Chúng ta biết có 2 phương pháp làm giàu phổ biến: dám kinh doanh, hoặc dám ăn cắp. Và ta cũng biết mô hình lai giữa hai dạng này, gọi là doanh nghiệp thân hữu.
Chúng ta biết có 2 phương pháp làm giàu phổ biến: dám kinh doanh, hoặc dám ăn cắp. Và ta cũng biết mô hình lai giữa hai dạng này, gọi là doanh nghiệp thân hữu.
Chữ "dám" là một trong những từ khóa quan trọng nhất của lịch sử kinh tế học. Hơn một thế kỷ trước, nhân loại từng đứng trước một nan đề ghê gớm, là làm sao để người dân dám kinh doanh?
Trước khi có mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn, cá nhân chủ doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm cho các khoản nợ của công ty. Công ty làm ăn thất bại, ông chủ sẽ mất tất cả, từ tài sản cá nhân cho đến tự do: họ có thể phải vào tù. Ở Tây Âu thế kỷ 19, có nhiều nhà tù riêng cho đối tượng này. Người ta chưa có quyền "tuyên bố phá sản" như bây giờ.
Nguyên tắc "được ăn cả ngã về không" này nghe khá thuyết phục. Huyền thoại kinh tế học Adam Smith kịch liệt phản đối mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn. Làm sao người ta có trách nhiệm nếu đầu tư bằng tiền của người khác?
Nhưng ngày nay, ở điểm nhìn của thế kỷ 21 soi lại, chúng ta hiểu rằng luật như thế không ai chơi. Rủi ro trong kinh doanh lớn đến mức sẽ không ai dám mở công ty mà làm ăn hết. Nhỡ thất bại thì bán con, bán cả chó. Nền kinh tế trở nên thịnh vượng chính là nhờ hàng triệu bộ óc liên tục tìm tòi ra những ý tưởng kinh doanh mới, đi tìm được người chia sẻ niềm tin đó, gây vốn và hình thành hoạt động kinh doanh. Sự tăng trưởng xoay quanh một chữ "dám".
Xã hội hiện đại đã lựa chọn một mô hình khuyến khích chữ "dám" trong kinh doanh. Mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn được đánh giá là "một trong những phát minh quan trọng nhất của nhân loại". Công ty là công ty. Giám đốc là giám đốc. Nếu nhà đầu tư, nhà băng hay chủ nợ nói chung đưa tiền vào công ty thì tức là họ phải tự đánh giá rủi ro và triển vọng của riêng mình. Công ty có quyền tuyên bố phá sản, và ông bà CEO có quyền được làm lại cuộc đời. Thứ này gọi là "xã hội hóa rủi ro" (socialisation of risk).
Ở quy mô xã hội, cái giá của "trách nhiệm hữu hạn", tức là sẽ có công ty phá sản, có nhà đầu tư mất tiền lúc này và lúc kia, không thể so sánh với cái lợi thu được khi nhiều người dám khởi nghiệp hơn, nhiều doanh nghiệp ra đời hơn.
Tất nhiên, có nhiều kẻ lợi dụng phát minh tốt đẹp này. Dư luận Mỹ vẫn đồng lòng căm phẫn những CEO đốt hàng núi tiền của nhà đầu tư mà vẫn nhơn nhơn, biệt thự siêu xe. Nhưng năm 2010, sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhà kinh tế học Ha Joon-chang xuất hiện báo The Guardian và nhắc nhở công chúng: đúng là "xã hội hóa rủi ro" đã bị vài kẻ lạm dụng, nhưng chúng ta không được từ bỏ nguyên tắc.
Tôi muốn nhắc lại nguyên tắc này trong một ngày mà nổi bật trên mặt báo là câu chuyện của những doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Một startup nổi tiếng phá sản. Một công ty khác ra sản phẩm điện thoại thông minh mới. Nhiều dạng thức khác nhau, nhưng tất cả xoay quanh chữ "dám".
Việc bạn có yêu ghét, có hoài nghi, và bày tỏ điều đó trước các hoạt động của doanh nghiệp tư nhân, cũng quan trọng. Dù sao bạn cũng là người tiêu dùng, bạn có quyền năng phán xét.
Nhưng không gì quan trọng bằng việc chúng ta – trong tư cách xã hội – đã lựa chọn một hệ thống luật pháp cụ thể, một thái độ nhất quán với việc làm ăn.
Chúng ta đã đồng lòng thiết kế một hệ thống cho phép mỗi cá nhân dám nghĩ dám làm, dám mở doanh nghiệp, gọi vốn, đầu tư sản xuất, hơn là cầu toàn, trồng bo bo trên ruộng hợp tác xã.
Thái độ khuyến khích sự đàng hoàng này còn đặc biệt quan trọng trong bối cảnh riêng của Việt Nam. Bởi ngoài khởi nghiệp thông thường, nước ta còn có dạng khởi nghiệp bằng chủ nghĩa thân hữu. Trong 2 dạng làm giàu, chúng ta còn có điều kiện hình thành chữ "dám" thứ hai: dám ăn cắp.
Trong suốt 40 năm xây dựng nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, Việt Nam đã tạo dựng một khối lượng công sản khổng lồ. Tài sản vật chất, và cả quyền kinh doanh tập trung trong khu vực công, có thể được phân chia bằng mệnh lệnh hành chính. Một "startup" Việt Nam có thể hình thành bằng việc tham gia chủ nghĩa thân hữu để đào vào khối công sản này, hoặc kiếm các đặc quyền kinh doanh.
"Vũ Nhôm" hay "Đường Nhuệ" không phải chuyện của năm ngoái, mà thực chất là chuyện của 20 năm nay. Các dạng thức của chủ nghĩa thân hữu và những mô hình "liên kết công-tư" dưới gầm bàn, nếu bạn là người Việt Nam, không cần giải thích nhiều.
Lựa chọn trở thành doanh nghiệp thân hữu là rất hấp dẫn, khi quyền năng "ban phát" lợi ích kinh tế của cơ quan công quyền vẫn quá mạnh. Chính phủ tất nhiên biết điều đó. Các cơ chế giám sát vẫn đang hoàn thiện, và được chính phủ thừa nhận là chưa hoàn thiện. Việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, trút bỏ quyền lực kinh tài của cơ quan công quyền vẫn được xúc tiến chục năm nay, nhưng cũng còn lâu mới xong, và rủi ro kiểu Vũ Nhôm, Út Trọc hay Đường Nhuệ vẫn rình rập.
Việc có "startup thân hữu" vẫn là một đặc sản của nước ta. Cái gì nước bạn cũng có, nhưng không ngon bằng, thì gọi là đặc sản.
Chúng ta đang sống trong một thời đại như thế. Các hoạt động kinh doanh của khu vực tư nhân chia ra làm 2 loại, loại "trên răng dưới cát-tút" và loại có "cửa làm ăn" sẵn rồi; loại chất phác và loại gian ngoan; loại doanh nhân và loại tội phạm.
Bối cảnh ấy khiến một xã hội càng cần tin vào những nguyên tắc tốt đẹp của thị trường tự do. Chúng ta không chỉ cần người giàu, mà còn cần những người giàu chân chính. Người giàu chân chính thì xuất hiện bởi những mô hình kinh doanh mới, những doanh nghiệp hiệu quả. Và những doanh nghiệp này tất nhiên hình thành nhờ việc ai đó "dám" đương đầu với sự khắc nghiệt của thị trường từ con số 0.
Mười thanh niên chất phác khởi nghiệp thì có thể chín người thất bại, chỉ một người thành công, xã hội vẫn thu lợi bền vững. Chứ mười thanh niên nhà có quan hệ khởi nghiệp thì cả mười người thành công, và xã hội có thể lĩnh đủ mất mát từ cả mười. Không phải thất bại nào cũng vô giá trị và không phải ai giàu lên cũng đáng quý. Bạn sẽ khuyến khích chữ "dám" nào?
Bạn có quyền bình phẩm về những thất bại. Bạn có thể chê cười những cô cậu trẻ tuổi ngớ ngẩn đốt cả đống tiền cho ý tưởng hoang đường. Bạn có cả quyền khinh thường những người ngã ngựa. Ngay cả chính tôi, phải thú nhận rằng đôi lúc cũng mang phán xét tiêu cực khi nhìn thấy những thất bại (thường sau phá sản, mọi ý tưởng kinh doanh đều trông có vẻ ngu si không thể chịu nổi). Nhưng đó là một cảm xúc rất cá nhân, và tôi phải vượt qua, vì tôi có một niềm tin lớn hơn để bảo vệ. Ngay cả thất bại của họ cũng có giá trị với xã hội. Tôi vẫn phải nhấn mạnh: chúng ta có một nguyên tắc ở tầm xã hội về khuyến khích việc đón nhận rủi ro trong kinh doanh. Nguyên tắc đó đảm bảo cho xã hội phát triển, nền kinh tế tăng trưởng.
Và nguyên tắc này, văn hóa này còn đặc biệt cần cho một xã hội mà suốt nửa thế kỷ trước đã liên tục khuyến khích thanh niên nghĩ xem có "cửa" gì hay hay rồi mới khởi nghiệp.
Đức Hoàng
Doanh nghiệp khởi nghiệp bên bờ... sạt nghiệp |
Anh em cùng đào con sông "chảy ra vàng", dựng cơ nghiệp 300 tỷ đồng |
Nữ Thạc sĩ 9X người Tày trồng hoa hồng thu 2 tỷ đồng/năm |