Tôi nhớ có trường hợp người bệnh sang điều trị tại Singapore nhưng lại được can thiệp tim mạch bởi chính bác sĩ Việt Nam, được mời sang bên đó để đào tạo và trình diễn kỹ thuật.
Tôi nhớ có trường hợp người bệnh sang điều trị tại Singapore nhưng lại được can thiệp tim mạch bởi chính bác sĩ Việt Nam, được mời sang bên đó để đào tạo và trình diễn kỹ thuật.
Tôi thuộc thế hệ sinh viên Y khoa được nghe nói nhiều tới kỹ thuật mổ gan của GS Tôn Thất Tùng, tới GS.TS Nguyễn Thanh Liêm được giới phẫu thuật nhi khoa quốc tế công nhận là chuyên gia hàng đầu trong phẫu thuật nội soi điều trị u nang ống mật chủ. Rồi gần đây là kỹ thuật phẫu thuật nội soi tuyến giáp do PGS.TS Trần Ngọc Lương đã đổi mới, sáng tạo và được đồng nghiệp trên thế giới lấy tên "Dr Luong's technique".
Bản thân tôi không ít lần nhận thấy vẻ mặt ngạc nhiên của các đồng nghiệp quốc tế khi được giới thiệu về những hệ thống phẫu thuật nội soi Robot, hệ thống xạ trị gia tốc đa năng hay các phác đồ hóa trị ung thư đắt đỏ nằm trong danh mục được bảo hiểm y tế chi trả mà Việt Nam chúng ta đang sở hữu. Nhờ chính sách đầu tư từ ngân sách Nhà nước cũng như hiệu quả của chủ trương xã hội hóa y tế, đề án bệnh viện vệ tinh, chuyển giao kĩ thuật cho tuyến dưới..., các bệnh viện tại Việt Nam ngày nay đã khang trang, hiện đại, mang dáng dấp như ở các quốc gia phát triển.
Thế nhưng, với đội ngũ bác sĩ có kỹ năng và trình độ chuyên môn cao, trang thiết bị hiện đại như vậy, nhiều người bệnh có điều kiện kinh tế vẫn lựa chọn khám và điều trị ở nước ngoài với chi phí đắt đỏ hơn hàng chục lần. Tại sao lại như vậy?
Lý do thứ nhất chắc chắn là cung chưa đáp ứng đủ cầu. Việc mất cân đối trong đầu tư y tế giữa các tuyến dẫn đến tình trạng quá tải ở tuyến trên và tâm lý hoài nghi về chất lượng dịch vụ ở tuyến dưới. Mặc dù hệ thống y tế Việt Nam với 4 tuyến khám chữa bệnh rõ rệt nhưng người dân đã rất quen thuộc với hình ảnh một sản phụ sinh thường cũng tìm đến Bệnh viện Phụ sản trung ương, rồi một bé bị sốt nhẹ cũng được bố mẹ đưa vào Bệnh viện Nhi tuyến cuối...
Và hệ quả là khi các bệnh viện còn quá tải thì mục tiêu nâng cao chất lượng khó có thể đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, nhân viên y tế hàng ngày phải tiếp xúc, thăm khám, chăm sóc tới cả trăm người bệnh thì làm sao có thể luôn giữ được thái độ niềm nở, tận tình?
Lý do thứ hai có lẽ là sự khó khăn trong việc tiếp cận với những thông tin chính thống từ bệnh viện. Hầu hết các bệnh viện công không có bộ phận marketing, chăm sóc khách hàng hoạt động chuyên nghiệp để quảng bá hình ảnh, thương hiệu cũng như truyền tải thông tin chi tiết về điều kiện khám chữa bệnh, trình độ khoa học kỹ thuật và đội ngũ chuyên gia tới người dân.
Một yếu tố nữa có thể do tâm lý "sính ngoại" dường như là "căn bệnh" cố hữu của một bộ phận người Việt. Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" từ nhiều năm nay đã được triển khai mạnh mẽ tới mọi ngành, trong đó có y tế, nhưng để thay đổi tâm lý, thói quen của một con người, thì không chỉ trong ngày một ngày hai. Thật lạ khi người bệnh tại Việt Nam luôn có "tâm lý" phải được phục vụ "ngay và luôn", trong khi đó ở các nước tiên tiến như châu Âu, Hoa Kỳ thì kể cả một người nổi tiếng cũng phải đợi nhiều tuần để được xếp lịch phẫu thuật và thật đáng ngạc nhiên là điều này lại không tạo bức xúc hay căng thẳng cho người bệnh.
Vậy, để giải quyết tình trạng "chảy máu ngoại tệ" do khám chữa bệnh ở nước ngoài thì chúng ta phải làm gì? Theo tôi, việc đầu tiên có thể làm ngay được là phát triển hệ thống khám chữa bệnh theo yêu cầu chất lượng cao với cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại, tập trung đội ngũ chuyên gia có trình độ chuyên môn, chuyên nghiệp, tận tụy, vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, song hành với đó, chúng ta phải luôn đảm bảo quyền lợi của người bệnh tham gia Bảo hiểm y tế, hỗ trợ người bệnh nghèo, đồng bào vùng khó khăn, đồng thời tiếp tục tăng cường năng lực y tế tuyến cơ sở... để không ai không được chăm sóc y tế.
Bên cạnh đó, tôi nghĩ cần đẩy mạnh truyền thông, quảng bá thông tin về sự phát triển và các thành tựu y tế nước nhà để người Việt không phải ra nước ngoài điều trị mà ngược lại còn thu hút thêm người bệnh trong khu vực tới khám chữa bệnh kết hợp du lịch tại Việt Nam.
Đồng thời, phải xây dựng cơ chế linh hoạt, thông thoáng cho các bệnh viện, đặc biệt thí điểm tự chủ toàn diện với sự giám sát của Nhà nước ở một số bệnh viện lớn, tạo đà phát triển, chủ động sáng tạo trong hệ thống y tế, góp phần thúc đẩy ngành Y tế Việt Nam hòa nhập hơn nữa với nhịp phát triển của đất nước trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Với trí tuệ của người Việt Nam cũng như triển vọng của một đất nước thuộc nhóm tăng trưởng nhanh nhất thế giới, chúng ta có thể xây dựng một nền y tế hiện đại, toàn diện, vươn tầm khu vực và thế giới. Như chính Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu trước kia từng phát biểu "Nếu có vị trí số một ở Đông Nam Á thì đó phải là Việt Nam".
Trần Văn Thuấn