Người đầu tiên phá "luật im lặng" của mafia

Hơn 300 thành viên mafia ước họ chưa từng biết đến Tommaso Buscetta - người cung cấp thông tin cho giới chức khiến họ bị kết án. 

Tommaso Buscetta sinh ngày 13/7/1928, trong gia đình có 17 con ở Palermo, Sicily, Italy. Lớn lên trong nghèo khó và có ít cơ hội việc làm, Buscetta nhanh chóng bị con đường phạm tội hấp dẫn và trở thành thành viên duy nhất trong gia đình gia nhập mafia.

nguoi dau tien pha luat im lang cua mafia
Tommaso Buscetta (giữa) bị cảnh sát Italy áp giải năm 1972. Ảnh: AP.

Buscetta bắt đầu dính líu đến mafia ở Italy từ cuối Thế chiến II, khi mới 17 tuổi. Ông tham gia hoạt động buôn lậu thuốc lá của các băng nhóm trong suốt những năm 1950 và 1960 với địa bàn hoạt động ở Argentina và Brazil. Đầu thập niên 1960, Buscetta đến New York và làm việc trong một thời gian ngắn cho gia đình Gambino, một trong 5 nhóm mafia thống trị thế giới ngầm New York.

Mặc dù Buscetta không có thứ hạng cao trong hàng ngũ mafia, đầu óc và kinh nghiệm của ông khiến ngay cả những thành viên cấp cao nhất cũng xin lời khuyên từ ông. Buscetta được đặt biệt danh "ông trùm của hai thế giới".

Tuy nhiên, những vụ trả thù và thanh toán nội bộ đã khiến Buscetta quay lưng với mafia. Năm 1982, sát thủ mafia giết hai con trai, con rể, người anh thân nhất và cháu trai của Buscetta ở Palermo.

Buscetta bị bắt ở Brazil một năm sau và bị trục xuất về Italy ngày 28/6/1984. Sau khi tự tử bất thành, Buscetta đồng ý hợp tác với giới chức Italy và Mỹ. Ông yêu cầu được nói chuyện với thẩm phán chống mafia Giovanni Falcone và dành 45 ngày để cung cấp thông tin về hoạt động nội bộ, cấu trúc và ủy ban cầm đầu của mafia, nhưng từ chối tiết lộ về các mối liên hệ của mafia với giới chính trị.

Ông trở thành người đầu tiên phá vỡ Omerta, "luật im lặng" yêu cầu các thành viên mafia giữ bí mật về hoạt động của tổ chức và từ chối cung cấp thông tin cho chính quyền.

"Đối với tôi, cái chết giống như bóng râm vào ngày nắng. Là một thành viên mafia, tôi biết rằng tôi phải tuân thủ các quy định", Buscetta nói. "Nhưng những cái chết oan uổng của những người vô tội đã khiến tôi không thể tiếp tục làm thành viên mafia. Đây là đòn trả thù".

"Phá vỡ luật im lặng là quyết định khó khăn nhất trong đời Buscetta vì ông ấy có cảm giác rằng mình phá vỡ thứ gì đó thiêng liêng", vợ của Buscetta, sử dụng tên giả là Cristina, nói với một đoàn làm phim tài liệu về chồng mình.

Italy không có chương trình bảo vệ nhân chứng, vì vậy, Mỹ chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho Buscetta. Họ đưa ông đến Mỹ, cho ông nhập tịch và sống trong một ngôi nhà bí mật ở New Jersey. Đổi lại, Buscetta tiết lộ cho họ các thông tin về mafia ở Mỹ.

Một đặc vụ Cục Phòng chống Ma túy Mỹ mô tả Buscetta vào thời điểm đó là "nhân chứng quan trọng nhất, bị truy tìm gắt gao nhất và tính mạng bị đe dọa nhất trong lịch sử tội phạm Mỹ".

Năm 1986, Buscetta ra làm chứng tại phiên tòa chống lại mafia lớn nhất trong lịch sử có tên là Maxi, diễn ra ở Palermo. Buscetta đã giúp các thẩm phán Giovanni Falcone và Paolo Borsellino đạt được thành công đáng kể bằng việc truy tố 475 thành viên mafia và kết án 339 người.

Tuy nhiên, Buscetta đã cảnh báo thẩm phán Falcone rằng ông đang đi một con đường nguy hiểm. "Đầu tiên, chúng sẽ tìm cách kết liễu tôi, sau đó đến lượt ông", Buscetta nói. "Chúng sẽ kiên trì cho đến khi thành công".

nguoi dau tien pha luat im lang cua mafia
Giovanni Falcone (trái) và Paolo Borsellino tại Italy tháng 3/1992. Ảnh: Commons.

Falcone bị ám sát trong một vụ đánh bom tháng 5/1992. Thẩm phán Paolo Borsellino bị ám sát hai tháng sau. Buscetta sau đó cung cấp thêm cho giới chức thông tin về những chính trị gia qua lại với mafia.

Công tố viên Louis Freeh, người sau này trở thành giám đốc FBI, nói rằng Buscetta đã cung cấp những thông tin rất quan trọng về cách mafia hoạt động. Trước khi qua đời, Falcone nói trong một cuộc phỏng vấn về sự hợp tác của Buscetta rằng: "Trước khi ông ấy tiết lộ thông tin, chúng tôi chỉ có những hiểu biết hời hợt về mafia. Nhờ có ông ấy, chúng tôi hiểu được nội tình tổ chức".

Sự hợp tác của Buscetta mang đến cho ông sự tự do, thoát khỏi cảnh tù tội. Tuy nhiên, Buscetta phải sống trong "nhà tù" của riêng mình: ông phải dùng tên giả, luôn phải giữ kín hành tung vì lo sợ bị truy sát.

Sau khi qua đời năm 2000 ở tuổi 71 vì ung thư, Buscetta được chôn cất tại Miami, Florida. Vợ ông nói rằng ngay cả hàng xóm cũng không biết họ thực sự là ai.

Đến giờ con cháu của Buscetta vẫn sống trong nỗi lo bị trả thù. Các thành viên mafia có thể coi việc giết được hậu duệ của Buscetta là "chiến lợi phẩm". "Mafia không quên đâu", Cristina nói.

Phương Vũ

(Theo ATI)

nguoi dau tien pha luat im lang cua mafia Thành viên mafia bén duyên nghiệp diễn xuất
nguoi dau tien pha luat im lang cua mafia Đời thăng trầm của "nữ hoàng sắc đẹp mafia"
nguoi dau tien pha luat im lang cua mafia Con đường suy tàn của băng mafia khét tiếng
nguoi dau tien pha luat im lang cua mafia Mafia hành hạ cháu của tỷ phú

/ vnexpress.net