Doanh nhân một tỉnh phía Nam đến gặp tôi tham vấn dự án về năng lượng sạch. Sau một hồi trao đổi, cậu bật khóc.
Cậu muốn hỏi tôi về việc hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, nói rằng cần huy động vài triệu USD để sản xuất thử dây chuyền thiết bị đầu tiên cho dự án về năng lượng sạch của mình. Tôi hỏi lại thông tin cơ bản về bài toán kinh doanh như kinh phí dự kiến, thị trường tiềm năng, kỳ vọng, lợi ích của khách hàng. Cậu không muốn chia sẻ thông tin về khoản tiền đã đầu tư, không phải là người làm trực tiếp nên không nắm cụ thể về công nghệ, cũng không có sẵn trong đầu lời giải cơ bản về chi phí, doanh thu, lợi nhuận và không giải thích được tại sao trong bản trình bày, con số lợi nhuận dự kiến không tương đương doanh thu trừ đi chi phí. Chàng trai cố gắng giải thích rằng chỉ mong muốn tìm nhà đầu tư không cần lợi nhuận, và sau một hồi trao đổi thì bật khóc vì chưa có ai hỏi sâu như vậy. Có lẽ để làm tôi đỡ cảm thấy áy náy, bạn nói khóc không phải do tôi mà vì bây giờ mới hiểu được hạn chế của mình. Tôi rất ngạc nhiên và bối rối.
Cách đây gần 20 năm, tôi bắt đầu công tác trong lĩnh vực phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Số doanh nghiệp Việt thành lập trong 9 năm, 1991-1999, chỉ khoảng 45 ngàn, không bằng 1/3 tổng số doanh nghiệp ra đời trong năm 2019 - trên 138 ngàn.
Người quen cũ tôi mới gặp ở hàng ăn sáng gần cơ quan, giờ đã là chủ tịch của năm công ty, cười hề hề: "Giờ chú đi uống rượu là chính thôi". Nhiều bạn trẻ đã thành lập doanh nghiệp của mình thay vì tìm biên chế ổn định trong khu vực nhà nước hoặc giữ công việc lương cao trong các tổ chức khác. Chưa bao giờ, từ khóa "khởi nghiệp" được nhắc đến nhiều như vậy ở tất cả các cấp lãnh đạo chính phủ, bộ ngành và địa phương.
Người người khởi nghiệp, nhà nhà khởi nghiệp. Nhiều ông chủ tập đoàn lớn kêu gọi tinh thần khởi nghiệp, sinh viên khắp nơi hào hứng tham gia các câu lạc bộ khởi nghiệp, nhiều cán bộ nhà nước lâu năm đến tuổi về hưu sôi nổi nói về "khởi nghiệp tuổi 60". Cụm từ thời thượng này còn được dùng để từ chối lời mời đi uống bia, "Bận lắm, dạo này đang khởi nghiệp", là chủ đề yêu thích của các hội thảo, là câu cửa miệng cho sang: "Mình đang làm chuỗi chương trình về khởi nghiệp sáng tạo", "Tao đang thai nghén hai cái start-up, một cái sẽ cạnh tranh với Amazon, cái kia chắc chắn sẽ hơn Facebook"; và thậm chí được thanh niên rủ bạn gái: "Mình đi khởi nghiệp không em?".
Vậy khởi nghiệp sáng tạo có dễ dàng không?
Ở phía cung của nền kinh tế, chúng ta có các doanh nhân trẻ tiềm năng, nhất là các bạn thuộc gia đình có điều kiện, tốt nghiệp các trường chất lượng ở nước ngoài hoặc Việt Nam, có nền tảng giáo dục tốt, có điều kiện tài chính, có hoài bão khẳng định bản thân, khát vọng tự lập trong cuộc sống. Nhóm thứ hai là các cá nhân đổi mới sáng tạo, nhà khoa học, nhà phát minh, sáng chế - những người sống với ý tưởng hàng ngày. Nhóm thứ ba là các doanh nhân có hiểu biết, có mạng lưới quan hệ, kinh nghiệm chuyên môn.
Nhưng những điều này chưa đủ để có khởi nghiệp sáng tạo thành công. Các bạn trẻ chưa thể có đủ kinh nghiệm để đầu tư số tiền mình có một cách hiệu quả nhất, các nhà khoa học chưa hẳn đã nắm thực tế tốt để hiểu rõ nhu cầu thị trường, các chủ doanh nghiệp đang loay hoay vận lộn với quá nhiều vấn đề hay đôi khi khởi sự kinh doanh mà chưa hình dung được bài toán tài chính cơ bản chi phí - lợi nhuận. Và, nhiều cá nhân có thể đang rất tự hào với việc nghĩ ra ý tưởng hay nhưng chưa nhận thức được sự khó khăn khi hiện thực hóa chúng. Hơn nữa, những gì chúng ta có chưa chắc là những gì thị trường cần. Một thống kê không chính thức khẳng định rằng có đến 80% startup hoạt động không quá 2 năm.
Chính phủ cũng đã ban hành một số chính sách để hỗ trợ khởi nghiệp, song còn rất nhiều việc cần làm để xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hoàn chỉnh ở Việt Nam. Bắt đầu từ việc phát huy tích cực vai trò của các thành tố chủ chốt trong hệ sinh thái: các cơ quan hoạch định chính sách, những tập đoàn lớn, viện nghiên cứu và đại học, các quỹ và cá nhân đầu tư, các tổ chức trung gian hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp, các tổ chức quốc tế, diễn đàn hợp tác song và đa phương, các hiệp hội doanh nghiệp và giới truyền thông. Nếu các thành tố trong hệ sinh thái được thiết lập quan hệ theo hướng đơn giản, hiệu quả, đặt doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo làm trung tâm, ta sẽ tránh được việc mất nhiều thời gian và công sức để cầu gặp được đúng cung như hiện nay. Toàn bộ hệ sinh thái phải được vận hành trong một hệ thống pháp luật tạo thuận lợi cao nhất, ít rủi ro nhất cho người khởi nghiệp.
Việc phát triển doanh nghiệp hay hỗ trợ khởi nghiệp là cả một quá trình, không phải xu hướng thời trang của năm nay hay năm sau. Một khảo sát của cơ quan thống kê dân số Mỹ phối hợp với Học viện Công nghệ Massachusetts với 2,7 triệu start-ups cho thấy tuổi trung bình của một chủ start-ups thành công là 45 - muộn hơn suy đoán của phần lớn mọi người. Ngoài ra, các nhà khởi nghiệp ở tuổi 60 có xác suất thành công gấp ba lần các ông chủ ở tuổi 30. Ở tuổi 50, tỷ lệ này là 2,2 lần so với tuổi 30. Nói như vậy không có nghĩa là bạn hãy đợi đến tuổi 50 hoặc 60 mới khởi nghiệp. Quan trọng hơn, một quốc gia cần có cộng đồng khởi nghiệp bền vững mà không phải là phong trào ngắn hạn, một xã hội khuyến khích khởi nghiệp và không phán xét tiêu cực đối với thất bại, một thế hệ doanh nhân khởi nghiệp ngày càng tinh anh, cần cù, một hệ thống các tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ hỗ trợ và nghiên cứu hiệu quả. Khi đó, bạn có thể bắt đầu khởi nghiệp bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu, trong bất kỳ ngành nào bạn thấy cơ hội.
Chưa bao giờ trên các con phố chính của Hà Nội và TP HCM ta thấy nhiều cửa hàng phải đóng cửa, nhiều biển hiệu bán, cho thuê mặt bằng như hiện nay. Nhưng tôi cũng thấy những ô cửa đang mở lại trên những con phố ấy, với diện mạo mới, ý tưởng kinh doanh mới, sức sống mới. Có lẽ đó là điều chúng ta đều mong muốn được nhìn thấy: tinh thần khởi nghiệp của doanh nhân Việt.
Nguyễn Hoa Cương
Cậu sinh viên 'đội sổ' trở thành chủ startup 2 triệu USD
Lạc lõng về tương lai, đội sổ và học lại là những gì Hoàng Đạt trải qua trong suốt những năm tuổi trẻ. Giữa lúc ấy ... |
‘Có cửa làm ăn’
Chúng ta biết có 2 phương pháp làm giàu phổ biến: dám kinh doanh, hoặc dám ăn cắp. Và ta cũng biết mô hình lai giữa ... |