Người ở phòng cuối dãy

Gã chuyển đến xóm trọ một ngày cuối năm ngoái. Tôi nhớ là bởi ngày gã đến không kèn không trống nhưng vẫn không yên với cư dân cái xóm thị phi này. “Nó là nam hay nữ mà nhìn kỳ vậy kìa”; “Ngực lép như bị vạc mà dám bảo là nữ”; “Coi cái tóc hớt cua với điệu đi ngay đơ như chà nạng mà còn hồ nghi chi”...

nguoi o phong cuoi day

Chỉ mỗi câu hỏi ơ hờ về kẻ vừa đến là nam hay nữ thôi, vậy mà xì xèo suốt buổi.

Xóm trọ nhỏ của tôi chừng 30 phòng từ bữa đó bỗng chia làm hai phe, một phe khăng khăng gã là đàn ông, một phe thì bảo đó là đàn bà. Tất nhiên chẳng bên nào chịu bên nào, cũng như chẳng bên nào chứng minh được mình đúng. Bởi ai cũng chỉ nhìn rồi bàn tán chứ không ai dám chường ra để hỏi: Anh (chị) là nam hay nữ? Tôi gọi liều là “gã”, nhưng phải thú thực lòng vẫn ngờ ngợ.

Hành tung của gã khá bí hiếm: Đi sớm về khuya, lâu lâu chở về một em chân thật dài, tầm trên mét bảy. Chắc là bồ của gã, xóm trọ lại thập thò, nhớn nhác. Họ tự kết luận, gã là đàn ông đích thị. Nhưng một số ngoan cố vẫn lắc đầu bảo, nhìn vậy mà chắc chi phải vậy.

Gã khác người, không nói chuyện với ai, luôn giữ khuôn mặt lầm lì, khó chịu. Phòng gã lúc nào cũng đóng kín, tắt đèn, dù chủ nhật gã ở nhà. Thường những ngày nghỉ gã chỉ ra khỏi phòng lúc 12 giờ trưa, khoác áo choàng đen, bịt khẩu trang, mặt cúi gằm, gã đi mua mì gói. Quê quán, nghề nghiệp, tên tuổi trở nên bí ẩn như chính giới tính của gã, may ra chỉ có ông chủ nhà trọ biết, nhưng không ai dám hỏi, bởi ông thậm khinh hạng người thóc mách.

Bàn ra bàn vào rồi cũng mệt, xóm trọ ngó lơ luôn, xem như gã không có mặt ở nơi này. Ngày lễ, chủ nhật cả xóm thường quây lại nấu nướng, nhậu nhẹt, hát hò nhưng không ai dám mời gã. Mà mời chắc gì gã đã tham gia?

Một ngày, lão Đỗ trong xóm trọ mang về một con chó nhỏ, để nuôi. Đó là một chuyện bất bình thường, bởi phòng trọ mà nuôi chó thì ảnh hưởng đến toàn dãy. Đầu tiên là chuyện vệ sinh, tiếp đó là chuyện con chó nhỏ đêm nào cũng nhớ mẹ, kêu ăng ẳng khiến cả xóm phải thức. Lão Đỗ bị góp ý, bắt phải cho con chó đi. Nhưng cho ai bây giờ khi cả xóm trọ không ai dám nuôi? Lão đành thả cho chó ra ngoài đường, bỏ bơ vơ ở đó. Hôm ấy chủ nhật, cả xóm trọ nhìn con chó nhỏ bị bỏ ngoài cổng, kêu thảm thiết mà ái ngại.

Bỗng, gã xuất hiện. Gã ôm ấp, vuốt ve con chó nhỏ, mang thẳng về phòng, đóng kín cửa, tắt đèn.

Từ hôm đó con chó nhỏ thuộc về gã. Sáng, gã đem bỏ nó vào túi, đeo trước xe. Tối lại chở về, con chó treo trước, cô bồ ngồi sau. Mà rất lạ, từ ngày về phòng gã con chó không kêu một tiếng nào, tất nhiên vệ sinh cũng sạch vì con chó không ra khỏi phòng, y như gã.

Chuyện tiếp theo là gã mang về thêm hai con mèo còi cọc. Chắc là mèo hoang, xóm trọ tôi bảo thế. Nhưng khác với con chó nhỏ, hai con mèo này kêu suốt ngày đêm, đã thế bằng cách nào đó chúng chui được ra khỏi phòng, tũn lung tung. Mấy phòng trọ xua như xua tà, vì sợ “mèo đến thì khó”.

Phải nói chuyện nghiêm khắc với gã thôi, cả xóm trọ thống nhất. Nhưng hai ngày sau đó không thấy gã về phòng. Con chó nhỏ và hai con mèo đói kêu điếc cả ngày lẫn đêm, lão Đỗ đành mang túi cơm nguội lẳng vào phòng gã.

Đến ngày thứ ba thì gã về, người gầy hẳn đi. Mọi người giữ gã lại, để nói chuyện hai con mèo và con chó. Chợt tất cả im bặt, phía sau cô bồ, gã bước vào, trên tay bế một đứa bé oe oe khóc.

Sáng hôm sau, nắng lên ấm áp, phía phòng cuối dãy tôi thấy gã đang cho con chó nhỏ và hai con mèo ăn. Bên cạnh, cô bồ đang cho đứa trẻ uống sữa bình.

Ồ, gã nhận con nuôi!

nguoi o phong cuoi day Đối mặt với thần chết (Kỳ 2)

Vài ngày sau khi phá xong quả bom, có một tổ chuyên gia rà phá bom mìn của Mỹ đến làm việc với Ban giám ...

nguoi o phong cuoi day Nghề coi tù (Kỳ 4)

Một buổi chiều, các anh ở đội chính trị dẫn tôi vào trong trại giam để xem các bác sĩ của bệnh viện Công an ...

nguoi o phong cuoi day Chuyện trên mỗi giàn khoan

Giữa biển khơi với muôn vàn sóng gió, có những con người quả cảm, bám trụ giàn khoan. Công việc của họ âm thầm nhưng ...

/ https://laodong.vn