Dù sốt cao, An Jianhua vẫn phải xếp hàng 7 tiếng bên ngoài bệnh viện trong cái lạnh với hy vọng được xét nghiệm virus corona.
An, 67 tuổi, đến từ Vũ Hán, tâm điểm dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona (nCoV). Bà cần phải có chẩn đoán chính thức từ bệnh viện thì mới đủ điều kiện điều trị. Tuy nhiên, bệnh viện nơi bà và con trai tới tuần trước đã chật kín, thậm chí không còn chỗ cho bà xét nghiệm. Tìm tới một bệnh viện khác, tình trạng vẫn tương tự. Cuối cùng, bà được truyền thuốc hạ sốt, nhưng đó là tất cả.
Đến nay, An vẫn tự cách ly ở nhà. Bà và con trai ăn uống riêng, đeo khẩu trang ngay cả khi đi ngủ và khử trùng toàn bộ căn hộ. Sức khỏe của An đang xấu đi nhanh chóng.
Một người đàn ông chết trên đường phố Vũ Hán hôm 30/1 song chưa rõ có phải do nhiễm nCoV hay không. Ảnh: AFP. |
"Tôi không thể để mẹ chết ở nhà được", He Jun, con trai An, nói. "Mỗi ngày tôi đều muốn khóc... Không có chút hy vọng nào cả".
Trong lúc cả đất nước Trung Quốc chạy đua ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, người dân Vũ Hán đang phải vật lộn sinh tồn từng ngày. Tháng trước, chính phủ Trung Quốc ra lệnh phong tỏa thành phố và hạn chế đi lại. Giờ đây, rất nhiều người dân nói họ không thể có được điều kiện chăm sóc sức khỏe cần thiết nhằm chống lại virus, thậm chí còn không được chẩn đoán.
Với thái độ giận dữ, các bác sĩ cho biết họ thiếu trầm trọng dụng cụ xét nghiệm cùng các vật tư y tế khác. Không rõ vì sao tình trạng này lại kéo dài như vậy. Lệnh cấm phương tiện giao thông đồng nghĩa với việc nhiều người dân phải đi bộ hàng giờ liền mới tới được bệnh viện, nếu họ đủ khỏe.
Người dân cho hay gọi xe cứu thương cũng là một thách thức. Những ngày gần đây, một số người gọi đến số điện thoại khẩn cấp 120 chỉ để nhận được câu trả lời rằng đang có hàng trăm người khác xếp hàng chờ.
Những người tới được bệnh viện thì nói họ bị nhồi nhét hàng giờ trong các phòng chờ, nơi virus rất dễ lây lan. Tình trạng thiếu thốn cơ sở vật chất cuối cùng khiến nhiều người bị khước từ, phải trở về nhà tự cách ly, tiềm ẩn nguy cơ lây lan cho chính thành viên gia đình họ.
Các bác sĩ và người dân Vũ Hán hiện đặt hy vọng vào hai bệnh viện dã chiến mới xây. Một bệnh viện có tới 1.000 giường và dự kiến mở cửa trong hôm nay. Quân đội Trung Quốc đã cử 1.400 y bác sĩ tới làm việc tại đây, phần nào giúp khắc phục tình trạng thiếu chuyên gia y tế.
Hôm qua, giới chức thành phố công bố kế hoạch thiết lập các trạm cách ly xung quanh Vũ Hán cho những người có triệu chứng viêm phổi và những người tiếp xúc gần với bệnh nhân nhiễm virus. Nhưng qua một tuần phong tỏa, nhiều người dân tin rằng nCoV đã lan rộng hơn nhiều so với con số mà chính quyền đưa ra.
"Tình hình chúng tôi chứng kiến tồi tệ hơn nhiều so với các báo cáo chính thức", Long Jian, 32 tuổi, nói bên ngoài một bệnh viện nơi cha anh đang điều trị. Long cho biết cha anh đã phải tìm đến 6 bệnh viện và chờ 7 ngày mới được xét nghiệm virus corona.
Cách nơi Long đứng vài bước chân, những dãy giường dài xếp san sát hai bên hành lang hẹp của phòng cấp cứu. Một người đàn ông đang truyền tĩnh mạch ngay trong xe của mình.
"Những bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị thực sự may mắn", Long nói. "Ở khu tôi sống, rất nhiều người không được chẩn đoán, cuối cùng qua đời tại nhà".
Người dân Vũ Hán xếp hàng chờ khám bệnh tại một bệnh viện hồi tuần trước. Ảnh: New York Times. |
Để được điều trị virus corona tại bệnh viện, bệnh nhân cần trải qua một quy trình dài với vô số bước. Theo hướng dẫn chính thức, bệnh nhân được khuyến khích tới bệnh viện địa phương trước để đánh giá sơ bộ. Sau đó, họ phải cung cấp kết quả cho những ủy ban khu dân cư, nơi chịu trách nhiệm liên lạc với các bệnh viện và điều phối nguồn lực cho các hộ gia đình trong khu vực mình quản lý. Có khoảng 1.000 ủy ban như vậy ở Vũ Hán, nơi có dân số 11 triệu người.
Những người có triệu chứng nhẹ thường được yêu cầu về nhà tự cách ly. Những người có triệu chứng nặng hơn được ủy ban khu dân cư đánh dấu rồi lên lịch điều xe cứu thương đưa tới một trong hơn 20 bệnh viện có chỉ định điều trị nCoV.
Nhưng thực tế, bệnh nhân và người nhà cho hay quy trình diễn ra lâu hơn thế nhiều lần và tiêu chuẩn cho cái gọi là "triệu chứng nghiêm trọng" được đặt quá cao. Vì thế, họ từ bỏ và chọn cách đến xếp hàng tại bệnh viện.
Amy Hu cho hay người mẹ 64 tuổi của cô tới gặp bác sĩ sau khi bị sốt, ho, khó thở, tiêu chảy khoảng 10 ngày trước. Dựa trên đánh giá ban đầu, bác sĩ cho rằng mẹ cô đã nhiễm virus corona. Nhưng xét nghiệm cần để xác nhận chẩn đoán lại chưa thể thực hiện.
Thiếu xét nghiệm này, mẹ cô không thể nhập viện. Vậy nên, họ trở về nhà và chỉ biết chờ bác sĩ gọi. Những ngày qua, Hu phải tự bảo vệ bằng cách thuê phòng khách sạn cho chính mình và hai con.
"Tôi rất thất vọng với chính quyền", Hu nói. "Dường như chỉ bệnh nhân nào sắp chết mới có thể được nhập viện".
Tong Yixuan, 31 tuổi, cho hay tuần trước, anh vô cùng hoảng loạn khi biết chỉ trong vài ngày, tình trạng sức khỏe của cha anh đã trở nên nghiêm trọng với thân nhiệt cao và thỉnh thoảng ông còn rơi vào hôn mê. Bác sĩ nói gần như chắc chắn ông nhiễm nCoV.
Nhưng cả cha và mẹ anh, người đang xuất hiện các triệu chứng tương tự, đều không được xét nghiệm virus. Bệnh viện nói họ không còn chỗ trống và triệu chứng của hai ông bà không đủ nghiêm trọng. Cha mẹ Tong được đưa về nhà tự cách ly.
Tong không có cách nào để giúp đỡ. Anh lúc bấy giờ ở thành phố Hoàng Thạch, cách nhà gần 100 km. Nơi đây cũng bị áp lệnh phong tỏa. Đường dẫn về Vũ Hán đã bị chặn.
Chỉ tới hôm 1/2, sau nhiều giờ thương thuyết với các quan chức địa phương, Tong mới được phép trở về bên cha mẹ. Họ đã được làm xét nghiệm phát hiện virus. Cha anh đã nhập viện. Cả quá trình kéo dài 10 ngày.
"Tất cả những gì tôi muốn làm chỉ là chăm sóc cha mẹ mình", Tong nói. "Tôi không quan tâm liệu tôi có bị nhiễm bệnh hay không".
Với một số người, như Gan Hanjiang, tốc độ xây dựng các bệnh viện dã chiến mới không đủ nhanh với anh. Tháng trước, cha anh bị sốt cao và ho. Ông được làm xét nghiệm nCoV nhưng kết quả âm tính. 10 ngày sau, ông qua đời.
Bệnh viện xác định nguyên nhân tử vong là "viêm phổi nặng" nhưng anh tin đó là do virus corona. Nhiều chuyên gia mới đây thừa nhận để chẩn đoán chính xác virus, các bác sĩ có thể phải thực hiện nhiều vòng xét nghiệm.
Vào ngày cha mất, Gan bắt đầu xuất hiện những triệu chứng tương tự. Nhưng vì không có xe, anh không thể tới các bệnh viện được chỉ định để làm xét nghiệm.
"Để được chữa bệnh thật khó khăn", Gan nói thều thào qua điện thoại từ một bệnh viện nhỏ gần nhà, nơi anh đang được điều trị viêm phổi do virus. "Chúng tôi không thể nhập viện, thuốc còn không đủ nữa".
Người dân xếp hàng chờ giúp đỡ tại bệnh viện ở Vũ Hán. Ảnh: AFP. |
Vũ Hoàng (theo New York Times)