Vài ngày sau khi phá xong quả bom, có một tổ chuyên gia rà phá bom mìn của Mỹ đến làm việc với Ban giám đốc BOMICEN. Khi nhìn thấy những bức ảnh về quả bom, họ tái mặt và im lặng...
Phần II - Khuất phục thần chết
Thời gian gần đây, nhất là sau chuyến sang thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Bill Clinton, việc hợp tác rà phá bom mìn giữa Bộ Tư lệnh Công binh Việt Nam và Mỹ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Phía Mỹ đã cung cấp cho Việt Nam toàn bộ dữ liệu về các cuộc ném bom của quân đội Mỹ trên chiến trường Việt Nam và bản đồ kỹ thuật số thể hiện các cuộc ném bom đó. Bộ bản đồ kỹ thuật số này đã giúp cho BOMICEN thuận lợi hơn trong công tác tra cứu bom, tên lửa và khả năng bom còn sót lại ở các địa phương.
Tại BOMICEN, các sĩ quan kỹ thuật trình bày cho chúng tôi xem cách tra cứu bom. Chỉ cần đưa con trỏ vào tên một địa phương nào đó (kể cả đơn vị hành chính cấp phường) thì lập tức màn hình vi tính hiện ra bản đồ và trên đó đánh dấu những vị trí nếu có bom đã thả xuống. Và tiếp theo là số liệu như ngày, giờ ném bom, tọa độ bom, chủng loại bom và... giá tiền quả bom.
Cũng phải nói thêm về nguyên lý gây nổ của quả bom để bạn đọc hiểu.
Với hầu hết các loại bom phá (trừ bom từ trường hoặc bom nổ chậm, bom có ngòi gây nổ điện tử thế hệ mới) thì chỉ có một cách gây nổ là dùng ngòi nổ chạm và ngòi nổ quán tính.
Ngòi nổ chạm là ngòi nổ lắp ở đầu quả bom, khi chạm đất tạo lực mạnh khiến cho kim hỏa gõ vào hạt nổ, làm nổ khối thuốc dẫn (thường là loại thuốc nổ cực mạnh) và gây cho cả khối thuốc trong thân bom nổ.
Ngòi quán tính là ngòi lắp ở đuôi bom. Nguyên lý hoạt động của ngòi này là khi bị chạm đột ngột thì kim hỏa lao lên gõ vào hạt nổ... Bảo vệ kim hỏa bao giờ cũng có chốt bảo hiểm. Khi quả bom lao xuống với vận tốc lớn và quay theo chiều kim đồng hồ thì bộ phận bảo hiểm mở ra và đẩy kim hỏa vào vị trí sẵn sàng. Vì thế, hầu hết các loại bom, kể cả bom bi quả dứa, quả ổi, đầu đạn súng phóng lựu M79 khi rơi xuống dù không nổ thì chốt bảo hiểm cũng đã mở.
Điều đó lý giải rằng, tại sao đã xảy ra rất nhiều vụ tai nạn chỉ vì người không hiểu biết đã làm xê dịch sai hướng một quả bom hoặc có một lực tác động đột ngột. Bom bi quả ổi chẳng hạn, nó nằm im lìm trên mặt đất hàng chục năm không sao, nhưng có khi chỉ một nhát cuốc bập phải, hoặc trẻ con nhặt lên và đánh rơi xuống là nổ.
Trở lại quả bom khổng lồ trên núi Chúa, các sĩ quan của BOMICEN tin chắc rằng chốt bảo hiểm kim hỏa đã mở, nhưng khi bom rơi xuống (giảm tốc bằng dù) có thể vì thân bom đập xuống đất nên kim hỏa không lao vào hạt nổ, nhưng như vậy cũng có nghĩa là kim hỏa đang nằm trong trạng thái sẵn sàng, cho nên muốn tháo an toàn thì không được tác động vào ngòi nổ theo trục thẳng. Sau khi nghiên cứu kỹ, Trung tá Lê Văn Thơm, Phó trưởng phòng Kỹ thuật an toàn và Trung tá Đỗ Văn Tấn, Chỉ huy trưởng Cụm 1 thấy vẫn có nhiều khả năng tháo được bom.
Lý thuyết thì là như vậy, nhưng thực tế nhiều khi lại khác xa. Phá bom thường có hai cách: Thứ nhất là ốp vào quả bom vài kilôgam bộc phá và cho nổ. Cách thứ hai là... tháo ngòi nổ.
Với phương pháp thứ nhất thì bộ đội ta đã quá quen thuộc trong những năm tháng chiến tranh. Phá kiểu này thì an toàn cho người và chỉ mất công lấp hố bom. Nhưng nay là thời bình, việc gây nổ một quả bom nặng hàng tạ, thậm chí hàng tấn thì lại vô cùng nan giải. Trong khi đó, chúng ta chưa có bãi hủy bom theo đúng tiêu chuẩn an toàn. Vả lại, việc vận chuyển một quả bom mà khi kim hỏa đã vào vị trí sẵn sàng thì nguy hiểm bội phần. Rồi có khi quả bom đang nằm giữa một vùng dân cư sầm uất, có khi lại nằm gần một công trình kinh tế quan trọng, nếu phá nổ, hậu quả thật khôn lường.
Với quả bom trên núi Chúa, nếu cho gây nổ thì về lý thuyết, sức chấn động và sóng xung kích của nó sẽ làm ảnh hưởng toàn bộ các công trình xây dựng của thành phố Pleiku (mặc dù cách xa quả bom tới... 30km), còn nhà cửa của dân cách đó dăm mười cây số chắc chắn sẽ hỏng nặng nề và mảnh bom văng xa khoảng 12km có trời mà biết sẽ rơi vào đầu ai?
Chính vì vậy, trong phương án xử lý quả bom trên núi Chúa, các sĩ quan BOMICEN không bàn tới cách gây nổ.
Phương pháp thứ hai là tháo ngòi nổ rồi rút thuốc ra. Cách làm này nếu thành công thì quá tốt về mọi mặt, nhưng rủi ro nó nổ thì người tháo chắc chắn sẽ hy sinh.
Còn một phương pháp hiện đại sử dụng công nghệ mới mà hiện nay đang được quân đội một số nước áp dụng là dùng tia nước áp lực cực mạnh khoét một lỗ trên thân bom rồi dùng hơi nước nóng thổi vào để thuốc nổ chảy ra, sau đó mới xử lý ngòi nổ. Loại dùng để cắt vỏ bom này là tia nước bình thường nhưng được trộn thêm mạt kim cương để tăng sức cắt.
Thiết bị này chúng ta cũng đã có và đã xử lý thành công một vài trường hợp khi không tháo được ngòi nổ quả bom. Ngày 12/12, tại Ninh Bình, BOMICEN cũng đã dùng cách này để xử lý một quả bom 3.000 bảng. Đây là phương pháp rất an toàn nhưng lại chỉ sử dụng được với loại bom có vỏ mỏng. Còn như quả bom trên núi Chúa, vỏ dày đến cả gang tay thì không cắt được. Mặt khác, cũng không thể đưa các trang bị kỹ thuật vượt các dốc cao tới vị trí bom, để sử dụng được.
Sau khi nghiên cứu kỹ về quả bom, đồng thời tham khảo ý kiến của các chuyên gia thuốc nổ, trong đó đặc biệt quan trọng là ý kiến của Đại tá Ngô Thế Huề, giảng viên Học viện Kỹ thuật quân sự và là chuyên gia rất có kinh nghiệm trong xử lý bom mìn, Ban Giám đốc BOMICEN quyết định trình phương án xử lý quả bom bằng cách tháo ngòi nổ lên Tư lệnh Binh chủng Công binh và lãnh đạo Bộ Quốc phòng.
Cũng phải nói thêm rằng, bên cạnh những lý do như đã nêu khiến cho BOMICEN quyết tâm chọn phương án tháo ngòi nổ còn có một lý do nhỏ khác, đó là anh em muốn đưa vỏ quả bom còn nguyên vẹn về trưng bày ở Bảo tàng Binh chủng Công binh (Nhưng sau này, cấp trên đã yêu cầu đưa về Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam).
Ngày 13/10/2004, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Công binh chỉ đạo BOMICEN xác định biện pháp tối ưu để xử lý an toàn quả bom tại núi Chúa thuộc xã Ia Hrung. Hiểu rõ hơn ai hết về tầm quan trọng của việc tháo kíp nổ quả bom, nên lãnh đạo BOMICEN đã chọn một tổ xử lý “thiện chiến”. Bàn đi tính lại, các anh quyết định trao nhiệm vụ này cho tổ của Thiếu úy chuyên nghiệp (CN) Bùi Văn Hòe. Tổ xử lý có 5 cán bộ chiến sĩ, ngoài Hòe là Tổ trưởng có Thiếu úy CN Hoàng Văn Tài; Thiếu úy CN Trịnh Đăng Khanh; Binh nhất Nguyễn Văn Nhất và Vũ Văn Trủy. Thiếu tá Nguyễn Khắc Thoán, Đội trưởng được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy. Trung tá Đỗ Văn Tấn, Trung tá Lê Thơm, trực tiếp theo dõi, chỉ đạo trong quá trình xử lý.
Sở dĩ Ban Giám đốc BOMICEN chọn Trung tá Đỗ Văn Tấn và tổ của Thiếu úy CN Bùi Văn Hòe bởi vì thời gian qua, tổ này đã tháo thành công hàng chục quả bom các loại trên tuyến đường Hồ Chí Minh, và đặc biệt, mới trước đó ít ngày, các anh đã tháo an toàn một quả bom 3.000 bảng ở Chi Lăng (Lạng Sơn).
Hòe, Tài và Khanh, ba anh em cùng nhập ngũ một ngày, cùng quê ở xã Vân Tảo, huyện Thường Tín (Hà Tây); còn Trủy và Nhất thì ở cùng quê Ninh Bình. Đây là một tập thể nhỏ rất đoàn kết và có tính kỷ luật, có trình độ chuyên môn giỏi. Hòe và Tài là những người rất dũng cảm, có thần kinh thép khi phải đối mặt với những quả bom và có kỹ thuật xử lý bom khá thành thạo. Khanh là y tá rất chú trọng chăm lo sức khỏe, động viên đồng đội trong những lúc khó khăn, nhất là những lúc tháo bom.
Tháo ngòi nổ quả bom là công việc đặc biệt nguy hiểm, vì thế đòi hỏi anh em phải biết thương yêu nhau và mặc dù chẳng có “kết nghĩa vườn đào”, nhưng họ biết chắc chắn rằng nếu trong lúc tháo mà quả bom nổ, dù chỉ là bom vài chục kilôgam thì cả 5 người cũng đều... ra đi. Vì vậy, mỗi khi tháo bom, bao giờ họ cũng ở bên nhau. Tuy nhiên, Ban Giám đốc BOMICEN cũng lại phân vân một điều là Hòe thì mới cưới vợ, đang ở nhà hưởng tuần trăng mật, còn Tài thì đang chuẩn bị tổ chức đám cưới vào trung tuần tháng 12... Tuy nhiên, là những quân nhân CN có ý thức chấp hành mệnh lệnh cao nên Hòe cùng cả tổ hăng hái lên đường.
Ngoài tổ của Hòe, BOMICEN còn sử dụng hai đội dò tìm bom mìn gồm Đội số 5 của Cụm II do Trung tá CN Phạm Văn Chinh làm Đội trưởng và Đội dò tìm số 9 của Cụm I do Thiếu tá CN Nguyễn Văn Thoán làm Đội trưởng. Hai đội này có nhiệm vụ dò tìm bom mìn xung quanh, cảnh giới toàn bộ khu vực, sửa đường, vận chuyển trang bị... Đó là chưa kể một số đơn vị của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai cũng tham gia rất tích cực vào công việc bảo đảm an toàn cho nhân dân khu vực quanh núi Chúa.
Ngày 17/10, các đơn vị đã có mặt tại núi Chúa.
Quả bom nằm ở sườn cao điểm 837 trong rừng sâu. Muốn đến được đó phải đi bộ trên 12km, qua 3 con suối và 3 con dốc tuy không dài nhưng độ dốc rất lớn. Có đoạn, đầu người đi sau tưởng như chạm giày người đi trước. Tất cả trang bị đều nằm trên đôi vai người lính và phải mất 5 ngày mới vận chuyển được hết mọi thứ và dựng xong lều bạt. Có những thiết bị như chiếc nồi hơi, hàng chục người phải khênh và mỗi ngày chỉ đi được 5 cây số.
Bên cạnh phương án chính là tháo ngòi nổ thì tổ xử lý cũng chuẩn bị phương án 2 là dùng axít cho ăn mòn một ô trên thân bom rồi rút thuốc nổ ra.
Kế hoạch tháo gỡ quả bom được tiến hành như sau: Bước một, tháo ngòi nổ ở đáy quả bom và khi tháo xong ngòi nổ thì tháo trạm truyền nổ. Bước hai là dùng hơi nước nóng ở nhiệt độ 800C thổi vào quả bom qua lỗ đáy. Đây là một biện pháp do Công binh Việt Nam nghiên cứu và được thực hiện bằng những thiết bị đơn giản do Phòng Quân khí binh chủng kết hợp với BOMICEN chế tạo. Với nhiệt độ này, thuốc nổ sẽ chảy ra ngoài. Sau khi rút hết thuốc nổ thì tháo ngòi nổ phía đầu quả bom. Tất nhiên, vào giai đoạn này, khi đã hết thuốc nổ thì việc tháo ngòi nổ còn lại sẽ dễ dàng và an toàn hơn.
Dụng cụ để tháo ngòi nổ và "trạm" truyền nổ chỉ là dụng cụ tháo gỡ thông thường, có khác chăng là những loại dụng cụ này không nhiễm từ. Cũng có một bộ đồ tháo ngòi nổ dùng động cơ phản lực mini điều khiển từ xa để tháo nhưng sử dụng không được. Có lẽ nhà sản xuất không nghĩ đến việc tháo ngòi của những quả bom khổng lồ này cho nên thiết kế chỉ phù hợp với những quả bom nhỏ và tháo ở những nơi mà rủi nó có nổ cũng không ảnh hưởng gì. Còn ở đây, việc tháo gỡ phải đảm bảo quả bom “không được phép nổ”. Muốn vậy, chỉ có bản lĩnh, ý chí và trình độ chuyên môn cao của anh “Bộ đội Cụ Hồ”. Để việc thao tác xử lý bom được thành thạo, các anh cho làm mô hình và thực tập nhiều lần.
Đúng 9h sáng ngày 23/10, Thiếu úy CN Bùi Văn Hòe đưa bộ đồ tháo gỡ vào kíp nổ của quả bom. Vào lúc này, tất cả cán bộ, chiến sĩ các đơn vị khác đều rút khỏi vị trí quả bom với khoảng cách ít nhất là 5km đường chim bay. Trên quả núi lớn, chỉ còn có 6 người là tổ của Hòe và Thiếu tá Thoán.
Khi Hòe bước vào vị trí đuôi quả bom thì cả 5 người đều ở bên cạnh anh. Không ai nói một lời, bởi họ biết mọi lời nói lúc này đều là thừa. Sự có mặt của đồng đội càng làm cho Hòe thêm vững tâm. Một bầu không khí im lặng đến nghẹt thở bao trùm tất cả, mặc dù gió trên cao nguyên thổi lồng lộng. Bằng những động tác đầy tự tin và chính xác, tay choòng, tay búa, Thiếu úy Hòe thong thả giáng từng nhát búa để tháo ngòi nổ. Phía bên ngoài ngòi nổ đã bị hoen rỉ nhiều nên các anh phải dùng một loại dầu đặc biệt để phá vỡ lớp gỉ đó. Mất đến nửa giờ đồng hồ, ngòi nổ mới bắt đầu nhúc nhích. Hòe thận trọng xoay từng milimét một.
Thời gian như đứng lại. Gió trên núi cao lạnh là thế mà lưng áo Hòe ướt đẫm mồ hôi. Việc tháo ngòi nổ không thể vội vàng và phải cực kỳ nhẹ nhàng để tránh có những tác động đến kim hỏa và không tạo ra ma sát lớn làm nóng đường “ren” sinh ra nhiệt tác động gây nổ. Một giờ đã trôi qua. Khi kim đồng hồ chỉ đến con số 10h30\' thì Hòe đứng vụt dậy tay cầm ngòi nổ giơ lên, hô lớn: "Xong rồi!”.
Nửa giờ tiếp theo, các anh tháo xong trạm truyền nổ, trong đó có 0,4kg thuốc nổ RDX là loại thuốc nổ rất mạnh tương đương với thuốc Hec-xô-gien. Tháo xong trạm truyền nổ thì tháo nắp đáy bom. Khi nắp đáy bom được nhấc ra, để lộ một khoảng trống với đường kính gần bằng 70cm và “gan ruột” quả bom thì Hòe và đồng đội biết mình đã chiến thắng. Các anh hết sức vui mừng và không khỏi ngạc nhiên vì ngòi nổ và trạm truyền nổ của quả bom vẫn còn mới tinh đến mức không ai nghĩ rằng nó đã dãi dầu mưa nắng cao nguyên mấy chục năm rồi.
Và từ ngày 24/10, việc rút thuốc nổ của quả bom được tiến hành. Phải mất 7 ngày, hơn 4.000kg thuốc nổ trong ruột nó mới được lùa ra hết, chất lượng thuốc còn khá tốt. Khi hết thuốc nổ thì việc tháo ngòi nổ chạm ở đầu đơn giản hơn rất nhiều. Để đưa hết số thuốc này về kho, một đại đội bộ binh của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai phải gùi mất hai ngày mới hết.
Việc vận chuyển thân quả bom khổng lồ nặng khoảng hơn 3 tấn ra đường cái cũng là một kỳ công. Không một loại ôtô nào có thể bò được lên chốn này ngoài xe của dân khai thác gỗ trộm ở địa phương đã được cải tiến có thể bò lên dốc 40 độ. Các anh phải dùng pa-lăng xích tời quả bom nhích đi từng mét trong rừng rồi lại phải nhờ loại "đặc chủng" trên để chở thân bom ra. Đến ngày 9/11, việc tháo gỡ quả bom lớn nhất trên chiến trường Việt Nam trong lịch sử chiến tranh hiện đại đã hoàn tất.
Vài ngày sau khi phá xong quả bom, có một tổ chuyên gia rà phá bom mìn của Mỹ đến làm việc với Ban giám đốc BOMICEN. Khi nhìn thấy những bức ảnh về quả bom, họ tái mặt và im lặng./.
Đối mặt với thần chết (Kỳ 1) Phát hiện rồi tháo gỡ hay phá hủy bom mìn là một công việc đặc biệt nguy hiểm. Nó đòi hỏi người lính công binh ... |
Nghề coi tù (Kỳ 1) Có chuyện rằng cách đây 3 năm, vào một đêm trăng sáng, anh X đang lơ mơ ngủ bỗng nghe có tiếng động ngoài cửa. ... |