện chính trị, tôn giáo, thể thao được truyền thông Ấn Độ đưa tin rộng rãi gửi đi các thông điệp sai lệch về mức độ nghiêm trọng của đại dịch.

Với những người bị bào mòn tinh thần trong dịch bệnh trong hơn một năm qua, họ khao khát được trở lại cuộc sống bình thường. Nhiều người lao vào các cuộc hội họp, sự kiện bất chấp việc biến thể COVID-19 vẫn đang lây lan với tốc độ khủng khiếp. Điều này khiến mọi thứ trở nên tệ hơn.

Nhà báo cập nhật cái chết trên Twitter - Hậu quả sự coi thường COVID-19 ở Ấn Độ - 3
Đám đông tham gia một cuộc mít tinh vận động bầu cử ở Kolkata, Ấn Độ hôm 7/4. (Ảnh: Reuters)

Niềm tin thường xuyên tiếp xúc với ô nhiễm và vi khuẩn ban cho người dân Ấn Độ khả năng miễn dịch vượt trội cũng khiến không ít người chủ quan và coi thường dịch bệnh.

Cường quốc dược phẩm khan hiếm vaccine COVID-19

Làn sóng COVID-19 đầu tiên tập trung vào các khu vực thành thị nghèo trước khi phân tán tới các vùng nông thôn. Trong khi đó, hầu hết các ca nhiễm mới trong làn sóng dịch thứ hai của Ấn Độ được ghi nhận ở nông thôn.

"Dù virus hoành hành khắp đất nước, nhưng người dân ở các vùng nông thôn phần lớn không hiểu về nó. Nhiều làng trong huyện có tới 95% người dân đi lại nơi công cộng mà không đeo khẩu trang", Manas Gumta, bác sĩ kiêm tổng thư ký Hiệp hội Y sĩ tại Tây Bengal cho biết.

Cũng theo ông Gumta, việc chính quyền chủ quan, không nâng cấp cơ sở hạ tầng ở thời điểm dịch bệnh "giảm nhiệt" khiến tình hình COVID-19 trở nên tồi tệ như hiện tại.

"Lẽ ra chúng ta phải dùng những tháng đó để nâng cấp cơ sở hạ tầng", ông Gumta cho biết.

Ở thời điểm hiện tại khi cơn sóng thần COVID-19 quét khắp Ấn Độ, chính quyền bang và chính quyền liên bang mới tính tới chuyện nâng cấp cơ sở hạ tầng. Nhưng "cơ hội vàng" chống dịch đã bị bỏ lỡ.

Nhiều tháng trước làn sóng dịch mới, Ấn Độ xuất khẩu một lượng lớn vật tư y tế, cung ứng hàng trăm triệu liều vaccine và là nhà cung cấp chính cho chương trình COVAX Facility. Nhưng hiện tại, cường quốc dược phẩm của thế giới đang lâm vào tình trạng khan hiếm vaccine.

Nhà báo cập nhật cái chết trên Twitter - Hậu quả sự coi thường COVID-19 ở Ấn Độ - 4
Một khu vực hoả thiêu thi thể người chết vì COVID-19 ở New Delhi. (Ảnh: Reuters)

Bên cạnh đó, chương trình tiêm chủng của quốc gia Nam Á cũng không thu được kết quả như mong đợi. Nguyên nhân xuất phát từ sự do dự của người dân trước các thông tin tiêu cực về các trường hợp gặp tác dụng phụ cũng như các ca nhiễm dù đã chích ngừa.

Tính tới hiện tại, mới chỉ khoảng 132 triệu liều vaccine COVID-19 được tiêm ở Ấn Độ. Con số này được xem là khá nhỏ so với dân số 1,3 tỷ của quốc gia bắt đầu chiến dịch tiêm chủng từ tháng 1.

"Chúng ta đã tự tin, phấn chấn sau khi ngăn chặn thành công làn sóng đại dịch đầu tiên. Nhưng cơn bão lần này đã làm rung chuyển đất nước", Thủ tướng Narendra Modi nói hôm 25/4, kêu gọi tất cả người dân tiêm vaccine.

Harshit, con trai ông Srivastava cho biết anh đã gọi điện cho ba bệnh viện nhưng tất cả đều yêu cầu gia đình phải có giấy xác nhận dương tính với COVID-19. Sau khi mất ba giờ để có được tờ giấy này, Harshi quay về nhà, mượn tạm người họ hàng bình oxy nhưng lại không có sẵn khí. Anh phải đi nạp oxy vào giữa đêm.

“Tôi phải xếp hàng dài và phải tranh giành với những người khác để cứu cha mình", Harshit cho biết.

Những ngày này ở Ấn Độ, cảnh tượng bị bắt gặp nhiều nhất là hàng dài người chờ được nhập viện, các gia đình gào khóc bên người thân hấp hối ngoài phòng bệnh và những giàn hỏa thiêu đỏ lửa ngày đêm.

Nó khác xa với tiếng cười nói ầm ĩ trong các lễ hội, dòng người chen lấn trong các sự kiện tôn giáo quy mô.

Người Ấn Độ đang phải trả giá đắt cho sự lơ là, khinh dịch của chính mình.

SONG HY

Thảm kịch COVID-19 ở Ấn Độ: "Hãy giúp cha tôi chết được không?" Thảm kịch COVID-19 ở Ấn Độ: "Hãy giúp cha tôi chết được không?"
Biến thể nCoV Ấn Độ nguy hiểm như thế nào? Biến thể nCoV Ấn Độ nguy hiểm như thế nào?
Mỹ hỗ trợ khẩn cấp giúp Ấn Độ chống dịch Mỹ hỗ trợ khẩn cấp giúp Ấn Độ chống dịch

/ vtc.vn