Nghịch cảnh trong cuộc khủng hoảng tiền mặt ở Nigeria

“Nếu ai đó nói với tôi rằng, tôi có tiền nhưng không thể sử dụng, tôi sẽ không tin điều đó. Nhưng quả thực, tôi có 1,7 triệu naira (3.680 USD) trong ngân hàng, tiền có thực nhưng không thể nhìn thấy nó”, Godgift Inemesit, tiểu thương 28 tuổi ở Nigeria nói về cuộc khủng hoảng tiền mặt hiện nay ở Nigeria.

Không ai trong gia đình 8 người của Godgift Inemesit chắc chắn khi nào họ sẽ được ăn mỗi ngày, ngoại trừ 3 con nhỏ, trong đó có 2 trẻ bị sốt rét. Người phụ nữ này không có tiền mua thuốc hoặc thức ăn cần thiết, bởi giống như hầu hết người Nigeria, tiền tiết kiệm của gia đình cô đang mắc kẹt trong ngân hàng.

Nghịch cảnh trong cuộc khủng hoảng tiền mặt ở Nigeria  ảnh 1

Người dân xếp hàng chờ rút tiền từ máy ATM bên ngoài ngân hàng ở Lagos, Nigeria hôm

7-2-2023

Chính sách đổi tiền đã khiến Nigeria - nền kinh tế lớn nhất châu Phi rơi vào khủng hoảng ngay trước cuộc bầu cử Tổng thống: Không có đủ tiền giấy mới cho một quốc gia phụ thuộc vào tiền mặt. “Chúng tôi thường ăn ba bữa, nhưng bây giờ thỉnh thoảng chúng tôi mới ăn một lần vì không có tiền tiêu”, Inemesit nói trong ngôi nhà của mình ở làng Banana, một thị trấn tồi tàn đông đúc ở góc phía Nam Thủ đô Abuja của Nigeria. “Chúng tôi được yêu cầu bỏ tiền giấy cũ vào ngân hàng và tiền mới sẽ được phát nhưng chưa thấy tiền mới đâu. Mọi thứ rất khó khăn”, cô nói.

Thu nhập của gia đình Inemesit từ việc bán các loại túi hành lý và ba lô đã giảm đáng kể do mọi người đều đang ưu tiên thực phẩm hơn các nhu cầu khác. Trong khi đó, Inemesit xếp hàng chờ rút tiền đến 8h tối một ngày cuối tuần nhưng trở về nhà tay không. Giống như hàng chục người khác, cô được thông báo rằng chi nhánh ngân hàng đã hết tiền giấy mới.

Trên khắp Nigeria, người dân chờ đợi cả ngày tại các ngân hàng và máy ATM để chỉ rút đủ số tiền dùng trong một ngày. Ẩu đả đã nổ ra tại các sảnh ngân hàng khi các khách hàng tức giận tấn công nhân viên và những người biểu tình đã đốt cháy các tổ chức tài chính. Các doanh nghiệp không thể thực hiện các giao dịch nên buộc phải đóng cửa và mọi người đang bán tiền giấy mới với tỷ giá cao hơn một cách bất hợp pháp.

Các chuyên gia đổ lỗi cho các nhà hoạch định chính sách khi vội vàng đưa các tờ tiền naira mới vào lưu thông. Ngân hàng Trung ương Nigeria thì cho biết, đồng tiền mới sẽ giúp hạn chế rửa tiền trước cuộc bầu cử, biến quốc gia Tây Phi thành một nền kinh tế không dùng tiền mặt và chống lạm phát trên 21%, mức cao nhất trong 17 năm. Nỗ lực kéo dài nhiều năm của Ngân hàng Trung ương Nigeria nhằm làm cho nền kinh tế không dùng tiền mặt đã khiến các giao dịch kỹ thuật số tăng 150% vào năm ngoái. Tuy nhiên, các nền tảng thanh toán kỹ thuật số không đáng tin cậy đã buộc nhiều doanh nghiệp phải sử dụng đồng naira giấy.

Cuộc khủng hoảng tiền mặt này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Tổng thống vào ngày 25-2. Người dân Nigeria hy vọng sẽ bầu ra một người nào đó để giải quyết các thách thức, từ cuộc khủng hoảng an ninh đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người trong năm qua cho đến nền kinh tế suy yếu. Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, tổ chức hoạt động để ngăn chặn xung đột cho biết, tình trạng thiếu tiền tệ “đã tạo ra khó khăn đáng kể, có thể khiến nhiều cử tri dễ bị mua phiếu bầu hơn và làm gia tăng căng thẳng bầu cử hơn nữa”.

Đối mặt với áp lực ngày càng tăng để tìm ra giải pháp, Tổng thống Muhammadu Buhari, người sẽ hết nhiệm kỳ vào tháng 5-2023 cho biết, ông đã chỉ đạo Ngân hàng Trung ương Nigeria “triển khai tất cả các nguồn lực hợp pháp và phương tiện hợp pháp” để đảm bảo mọi người “dễ dàng tiếp cận rút tiền mặt”. “Tôi chân thành chia sẻ với tất cả mọi người về những kết quả ngoài ý muốn này”, ông nói về việc đổi tiền.

Còn Inemesit, giống như nhiều người khác, đã bắt đầu mất hứng thú với cuộc bầu cử, vốn có tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu giảm đều đặn những năm qua. Cô đã bỏ phiếu vào năm 2019 khi chỉ có 34% cử tri đã đăng ký bỏ phiếu bầu tổng thống. Nhưng khi cuộc bầu cử năm nay đến gần hơn, hy vọng về một đất nước tốt đẹp hơn đã bị tiêu tan. “Với những gì chúng tôi đang phải đối mặt hiện nay, tôi không có ý định bỏ phiếu lần nữa. Khi không còn đủ sức để đi bộ đến nơi bỏ phiếu, làm sao bạn có thể bỏ phiếu được?”, cô nói.

Theo Ngân hàng Thế giới, tình trạng thiếu tiền mặt đã khiến cuộc sống của người dân Nigeria trở nên khó khăn hơn. Đáng nói, đất nước này có 63% dân số nghèo, 33% thất nghiệp và tính đến năm 2021, chỉ 45% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng. Cuộc khủng hoảng đã làm tăng thêm nguy cơ lạm phát gia tăng và đồng tiền suy yếu.

https://www.anninhthudo.vn/nghich-canh-trong-cuoc-khung-hoang-tien-mat-o-nigeria-post531612.antd

Yến Chi / ANTD