Nghe “người bán trà đá tại Việt Nam có tỷ suất lợi nhuận cao nhất trên thế giới", hẳn nhiều người muốn “khởi nghiệp” bằng nghề này?
Mới đây, phát ngôn “người bán trà đá tại Việt Nam là có tỷ suất lợi nhuận cao nhất trên thế giới, 5.000-7.000% nhưng lại không đóng đồng nào cho ngân sách, họ chỉ đóng tiền tượng trưng nào đó cho địa phương, thậm chí chỉ là vài người kiểu quản lý thị trường gì đó thôi. Trong khi đó trên thế giới tất cả những người phát sinh thu nhập đều đóng thuế cho Nhà nước trực tiếp luôn”, khiến dư luận không khỏi giật mình.
Nhiều người, trong đó có tôi, ngay lập tức có ý nghĩ nên chăng “bỏ đi hết” ta “khởi nghiệp” bằng nghề trà đá vỉa hè, chẳng mấy chốc là phất.
Tuy nhiên, hình ảnh bà hàng xóm rồi cả các cô, các chị bán trà đá trước cổng cơ quan với gương mặt khắc khổ, lúc nào cũng mướt mồ hôi khiến tôi khựng lại. Quả thật, dù khách có ngồi dai cả buổi, các bà, các cô, các chị cũng chỉ thu 2 ngàn đồng/cốc trà đá; thỉnh thoảng khách nhờ nướng hộ cá khô, mực khô, họ cũng chẳng thu thêm đồng nào.
Có hôm trời mưa tầm tã, khách lạ chủ yếu muốn trú mưa dưới chiếc ô khổ rộng đến lúc thanh toán không có tiền lẻ, họ cũng cười xoà bảo: “Thôi đi đi, lúc khác trả cũng được”.
Tôi không biết những người bán trà đá có lợi nhuận như phát biểu kể trên đang ở đâu, “khởi nghiệp” từ bao giờ mà làm ăn khấm khá đến vậy?
Còn những bà, những chị mà tôi biết lúc nào cũng mang dáng vẻ tất bật, lam lũ. Tôi tin, nếu được lựa chọn, họ nhất định sẽ chọn một công việc nhàn hạ, mưa không đến mặt - nắng chẳng tới đầu, không phải nhớn nhác, ù té chạy trong cơn bão dọn vỉa hè.
Nhưng như một bức tranh có đủ gam màu, xã hội có phân công lao động rạch ròi và chắc chắn, chừng nào còn những cô cậu cổ cồn trắng, ngả màu vàng ố hay nhuộm đen bụi đường còn cần một chỗ để nghỉ chân, chờ đợi, tám chuyện giết thời gian thì chừng đó còn những xô, những mẹt, những ghế nhựa xanh/đỏ chấm phá trên từng góc phố.
Chắc mọi người đều đã thấy phản ứng của dư luận trước các đề xuất tăng thuế nội địa mà bộ Tài chính liên tục đưa ra từ cuối năm ngoái đến nay, chẳng hạn như việc đánh thuế đất ở, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, thuế VAT...
Bản thân tôi cũng biết trên đời này không có thứ gì là miễn phí và thuế có vai trò đặc biệt quan trọng với nền kinh tế cùng sự ổn định xã hội.
Cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà trong báo cáo giải trình về việc tăng mạnh thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, bộ Tài chính đã nhấn mạnh “đa số ý kiến ủng hộ” với đề xuất trên (dù không rõ “đa số” này có thể đại diện cho toàn xã hội hay không).
Nhưng nếu thực sự người bán trà đá tại Việt Nam có tỷ suất lợi nhuận cao nhất trên thế giới vậy thì khoản “tiền tượng trưng” mà họ đóng cho địa phương, cho quản lý thị trường là bao nhiêu, có thực sự chỉ là “tượng trưng”?
Trương Chi
“Thuế trà đá” và chuyện kinh tế ngầm
Không biết vị đại biểu Quốc hội lấy tỉ suất lợi nhuận trà đá 5.000-7.000% ở đâu, nhưng ông đã đúng ở một điểm, kể ... |