Bánh tráng nhúng nước đường đang nấu sôi trong chảo, có giá mỗi chiếc 5.000 đồng, là món ăn truyền thống của người dân Quảng Nam.
Từ tháng 2 đến tháng 3 âm lịch hàng năm, người dân ở xã Phú Thọ, huyện Quế Sơn (Quảng Nam) chặt mía, đưa về nhà ép để nấu lấy đường. Họ cho hay, đây là khoảng thời gian "gió heo may, mật trèo lên ngọn" nên cây mía cho nhiều đường.
Cây mía được người dân cho vào máy ép lấy nước, sau đó lọc bỏ cặn bã để nấu.
“Mỗi ngày tôi ép khoảng một tấn mía, trước đây làm thủ công phải lấy sức người, sức trâu bò để ép mía, nay có máy thì đỡ hơn”, ông Trần Đình Hai, xã Phú Thọ, huyện Quế Sơn nói.
Ép mía xong, người dân đỏ lửa nấu đường.
Mỗi lò nấu đường thường có bốn chảo lớn làm bằng gang. Người dân cho nước mía vào nấu sôi rồi vớt bọt, chất bẩn vứt ra ngoài.
“Hơn 40 năm nay, cứ đến vụ thu hoạch mía là tôi đỏ lửa nấu đường, vừa giải quyết số mía trồng của nhà vừa tiêu thụ mía cho hàng xóm. Nghề này tuy vất vả nhưng cho thu nhập cao hơn làm nông”, ông Hai nói.
Người dân trong xã mang bánh tráng đến xếp hàng ở lò nấu đường của nhà ông Trần Đình Hai, chờ nhúng vào chảo.
Mỗi ngày, cơ sở này nhận 300 -500 bánh tráng của người dân địa phương.
Sau một giờ nấu, nước mía sôi ở nhiệt độ cao tạo thành đường non đặc quánh. Bánh tráng được ngâm trong chảo khoảng 30 giây, sau đó lật đi lật lại nhiều lần để đường thấm đều.
Thợ nấu đường vớt bánh ra, chờ đường non chảy xuống.
Mỗi chiếc bánh nhúng đường có giá 5.000 đồng.
“Bánh tráng nhúng đường non là món ăn truyền thống của người Quảng Nam, khi ăn có vị ngọt thanh”, anh Nguyễn Văn Trung (xã Phú Thọ) cho hay.
28.000 tấn mía mắc kẹt chờ “giải cứu”
Nông dân vùng mía ở huyện Tây Sơn (Bình Định) thấp thỏm “ngồi trên đống lửa” vì 28.000 tấn mía đang đến độ thu hoạch ... |
Đã miệng với muôn vàn kiểu nước mía ở Sài Gòn
Nước mía là một thức uống quen thuộc trên khắp vỉa hè Sài Gòn. Để chiều lòng du khách hàng loạt loại nước mía ra ... |