Phần mềm quản lý nhân viên từ xa ghi nhận từng chữ được gõ trên màn hình hay đánh giá ai đang dành quá nhiều thời gian cho Facebook.
Trước tình trạng hàng triệu người phải làm việc tại nhà, các doanh nghiệp đã "săn tìm" đủ cách để đảm bảo hiệu suất công việc của nhân viên. Nhu cầu này khiến phần mềm quản lý nhân viên từ xa càng trở nên cấp thiết. Hàng loạt tính năng được đưa ra nhằm theo dõi tối đa hoạt động của người làm thuê khi họ đang trong giờ làm việc. Tuy vậy, công nghệ theo dõi đặt ra nhiều câu hỏi hóc búa về việc liệu chủ thuê có "lấn vạch" từ quản lý chất lượng công việc sang xâm phạm quyền riêng tư của nhân viên khi theo dõi từ xa hay không.
Để tìm câu trả lời, Adam Santariano - phóng viên của New York Times - đã tự cài một phần mềm theo dõi lên máy tính cá nhân và điện thoại. Sau đó, anh nhờ chính sếp mình là Pui-Wing theo dõi để đưa ra đánh giá khách quan. Công cụ Adam sử dụng là Hubstaff.
Ảnh: Westend61.
Tuần đầu tiên
Ngày 23/4, Adam bắt đầu làm việc từ xa vào lúc 8h49 sáng. Công việc của anh gồm đọc, trả lời email, lướt tin tức và Twitter. Đến 9h14, anh cập nhật "story" và đọc qua một lượt các ghi chú khi phỏng vấn. Nhưng chỉ đến 10h09, cảm hứng làm việc của Adam tụt về "không". Anh quay sang đọc tin về ngôi làng Ireland nơi diễn viên Matt Damon đang sống cách ly.
Mọi chi tiết về hoạt động của Adam Santariano trong buổi sáng hôm ấy đều bị theo dõi và đánh giá. Máy tính của Adam chụp màn hình các website anh truy cập, các văn bản anh gõ cũng như các mạng xã hội đang chạy trên máy tính theo từng phút. Trong khi đó, điện thoại của Adam lập hẳn bản đồ di chuyển theo từng mốc thời gian, không bỏ lỡ cả hai tiếng riêng tư khi anh cùng các con đạp xe quanh công viên vào giờ nghỉ giữa ngày. Cứ 10 phút, hệ thống lại tổng hợp một lần về số phần trăm thời gian người lao động bỏ ra để gõ máy tính hoặc di chuyển trỏ chuột. Số phần trăm này được quy đổi thành điểm đánh giá hiệu suất.
"Tôi đã tải Hubstaff về laptop và điện thoại với đầy sự hoài nghi. Tôi nghe nói những công cụ này được các công ty tài chính ở phố Wall sử dụng hàng năm trời. Họ lấy lý do là đảm bảo an ninh, nhưng không để nhân viên nào biết việc mình bị theo dõi ra sao", Adam viết.
Kết thúc mỗi ngày làm việc, Adam nhận được email tổng kết từ Hubstaff, trong đó có các thông số về thời gian làm việc, điểm hiệu suất, các website và ứng dụng được chạy.
"Tháng trước, có một hôm, tôi phải hoàn thành một bài báo. Phần mềm báo tôi đã bỏ ra ba tiếng 35 phút để biên tập văn bản, một giờ nghiên cứu tài liệu viết bài lẫn đọc lại các ghi chép phỏng vấn, 90 phút để viết email", Adam kể. Anh tự đánh giá đó là một ngày làm việc hiệu quả hơn bình thường.
Tuy vậy, phần mềm vẫn không "buông tha" bất cứ khoảng thời gian phung phí nào của anh. Anh đã mất 35 phút để dùng Twitter, 11 phút để lướt phần mềm phát nhạc online Spotify và 22 phút để sử dụng công cụ liên lạc nội bộ Slack. Vào một ngày khác, anh còn bị phát hiện mất 10 phút chỉ để tìm mua pizza.
Tính năng theo dõi GPS trên điện thoại cũng được Hubstaff khai thác triệt để. Nhà sản xuất cho biết, công cụ này giúp các nhà quản lý đảm bảo những người làm trong lĩnh vực bán hàng đến đúng nơi gặp khách hàng thay vì trốn đi chơi. Adam không trốn được sự kiểm soát của phần mềm. Cuối tháng 3, London bị phong toả, anh ít khi phải di chuyển đi đâu. Nhưng mọi lần ra ngoài của anh, từ khi chạy quanh công viên đến lúc vào cửa hàng rượu, đều được ghi lại không sót một ly.
Tuần thứ hai
"Khi đã quen với cuộc sống bị theo dõi, tôi mới quyết định đưa cho sếp quyền truy cập vào phần mềm", Adam kể. Ngay trước khi để sếp sử dụng phần mềm, anh cũng yêu cầu cô phải hứa rằng không được sa thải, đánh giá hay tống tiền mình, dù kết quả công việc hiện lên thế nào trên phần mềm Hubstaff.
Pui-Wing thừa nhận cô đã rất tò mò nhưng cũng phải rất miễn cưỡng để không bị sa đà. Cô nói: "Làm gì có ai thích mình bị người khác theo dõi từng phút một xem đang ở đâu hay tần suất sử dụng Twitter thế nào? Với tâm thế đó, tôi mở phần mềm lên và thấy một bảng thông tin. Nó được chia thành nhiều mục, bao gồm ảnh chụp màn hình máy tính của Adam, bảng thời gian, ứng dụng, các đường link anh ấy từng truy cập và thông tin địa điểm từng đến".
Bấm vào phần hình chụp màn hình máy tính, sếp của Adam Santariano phát hiện anh đã dành 9 tiếng 42 phút 17 giây để lên mạng vào ngày hôm trước. Hàng loạt những tấm hình khác cho thấy nhân viên của cô đã tham gia một cuộc gọi video trên ứng dụng Google Meet và chúng hiển thị sát từng khuôn mặt đồng nghiệp của Adam tham gia họp hôm ấy.
"Tôi nhanh chóng bấm trở lại bảng thông tin chính và thấy các hoạt động của Adam vào tuần trước, thật thất vọng khi điểm hiệu suất chỉ đạt 45%. Anh ấy sau đó đã giải thích rằng con số này không phản ánh đúng thời gian làm việc bởi nó chỉ tính thời gian lúc anh gõ văn bản, còn lúc gọi điện hay tham gia các hoạt động nghề nghiệp khác ngoài máy tính thì không". Cô hoài nghi, "thế cơ à".
Theo Adam Santariano, với những người chủ lo sợ ném tiền qua cửa sổ cho đám nhân viên lười biếng giữa lúc nền kinh tế trồi sụt, các loại phần mềm như Hubstaff có sức hút nhất định. Chris Heuwetter - người đứng đầu công ty marketing có tên 98 Buck Social ở California - cho biết, anh nhận thấy khung thời gian làm việc bị sụp đổ khi để 20 nhân viên làm việc ở nhà giữa thời dịch bệnh. Công ty anh bị sụt giảm doanh số mạnh. Một số nhân viên của Heuwetter còn không thèm trả lời tin nhắn trước 10h sáng, việc phản hồi các câu hỏi từ khách hàng cũng bị chậm. Đến 31/3, anh quyết định sử dụng công cụ Hubstaff và nhận thấy ngay rằng hiệu suất công việc của nhân viên "tăng ngay lập tức".
Phóng viên New York Times đánh giá các phần mềm như Hubstaff thực sự ảnh hưởng đến hành vi của người dùng. Mỗi ngày, anh phải đăng nhập sớm vào phần mềm để sếp thấy họ đang làm việc. Bên cạnh đó, khi biết mọi hoạt động của mình bị theo dõi, Adam cũng dành ít thời gian để làm các công việc không liên quan, như đọc tin tức thể thao hay gửi tin nhắn trên máy tính. Anh luôn có một nỗi sợ một trao đổi riêng tư nào từ bản thân sẽ bị phần mềm ghi lại.
Dù đã rất cẩn thận, Adam vẫn bị Hubstaff đánh giá điểm hiệu suất thấp, lúc nào cũng chỉ dao động từ 30 đến 45%. Anh kể hôm 14/4, Hubstaff tổng kết Adam làm việc được gần 14 tiếng trong ngày nhưng điểm hiệu suất chỉ đạt 22%.
Tuần thứ ba
Giây phút Adam không muốn mình bị theo dõi nữa là vào 11h ngày 23/4, khi Hubstaff phát hiện anh đang tập thể dục qua Internet. "Ngay khi tôi phát hiện quên chưa đăng xuất khỏi phần mềm, nó đã kịp chụp lại hình ảnh huấn luyện viên đang sắp xếp đồ đạc cho lớp học online tại phòng khách của cô ấy", Adam nói. Anh cho rằng đây chỉ là thí nghiệm nhưng nó vẫn tạo ra cảm giác xấu hổ và bị xâm phạm quyền riêng tư.
Adam viết: "Nó vượt quá giới hạn của việc bị bắt quả tang tập thể dục vào giữa ngày. Nhỡ nó còn chụp cả những thông tin nhạy cảm về y tế và tài chính thì sao? Tôi tin sếp Pui-Wing, nhưng hệ thống theo dõi có một vài chức năng chống việc lạm dụng. Chúng buộc phải dựa vào người quản lý để thực hiện các phán quyết và kiềm chế khi vượt quyền".
Về phần mình, Pui-Wing cho biết cô không thấy hoạt động tập thể dục của Adam hôm 23/4. Cô cũng đã dành thời gian tìm hiểu các số liệu của Hubstaff và thấy rằng phần mềm không báo cáo được những lúc anh phải liên hệ với nguồn tin và báo cáo về chúng. Những đánh giá từ hệ thống không phản ánh toàn diện được những cách Adam làm việc hàng ngày.
Pui-Wing cho biết cô "kinh tởm khi thấy quá nhiều thông tin của người khác bị phơi bày" nên đã không đăng nhập lại vào phần mềm theo dõi. Các thông tin Pui-Wing có được từ Hubstaff đều do hệ thống gửi email. "Điểm năng suất của anh ta luôn ở mức 30%, thi thoảng lên tới 50%. Tôi cười thầm vì phát hiện nhân viên của mình bắt đầu thay đổi hành vi khi dành nhiều thời gian hơn cho các website tin tức".
Dù vậy, Pui-Wing không hề biết rằng cuối cùng Adam đã học được cách qua mặt Hubstaff.
Vào lúc 11h38 ngày 23/4, anh mở Google Doc trên máy tính để phần mềm tưởng rằng mình đang gõ văn bản. Thực chất, tôi đang chuẩn bị đi pha cà phê và dành thời gian trông lũ trẻ ở nhà. "Ngay kể cả khi sếp nói rằng cô ấy không theo dõi tôi, thì những việc này, bạn biết đấy, cũng phải đề phòng trước thôi", anh nói.
Yến Oanh (theo NYTimes)