Một người họ hàng đến gặp tôi dịp tất niên năm ngoái. “Chú có quan hệ rộng, chú xin việc cho cháu nó với, hết bao tiền cũng được”.
quen làm to
Anh xoay mãi chén nước đã nguội: “Chạy hết 70 triệu mà chờ sáu tháng nay cháu nó vẫn chưa được vào làm”. Anh chị đã xin cho cậu con trai vào làm nhân viên ở chi nhánh tỉnh một tổng công ty nhà nước. Nhưng rồi nhận được lý do họ “phải sắp xếp cho con cháu lãnh đạo tỉnh” trước nên mình phải đợi. Nếu được vào phải thêm tiền nữa, và cũng chỉ được ký hợp đồng thời vụ.
Tôi bảo, đúng là em có quen biết, nhưng em không có năng lực xin việc bằng tiền. “Thử xem cháu làm được việc gì tốt thì em kết nối với nơi cần kỹ năng của cháu” - tôi giảng giải một hồi để mong anh thay đổi quan điểm “xin việc phải bằng tiền”, mà là bằng kỹ năng, thái độ lao động. Nhưng nỗ lực của tôi đổ bể. Với anh cũng như nhiều người có mặt ở cuộc gặp tất niên hôm đó, xin việc phải mất tiền là một “chân lý”. Họ không tin có một cách xin việc khác ở tỉnh này. Cũng vì thế, “chân lý” này ngấm vào đầu đứa cháu tuổi còn trẻ, sức còn sung của tôi đang ngồi đợi việc kia.
Cũng buổi gặp đó, một người khá giàu có khẳng định chắc nịch “Thực ra thì xã hội nhiễu nhương như thế mới dễ làm ăn. Chứ nó mà minh bạch, mình lại khó”. Anh này chứng minh, vì anh quen “các sếp” trên thành phố nên xây được nhà cao sáu tầng mà người khác không làm được “vì quy hoạch khu đó chỉ cho cao bốn tầng”. Anh cũng xin việc cho con một cách dễ dàng mà anh họ tôi thì không làm được. Anh hăng say kể chuyện, vô cùng tự hào về việc mình làm.
Trở về Hà Nội, tôi gặp một số người sống trong khu đô thị được quy hoạch hiện đại bậc nhất Việt Nam ở Hoài Đức. Trong tâm trạng bức xúc, các anh chia sẻ, nhiều trạm trộn bê tông không có giấy phép xây dựng, không hồ sơ pháp lý về môi trường hoạt động từ lâu xung quanh đây. Cư dân khu đô thị và các thôn của xã phải sống trong bụi bẩn, tiếng ồn khủng khiếp, chất thải tràn lan, mất an toàn nghiêm trọng bởi các trạm trộn bê tông và nhiều xe tải hạng nặng. Đơn kêu cứu đã được gửi nhiều nơi, nhiều báo đã lên tiếng. Nhưng tất cả vẫn rơi vào hư vô.
Một anh mong ước: “Mấy em lên làm quan to đi thì dân khu ta được nhờ”. Tôi nói: “Anh mong thế thì đồng nghĩa với việc mong đất nước đi xuống. Mình nên mong những người dân bình thường cũng có quyền lực pháp lý bình đẳng như người có tiền, có quyền”. Các vấn đề như kiểu trạm trộn bê tông sai phép chẳng phải sẽ nhiều hơn, nếu những mong muốn như vậy thành hiện thực.
Tôi biết anh là người am hiểu, câu thốt lên đó chỉ là một phản xạ khá thông thường và theo thói quen. Nhưng tôi vẫn muốn bắt đầu từ chính những người như anh, dừng lại cách nghĩ đó, để nó không có cơ hội “nuôi dưỡng” cách nghĩ tương tự ở những người khác.
Nếu nhìn vào thị trường quà Tết năm nay, với những đông trùng hạ thảo giá hơn 2 tỷ/kg hay nhụy hoa nghệ tây giá trên dưới 1 tỷ đồng/kg được rao bán tràn lan, những người chưa biết nhiều về Việt Nam, hẳn sẽ nghĩ chúng ta là một quốc gia giàu có. Nếu nhân theo thu nhập trung bình, hãy tưởng tượng rằng việc rao đại trà các mặt hàng này trên mạng xã hội giống như một người dân Mỹ hay Nhật đem rao kim cương hay hồng ngọc trên Facebook “làm quà Giáng sinh”. Tất nhiên những người trong cuộc đều hiểu, rằng để những thứ hàng hóa đắt đỏ đến vậy được gọi là “quà Tết”, còn cần một quán tính văn hóa khác.
Có thể nhiều người sẽ cảm thấy kinh ngạc khi đọc tin về một cáo buộc tại tòa, nơi việc môi giới một bữa ăn trưa được “cảm ơn” bằng 5 tỷ đồng. Nhưng nếu chuyện đó tồn tại, cũng chỉ là biểu hiện cực đoan của một trạng thái không xa lạ. Hành vi bị cáo buộc ấy, cũng được cho là hình thành dựa trên yếu tố căn bản là “người quen làm to”.
Dịp cận Tết này, trong nhiều phòng khách, sẽ lại có nhiều người mân mê một chén trà đã nguội. Tư duy ấy, trong cảm nhận của tôi, đã truyền qua ít nhất 3 thế hệ. Chúng ta có muốn đến thế hệ con chúng ta, tư duy “người quen làm to” vẫn phổ biến như ngày hôm nay?
Thay đổi quan trọng nhất, tất nhiên phải từ những người nắm quyền lực công và phân bổ quyền lực ấy cho doanh nghiệp, người dân bằng các quyết định hàng ngày. Nhưng ở phía kia, người dân cũng cần dừng lại những lời nói, suy nghĩ bơm vào đầu thế hệ trẻ rằng để tồn tại tốt, họ phải chạy trên đường đua đến cái đích quen thân người “làm to”.
Một nửa sự thay đổi cũng phải bắt đầu từ những người như anh và như tôi.
Yêu quyền lực
Cậu con trai học lớp 5 của tôi khoe được làm sao đỏ. Hỏi con, làm sao đỏ có gì hay, nó cười phấn khởi ... |
Lòng tốt chông chênh
Thời làm cán bộ trong trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, tôi chứng kiến nhiều đoàn từ thiện đến rồi đi trong vòng một, ... |