Người biểu tình Hong Kong tuần hành dưới mưa

Hàng trăm nghìn người hôm nay tham gia một cuộc tuần hành qua các con phố chính của đặc khu Hong Kong khi phong trào biểu tình bước vào tuần thứ 11. 

Những người biểu tình phản đối dự luật dẫn độ gây tranh cãi của Hong Kong tuần hành dưới mưa ngày 18/8. Ảnh: Reuters.

Số lượng người đông đảo tham gia tuần hành ngày 18/8 cho thấy phong trào biểu tình phản đối dự luật dẫn độ gây tranh cãi của chính quyền đặc khu Hong Kong vẫn được hưởng ứng, bất chấp những hình ảnh không đẹp hồi tuần qua, khi người biểu tình chiếm sân bay quốc tế Hong Kong khiến hàng trăm chuyến bay bị hủy, hoạt động sân bay tê liệt và thiệt hại kinh tế gần 80 triệu USD.

Cuộc tuần hành đến nay diễn ra ôn hòa, cảnh sát chưa phải sử dụng đến đạn hơi cay. Cảnh sát mang trang bị chống bạo động đã kiểm tra thẻ căn cước của những người biểu tình ở phía tây quận thương mại Central. Đồn cảnh sát Tây Hong Kong đang được thắt chặt an ninh.

"Họ nói chúng tôi là những người gây bạo loạn. Cuộc tuần hành hôm nay nhằm cho thấy không phải tất cả chúng tôi đều như vậy", Chris, 23 tuổi, chia sẻ. Một người biểu tình khác hô lớn "Cuộc tuần hành hôm nay phải diễn ra ôn hòa! Thế giới đang theo dõi chúng ta".

Bầu không khí tại Công viên Victoria, nơi cuộc tuần hành bắt đầu, cũng khá ôn hòa. Thành phần tham gia gồm cả người già, người trung niên, thanh niên và các gia đình. Phóng viên từ Reuters ước tính cuộc tuần hành thu hút ít nhất 200.000 người góp mặt, dù trời mưa nặng hạt. Trong khi đó, Jimmy Sham Tsz-kit, một trong những người tổ chức biểu tình, cho biết số người tham gia tuần hành lên tới 1,7 triệu.

Trước đó, hôm 17/8, hàng chục nghìn người đã tham gia một buổi mít tinh ôn hòa dưới mưa tại công viên Tamar ở khu Admiralty, gần cảng Victoria, để thể hiện sự ủng hộ đối với chính quyền. Các ông trùm tài chính, kinh doanh ở Hong Kong cùng những người khác vẫy quốc kỳ Trung Quốc, hát vang quốc ca và hô to khẩu hiệu "Nói không với bạo lực, hãy cứu lấy Hong Kong".

Biểu tình bùng phát ở Hong Kong từ đầu tháng 6 để phản đối dự luật dẫn độ, trong đó cho phép đưa nghi phạm sang các khu vực mà đặc khu chưa có hiệp ước dẫn độ, bao gồm Trung Quốc đại lục. Giới chức đặc khu cảnh báo sự gián đoạn hoạt động kinh doanh do biểu tình có thể gây ra hậu quả lâu dài hơn cả đại dịch SARS năm 2003, khi ngành du lịch Hong Kong bị ảnh hưởng nặng nề, và bất động sản sẽ nằm trong số những ngành công nghiệp bị tác động nghiêm trọng nhất.

Chính quyền trung ương ở Bắc Kinh lên án hành vi bạo lực của người biểu tình giống như "khủng bố" và sẽ không khoanh tay đứng nhìn nếu biểu tình vượt quá kiểm soát của chính quyền thành phố.

Vũ Hoàng (Theo Reuters)

Cảnh sát Trung Quốc diễn tập chống bạo động gần Hong Kong
Sân bay Hong Kong siết chặt an ninh sau bạo loạn
Ngân hàng Hong Kong lên kế hoạch khi người biểu tình kêu gọi rút tiền
Người Trung Quốc trút giận lên Amazon vì vấn đề Hong Kong
Quân đội Trung Quốc cảnh báo sẽ ập tới Hong Kong trong vài phút
Biểu tình tại Hong Kong: Cập nhật tình hình người Việt
/ vnexpress.net