Nhiệm vụ của chúng ta là ngoại giao và kết bạn. Nhưng khi cứng rắn, rất có thể anh không kết được thêm bạn, mà còn khiến những căng thẳng trở nên trầm trọng.
Theo SCMP, tuần trước một quan chức Trung Quốc đã nêu ra một câu hỏi rất đáng đáng suy ngẫm đối với các đồng nghiệp của mình: “Khi Trung Quốc đang trỗi dậy, tại sao chúng ta không thể kết thêm bạn, và vì sao lời nói của chúng ta lại không được lắng nghe?”. Câu hỏi này lại càng có sức nặng trong bối cảnh thương chiến Mỹ-Trung đang ngày càng căng thẳng, khi các quan chức Trung Quốc đang nỗ lực giành được sự ủng hộ từ dư luận trong nước và quốc tế.
Và câu hỏi trên càng được chú ý và bàn luận nhiều hơn trong diễn đàn Đối thoại Shangri-La được tổ chức tại Singapore hồi đầu tháng, khi các quan chức Trung Quốc phải đối mặt với việc cân bằng giữa hai việc: tỏ ra cứng rắn trước một bộ phận công chúng trong nước đang ngày càng gia tăng tinh thần dân tộc, và duy trì hình ảnh hòa giải trước công chúng quốc tế đang ngày càng cảnh giác trước những chính sách đối ngoại và quốc phòng quyết đoán của Bắc Kinh.
Đại tá Triệu Tiểu Trác, một chuyên gia cấp cao tại Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc thuộc lực lượng Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc (PLA) cho rằng, đây là những kỳ vọng đối lập nhau tại Singapore.
“Hiện nay đang tồn tại hai thế giới trái ngược nhau, một ở trong nước và một ở quốc tế, và về cơ bản thì hai thế giới này đang thuộc về hai đường lối đối lập với nhau hoàn toàn. Diễn đàn Đối thoại Shangri-La là nơi hai thế giới đó xung đột. Với tư cách đại biểu Trung Quốc tham dự diễn đàn, chúng ta cần thể hiện vị trí của mình, nhưng việc cân bằng kỳ vọng ở cả hai phía đang ngày càng trở nên khó khăn hơn”, ông Trác cho biết.
“Nếu chúng ta cứng rắn, thì dư luận trong nước sẽ rất hài lòng, nhưng điều đó lại làm mất lòng công chúng quốc tế. Nhưng nếu tỏ ra mềm mỏng, thì chúng ta sẽ trở thành mục tiêu bị chỉ trích trong nước”, ông nói thêm.
Theo ông Triệu, đây là một thách thức chưa từng có tiền lệ đối với những quan chức Bắc Kinh, bởi họ còn phải khiến các nhà lãnh đạo hài lòng. “Nhiệm vụ của chúng ta là ngoại giao và kết bạn. Nhưng khi cứng rắn, rất có thể anh không kết được thêm bạn, mà còn khiến những căng thẳng trở nên trầm trọng”.
Áp lực này cực kỳ lớn khi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa có bài phát biểu trong lần xuất hiện hiếm hoi tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La. Trong bài phát biểu của mình, ông Ngụy đã đưa ra các lập luận khẳng định rằng Trung Quốc đã sẵn sàng chiến đấu với Mỹ tới cùng trong cuộc chiến thương mại, cũng như các vấn đề liên quan tới lãnh thổ nước này.
Thiếu tướng Kim Nhất Nam đến từ Đại học Quốc phòng Trung Quốc, là một trong những thành viên thuộc phái đoàn Trung Quốc tham dự diễn đàn Đối thoại Shangri-La. Ông này cho biết, bài phát biểu của Bộ trưởng Ngụy đã chứng minh sự tự tin của Trung Quốc trên trường quốc tế và vượt qua những kì vọng rằng Trung Quốc sẽ kiềm chế trước Mỹ.
Những phản ứng từ dư luận Trung Quốc đã rất nhanh chóng và đầy tích cực. Hàng vạn người dùng Internet ở Trung Quốc đã sử dụng các kênh mạng xã hội như Weibo để thể hiện sự đồng tình trước bài phát biểu khá cứng rắn của ông Ngụy.
“Đây là thái độ mà quân đội Trung Quốc nên cho cả thế giới thấy”, một người bình luận trên mạng xã hội. “Tôi tự hào vì đất nước mình mạnh mẽ đến vậy”, một người khác viết.
Năm 2018, cơ quan tuyên truyền của chính phủ Trung Quốc đã kiểm soát chặt chẽ giới truyền thông nước này về những vấn đề liên quan tới thương chiến Mỹ-Trung. Nhưng sau khi các cuộc đàm phán thương mại đổ vỡ hồi đầu tháng trước, quan chức nước này đã cho phép và tăng cường các bài viết, tin tức kêu gọi tinh thần dân tộc trên báo chí và truyền hình.
Ngoài ra, Trung Quốc còn nỗ lực gây sự chú ý với thế giới bằng cách tung ra những tuyên bố chính thức. Vào cùng ngày Bộ trưởng Ngụy Phượng Hòa có bài phát biểu tại Singapore, thì Quốc vụ viện Trung Quốc cũng công bố văn kiện “sách trắng”, nói rằng phía Mỹ phải chịu trách nhiệm trong việc đàm phán thương mại đổ vỡ.
Một đại biểu Trung Quốc tại diễn đàn Shangri-La cho biết, Bắc Kinh đã hiểu rằng Washington đã có lợi thế trong việc định hình ý kiến dư luận toàn thế giới từ rất lâu, do vậy Trung Quốc cũng có một nhiệm vụ cấp bách là phải khiến người khác nghe thấy lời nói của mình.
“Chúng tôi cần làm quen với việc nói lên quan điểm của mình thông qua các diễn đàn phương Tây. Phía Mỹ đã chỉ trích chúng ta rất nhiều vấn đề. Nhưng tại sao chúng ta lại để họ thống lĩnh tất cả các diễn đàn và nói câu kết thúc trong mọi vấn đề như vậy”, ông này cho biết.
Trước khi ông Ngụy xuất hiện tại diễn đàn Shangri-La, Trung Quốc trong 8 năm liên tiếp không cử bất kỳ quan chức cấp cao nào tới dự diễn đàn này. Trung Quốc đã không đánh giá đúng tầm quan trọng của diễn đàn này khi cho rằng, đây là một công cụ để Mỹ và các nước phương Tây dùng vào việc công kích vào Trung Quốc.
Theo bà Andrea Thompson, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách vấn đề kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế, sự hiện diện của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc tại Singapore là một “dấu hiệu tích cực”. Bà hy vọng Bắc Kinh sẽ cởi mở và minh bạch hơn trong việc giải quyết những vấn đề quốc tế như kiểm soát vũ khí hay an ninh mạng.
“Tôi đánh giá cao việc ông ấy xuất hiện tại đây. Tôi nghĩ đối thoại là một việc làm quan trọng... Sẽ có nhiều lĩnh vực chúng ta có thể thống nhất hoặc bất đồng, nhưng bạn phải đối thoại”, bà nói.
Tuấn Trần
Trung Quốc dằn mặt các công ty nước ngoài
Mỹ và Trung Quốc dường như đang chuẩn bị "những đòn đánh kinh tế mới" nhằm vào nhau |
Báo Trung Quốc nói 'thế lực nước ngoài' kích động biểu tình ở Hong Kong
China Daily cho rằng thế lực nước ngoài đang tìm cách xúi giục biểu tình chống dự luật dẫn độ ở Hong Kong nhằm gây ... |
Dự luật dẫn độ đến Trung Quốc khiến người Hong Kong nổi giận
Người Hong Kong lo ngại dự luật dẫn độ sang Trung Quốc đại lục sẽ khiến họ trở thành nạn nhân của một hệ thống ... |