Ngay sau khi thấy cầu Phong Châu bị sập, anh Ngô Văn Khanh (26 tuổi) lập tức chạy về hướng bờ sông, kịp thời nhảy xuống đò, bơi ngược dòng cứu người gặp nạn.
Trở về nhà sau khi trời vừa tối, anh Ngô Văn Khanh (SN 1998, khu 5, Hương Nộn, huyện Tam Nông, Phú Thọ) cùng bố mới thở phào sau một buổi chiều không biết mệt mỏi tham gia cứu nạn. Hôm nay, bố con anh cứu được một người giữa dòng nước lũ, đồng thời đưa được một tàu gặp sự cố do lũ cách đó hơn 10km về nơi an toàn.
Anh Khanh bàng hoàng kể lại khoảnh khắc cầu Phong Châu sập xuống: "Lúc đó, tôi đang ở trong nhà thì nghe thấy tiếng động lớn. Nghe tiếng hô hoán cầu sập, theo bản năng tôi chạy ra ngoài, nhìn về phía thượng nguồn. Trước mắt là hình ảnh cây cầu đã sập hoàn toàn 2 nhịp giữa".
Hiện trường vụ sập cầu Phong Châu.
Nhìn ra dòng nước đục ngầu đang cuồn cuộn chảy, anh Khanh thấy rất nhiều cây gỗ lớn, rác bị cuốn đi. Chừng vài phút sau, nhìn thấy một người đàn ông đang cố gắng bám chặt lấy thân cây đang chới với giữa dòng, người thanh niên 26 tuổi vội nhảy xuống con đò của gia đình, cố gắng tiếp cận người gặp nạn nhanh nhất có thể.
"Lúc đó, tôi không nghĩ được nhiều, chỉ biết chạy ra đò của gia đình rồi điều khiển phương tiện nhanh nhất để cố gắng tiếp cận nạn nhân. Do lũ lớn, tốc độ dòng chảy nhanh, rất khó khăn tôi mới tới gần được nạn nhân. Khoảng cách từ bờ ra đến vị trí cứu hộ chừng 500m”, anh Khanh nhớ lại.
Chỉ ít phút sau, anh Khanh đã đưa được người gặp nạn lên đò trong trạng thái vô vùng hoảng loạn, trên nguời có nhiều vết thương.
"Khi đưa tới bờ, anh ấy vẫn rất run, không nói được, không nhớ được gì. Phải mất khoảng 10 phút, nạn nhân mới đọc được điện thoại người nhà để tôi gọi điện thông báo", anh Khanh kể.
Anh Ngô Văn Khanh kể lại giây phút cứu người.
Trong khi đó, nằm trong phòng cấp cứu Trung tâm Y tế Tam Nông, ông Phan Trường Sơn (khu 10 Hương Nội, Tam Nông) vẫn chưa hết bàng hoàng sau khi thoát chết trong vụ sập cầu Phong Châu sáng nay.
Gần 10h, khi đang di chuyển trên cầu Phong Châu hướng từ Tam Nông sang Lâm Thao, ông bỗng nghe tiếng rầm rầm phía sau lưng.
“Chưa kịp định thần sau tiếng động lớn thì bất ngờ cả người và xe máy của tôi rơi xuống nước", ông Sơn nói. Cú rơi tự do từ trên cầu khiến cả người và xe của ông gần như chạm đến đáy sông. Bản năng sinh tồn trỗi dậy, ông lấy hết sức bơi lên mặt nước. Khi ngoi được lên mặt nước, người đàn ông gần như hết hơi.
“Lúc đấy tôi xác định là chỉ có chết”, ông Sơn nhớ lại, xung quanh không một ai, chỉ có ông ngoi lên khỏi mặt nước. Cố định thần, ông Sơn bơi bám được vào cây chuối trôi dạt, rồi lớn tiếng kêu cứu. May mắn một chiếc thuyền cứu hộ đi qua thấy, giải cứu, đưa ông vào viện.
Chiều 9/9, TS.BS Quách Văn Kiên, Phó trưởng khoa Phẫu thuật tiêu hoá, tua trực Cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, Trung tâm Y tế huyện Tam Nông có tiếp nhận và hội chẩn trực tuyến 3 trường hợp bệnh nhân liên quan vụ sập cầu, trong đó có 1 trường hợp chấn thương nặng.
Bệnh nhân bị chấn thương nặng là nam, 40 tuổi, đi xe máy trên cầu, ngã rơi xuống nước do cầu sập, trôi xuôi dòng về Hưng Hóa, dạt vào bờ và được người dân cứu. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng hoảng loạn, đau đầu, vết thương rộng cẳng chân trái 14-16cm, dị vật cát bẩn, dập nát, xẹp một phần nhu mô phổi ở thùy dưới phổi phải.
“Rất may, tình trạng của bệnh nhân này đang tỉnh táo, sức khoẻ ổn định, không bị chấn thương sọ não, cột sống, không chấn thương tạng trong ổ bụng”, TS.BS Quách Văn Kiên cho biết.