Đặc sản cà bát xanh nộm nước măng chua của người dân xứ Mường lòng hồ sông Đà, ở bản Heo (xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) khiến bất cứ thực khách nào có niềm đam mê ẩm thực cũng phải trầm trồ ngợi khen.
Cà bát xanh là giống cà được nhiều hộ dân xứ Mường ở ven lòng hồ sông Đà trồng từ lâu nhiều đời nay. Hạt giống được người dân phơi khô và bảo quản trên nóc bếp để tránh mọt và hư hại, bào đảm đầy đủ giống cho các vụ sau.
Bà con dân tộc Mường nơi đây trồng cà chủ yếu để cung cấp thực phẩm phục vụ gia đình, chứ chưa có định hướng cung ứng sản phẩm ra thị trường nhằm nâng cao nguồn thu nhập.
Cà bát xanh được người dân tộc Mường ven lòng hồ sông Đà trồng trên nương rẫy, hầu như không dùng hóa chất hay phun thuốc trừ sâu nên rất bảo đảm yếu tố sạch và an toàn.
Chia sẻ với PV Dân Việt, chị Mùi Thị Liên, bản Heo, xã Tà Hộc, huyện Mai sơn cho biết: Tôi xin hạt cà giống từ người thân trong gia đình để ươm. Trồng trên nương rẫy và vào tháng 4 – 6 dương lịch hàng năm. Cây cà này có ưu điểm là trồng rất dễ sống, không cần tươi nước nhiều, trời nắng nóng khô hanh nó vẫn sinh trưởng và phát triển tốt. Chúng tôi hầu như không dùng bất cứ thuốc hóa học hay phun thuốc lên cà, nên rất bảo đảm yếu tố sạch và an toàn".
"Mỗi khi cây cà ra quả, tôi hái mang về làm các món ăn phục vụ gia đình như: Cà xào lá tía tô, luộc, cà xào với trứng cá, cà xào với thịt bò, cà nộm với nước măng chua... nói chung cà bát xanh có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, tùy theo sở thích và khẩu vị của mỗi người. Nhưng đối với người Mường sông Đà chúng tôi, món thường hay được chế biến nhiều nhất là món cà nộm nước măng chua", chị Liên nói thêm.
Món cà nộm nước măng chua của người Mường được rất nhiều thực khách đam mê ẩm thực dân tộc ưa thích.
Để chế biến món cà bát xanh nộm nước măng chua, đồng bào dân tộc Mường nơi đây dùng các gia vị như: Cà, ớt, mắc khén, lá tía tô, tỏi, nước măng chua (được chế biến từ măng rừng)... Đây là những nguyên liệu không thể thiếu.
Món cà nộm có vị chua độc đáo của nước măng chua, vị cay của ớt, vị thơm của lá tía tô và mắc khén tạo cho người thưởng thức có cảm giác lạ.
Theo kinh nghiệm của chị Liên: "Muốn chế biến món cà nộm nước măng chua thơm ngon, tôi hái những quả cà non để nguyên cuống, sau đó rửa sạch với nước rồi luộc khoảng 10 phút. Khi cà chín thì đổ cà ra rổ, rồi tách cuống cà ra cho vào cối giã thật nhuyễn, múc ra bát tô. Bước tiếp theo tôi dùng các nguyên liệu đã chuẩn bị sẵn trước đó như: Ớt tươi, mác khén, muối, mì chính, lá tía tô, tỏi, nước măng chua... giã nhuyễn như cách làm chẩm chéo của người Thái.
Sau đó, đổ nước măng chua trộn đều với các gia vị rồi nêm sao cho vừa ăn, cho vào bát cà đảo đều cho gia vị ngấm. Chỉ cần làm những thao tác đơn giản như vậy, chúng ta đã có 1 món nộm cà với nước măng chua thơm ngon và hấp dẫn.
Món cà nộm nước măng chua người Mường có thể ăn kèm với cơm nếp, hoặc có thể giải rượu.
Với người dân xứ Mường ven lòng hồ sông Đà, cà nộm nước măng chua là món ăn đặc sản dân dã không thể thiếu trong những bữa cơm của mỗi gia đình. Món cà nộm này có thể ăn kèm với cơm nếp. Nhiều thực khách khi được thưởng thức đều tấm tắc khen ngon, có những vị khách còn ngỏ lời đặt mua cà với số lượng lớn về nhà thiết đãi bạn bè người thân trong gia đình.
Nhiều thực khách khi được thưởng thức món dân dã cà nộm nước măng chua đều tấm tắc khen ngon.
Chị Nguyễn Thanh Thịnh, cán bộ Tư pháp xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn mới về địa bàn công tác, cho biết: Đây là lần đầu tiên, tôi được ăn món cà nộm măng chua của người Mường chế biến. Tôi thấy món ăn này rất ngon, khi ăn có vị chua độc đáo của nước măng chua, vị cay của ớt, vị thơm của lá tía tô và mắc khén tạo cho người ta cảm giác rất là lạ. Tôi rất ấn tượng và thích món ăn dân dã này.
Món ăn người Sài Gòn nghe tên đã đỏ mặt bỗng dưng đắt khách
Vài ngày nay, trên mạng xã hội về đồ ăn lan truyền một món ăn lạ: ngọc trư (bộ phận sinh dục của heo đực) ... |
Những món dù đói mấy cũng không nên ăn để tránh rước họa vào thân
Những thực phẩm dưới đây bạn nên hạn chế bổ sung vào chế độ ăn hằng ngày để tránh tổn hại cho sức khỏe. |