Không biết vị đại biểu Quốc hội lấy tỉ suất lợi nhuận trà đá 5.000-7.000% ở đâu, nhưng ông đã đúng ở một điểm, kể cả là bán trà đá mà không đóng một đồng nào cho ngân sách là vô lý. Bởi nguyên tắc là thuế đánh trên bất cứ khoản thu nào.
Theo ĐBQH Nguyễn Mạnh Tiến, người bán trà đá tại Việt Nam có tỉ suất lợi nhuận cao nhất trên thế giới, 5.000-7.000% nhưng lại không đóng đồng nào cho ngân sách.
Chúng ta cùng bình tĩnh nhìn nhận nguyên văn phát biểu nghị trường của ĐBQH Nguyễn Mạnh Tiến (Tây Ninh): Người bán trà đá tại Việt Nam là có tỉ suất lợi nhuận cao nhất trên thế giới, 5.000-7.000% nhưng lại không đóng đồng nào cho ngân sách, họ chỉ đóng tiền tượng trưng nào đó cho địa phương, thậm chí chỉ là vài người kiểu quản lý thị trường gì đó thôi. Trong khi đó trên thế giới, tất cả những người phát sinh thu nhập đều đóng thuế cho nhà nước trực tiếp luôn”.
Ở đây, phải nói đến ngữ cảnh của câu chuyện là ông Tiến đang nói về cách quản lý của ngành thuế: “Dư luận bàn câu chuyện ngành thuế có 71.000 người và phải tinh giản nhưng nếu không đổi cách tiếp cận thu thuế, vẫn là cử cán bộ thu thuế thì 71.000 người vẫn chưa đủ”.
Ở đây cần bàn đến sự ăn chia, một câu chuyện hiển nhiên trong thực tế, tình trạng khiến ngay cả người bán trà đá vẫn mất tiền nhưng tiền đó không đến được kho bạc, không bởi đó là “tiền lẻ”, mà là do một số người đã thu hộ/tiêu hộ nhà nước.
Trà đá, và những nghề kiếm sống tương tự, trên vỉa hè với đặc điểm buôn bán không có hóa đơn chứng từ- đang là một bộ phận cấu thành của một nền kinh tế ngầm mà TS ĐH Fulbright Đỗ Thiên Anh Tuấn ước đoán chiếm trung bình khoảng 15,1% GDP trong giai đoạn 1991-2015, và là nơi làm việc của 57% lực lượng lao động.
Trà đá, cũng như bơm xe, mì gõ, gánh rau, xe ôm, đánh giày, bán báo... nhiều nhưng li ti đến mức thậm chí chưa được tính trong 4,658 triệu hộ kinh doanh cá thể. Nó là một tình trạng xã hội, là một bộ phận trong thống kê thất nghiệp - vẫn được nhìn nhiều hơn ở khía cạnh mưu sinh với mức thu phải nói thẳng là quá nhỏ, không đủ thậm chí đáp ứng cho một cuộc sống chật vật, quá khó khăn. Và hầu hết, những người trà đá, là thuộc vào diện cận hoặc dưới ngưỡng người nghèo đô thị, với nghề nghiệp ghi trong CV là “lao động tự do”, bản thân không còn lựa chọn nào khác.
Nguyên tắc cứ phát sinh thu nhập là phải đóng thuế - quá đúng, nhưng đó phải là cách đặt vấn đề minh bạch hóa các bộ phận của kinh tế ngầm mà câu chuyện siêu lợi nhuận từ ly trà đá chỉ là một ví dụ.
‘Kinh tế ngầm ở Việt Nam đến 30% GDP là không có cơ sở’
Theo Tổng cục Thống kê, một số chuyên gia nói về quy mô khu vực kinh tế phi chính thức ở Việt Nam khoảng 30% ... |