Nguy cơ tai nạn giao thông vì học sinh điều khiển xe đạp và xe máy điện

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh thường xuyên xuất hiện hình ảnh học sinh đi xe đạp điện và xe máy điện mà không đội mũ bảo hiểm, đi xe sai làn đường, thậm chí lạng lách, phóng nhanh vượt ẩu... tiềm ẩn nguy cơ TNGT nghiêm trọng.

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, các vụ TNGT liên quan đến học sinh ở độ tuổi từ 16 đến dưới 18 điều khiển xe đạp điện, xe máy điện rất đáng lo ngại. Bởi lẽ, không ít phụ huynh cho rằng đi xe đạp điện, xe máy điện an toàn hơn so với xe máy. Tuy nhiên trên thực tế, với vận tốc tối đa có thể lên tới 40 và 50km/h, mức độ nguy hiểm của xe máy, xe đạp điện là như nhau. Xe đạp điện, xe máy điện gần như không phát ra tiếng động nên cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra TNGT khi lưu thông với tốc độ cao.

hs 1.jpg -0
Một số học sinh điều khiển xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm tham gia giao thông.

Có mặt tại một số trường học thuộc huyện Gò Dầu vào giờ tan lớp, chúng tôi ghi nhận, các học sinh điều khiển xe đạp điện, xe máy điện rất đông. Tuy nhiên, phần lớn các em không đội mũ bảo hiểm, chạy xe tốc độ cao từ cổng trường ra ngoài đường chính. Thiếu tá Đỗ Minh Hòa, Phó Trạm trưởng Trạm CSGT Trảng Bàng, Phòng CSGT Công an Tây Ninh, cho biết: “Thời gian qua, để giảm thiểu các vụ TNGT liên quan đến học sinh điều khiển xe đạp điện, xe máy điện, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền đến tất cả các trường học trên địa bàn. Cán bộ CSGT gặp gỡ các em học sinh để tuyên truyền cho về Luật Giao thông. Đồng thời, kiên quyết xử lý lỗi vi phạm về TTATGT đối với các em học sinh, đặc biệt điều khiển xe đạp điện, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm”.

Không chỉ điều khiển xe đạp điện, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm, mà các học sinh còn chở ba, chạy dàn hàng ngang, đùa giỡn. Theo các chuyên gia giao thông nhận định, do đang trong độ tuổi trưởng thành, muốn thể hiện bản thân nên không ít học sinh khi đi xe đạp điện, xe máy điện thường không thích đội mũ bảo hiểm, có hành vi lạng lách, đánh võng trên đường. Đây chính là biểu hiện rõ nhất về ý thức tham gia giao thông của lứa tuổi này còn hạn chế, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất TTATGT.

Ông Trần Văn Quang, một phụ huynh lo lắng: “Chứng kiến các em điều khiển xe đạp điện, xe máy điện, tôi thấy rất nguy hiểm…”.

Theo Công an tỉnh Tây Ninh, phần lớn các em học sinh chủ quan coi loại phương tiện này không khác gì xe đạp thông thường. Do vậy, khi các học sinh chạy nhanh sẽ không thể xử lý các tình huống khẩn cấp xảy ra. Nguy hiểm hơn, loại phương tiện này không gắn gương chiếu hậu, còi, đèn xi nhan yếu, nên khi chuyển hướng cũng có thể xảy ra tai nạn nếu người tham gia giao thông thiếu cảnh giác. Do đó, công tác tuyên truyền cần đẩy mạnh ngay từ nhà trường phải thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện các trường hợp điều khiển xe đạp điện, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm. Giữa nhà trường và gia đình cũng phải có thông báo để phối hợp quản lý, giáo dục các em.

Anh Bùi Ngọc Thịnh, Bí thư Đoàn trường THPT Ngô Gia Tự, cho biết: Về tình trạng các em mà chạy xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, nhà trường đã có một số biện pháp ngay từ đầu năm học. Đối với các em khối 10, nhà trường sẽ mời Công an tỉnh Tây Ninh phối hợp tổ chức tuyên truyền việc chấp hành pháp luật giao thông. Bên cạnh đó, nhà trường sẽ cho các em học sinh ký cam kết không vi phạm TTATGT và có sự xác nhận của giáo viên chủ nhiệm cùng phụ huynh học sinh. Nhà trường cũng đã quy định cụ thể, nội quy buộc học sinh phải đội mũ bảo hiểm. Nếu như các em vi phạm lần đầu thì cảnh cáo, lần sau sẽ hạ hạnh kiểm. Trong tuần, nhà trường sẽ có 1 buổi kiểm tra bất ngờ trên đường để phát hiện các trường hợp không đội mũ bảo hiểm.

Trên thực tế, còn rất nhiều người chủ quan cho rằng pháp luật không quy định về vấn đề đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện, xe máy điện. Tuy nhiên, cần nhận thức rõ, việc đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện, xe máy điện là hoàn toàn có quy định bắt buộc tại Luật Giao thông đường bộ và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Chính vì vậy, gia đình, nhà trường và toàn xã hội đều phải chung tay hướng dẫn cho các em, giúp các em hiểu rõ nhất về Luật Giao thông, từ đó thực hiện đúng và đẩy đủ khi tham gia giao thông trên đường. Hơn nữa, việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện, xe máy điện cũng chỉ nhằm phục vụ mục tiêu cao nhất là bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông.

https://cand.com.vn/Giao-thong/nguy-co-tai-nan-giao-thong-vi-hoc-sinh-dieu-khien-xe-dap-va-xe-may-dien-i692356/

T.Nhung - C.Bình / cand.com.vn