Nghị quyết 13, bước phát triển mới cho ĐBSCL

Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo bước đột phá mới trong việc phát huy vai trò, vị trí quan trọng đặc biệt và khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế phát triển to lớn của vùng ĐBSCL trong giai đoạn mới.

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, hệ thống hạ tầng giao thông, một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của ĐBSCL. Bộ Giao thông Vận tải đã hoành thành 5 quy hoạch chuyên ngành và được Thủ tướng phê duyệt 4, còn 1 đang chờ ký. Quy hoạch xác định phát triển hướng kết nối giao thông từ ĐBSCL đến TP Hồ Chí Minh thông qua các tuyến cao tốc, tuyến đường thủy làm cho việc đi lại thuận lợi hơn, phát triển hết tiềm năng lợi thế của vùng.

Bộ Giao thông Vận tải cũng đang triển khai tuyến cao tốc Sóc Trăng - Cần Thơ - Châu Đốc, cao tốc An Hữu – Cao Lãnh, từ đó hoàn chỉnh kết nối trục dọc - ngang. “Nếu thực hiện đúng kế hoạch thì 5 năm tới, ĐBSCL sẽ có đến 448km đường cao tốc, tăng gấp 10 lần so với hiện nay. Đường rộng, vận chuyển hàng hoá lưu thông thuận lợi thì thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn. Tôi tin rằng toàn bộ khu vực ĐBSCL sẽ chuyển động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo công ăn việc làm cho người lao động, phát triển thương mại”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

DBSCL_1-1650758807995
Các dự án giao thông góp phần thúc đẩy sự phát triển của vùng ĐBSCL.

Ông Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy Cần Thơ cho biết: Nghị quyết số 13 giao nhiệm vụ cho TP Cần Thơ đến năm 2030 trở thành trung tâm phát triển vùng, có dịch vụ, thương mại, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, văn hoá xã hội, công nghiệp chế biến hiện đại. Đảng bộ TP Cần Thơ xác định đây là niềm tự hào, cũng là trọng trách, thách thức lớn đòi hỏi toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố quyết tâm triển khai thắng lợi Nghị quyết số 13.

Trong đó có các nhóm giải pháp: Tập trung triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, Bộ Chính trị, Chính phủ để phát huy vai trò trung tâm vùng; tôn trọng quy luật tự nhiên để chủ động tích cực đi đầu trong việc giải quyết hiệu quả các vấn đề của ĐBSCL đang đối mặt.

“Nghị quyết số 13 cùng với Nghị quyết 59, Nghị quyết 98, Nghị quyết 45 đang tạo cho Cần Thơ cơ hội về cơ chế, chính sách, nguồn lực phát triển. Chính quyền thành phố đang triển khai đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp để Cần Thơ phát triển đột phá trong thời gian tới. Đồng thời đẩy mạnh liên kết vùng, tăng cường hợp tác với các địa phương để phấn đấu trở thành hạt nhân liên kết trong vùng theo tinh thần Nghị quyết số 13”, ông Lê Quang Mạnh nhấn mạnh.

Theo ông Đỗ Thanh Bình, Bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang, Kiên Giang là một trong 28 tỉnh, thành trên cả nước có tiềm năng phát triển kinh tế biển, nhất là phát triển du lịch sinh thái chất lượng cao ở Phú Quốc. Trong những năm qua, nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế biển Kiên Giang khoảng 158.000 tỷ đồng, bằng 69% tổng vốn đầu tư tỉnh.

Có 823 dự án đầu tư với tổng vốn khoảng 540.000 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn đầu tư cho đánh bắt thủy sản, nuôi trồng thủy sản, đầu tư cho du lịch, dịch vụ biển hơn 40.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách chiếm 30%. Để cụ thể hoá tổ chức thực hiện Nghị quyết số 13 đạt hiệu quả cao nhất, Kiên Giang kiến nghị Chính phủ có cơ chế chính sách để phát triển Kiên Giang thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, phát triển Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch biển, đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế.

Lãnh đạo Tỉnh ủy Kiên Giang đề xuất Bộ Kế hoạch Đầu tư ưu tiên bố trí vốn đối với các dự án hạ tầng kinh tế kĩ thuật trọng điểm của tỉnh, của vùng, các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, giao thông ven biển kết nối liên vùng, khu dân cư ven biển và hồ chứa nước trên đảo. Bộ Giao thông Vận tải sớm đầu tư các tuyến cao tốc, trong đó có tuyến Hà Tiên - Rạch Giá - Long Xuyên; đầu tư nâng cấp các quốc lộ liên vùng, mở rộng không gian các cụm cảng, khu vực Phú Quốc, Hà Tiên để thuận lợi cho tỉnh, cho vùng kêu gọi đầu tư.

Theo lãnh đạo Tỉnh ủy Trà Vinh, trên cơ sở Nghị quyết số 13, địa phương xác định những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Trước hết đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm; phát triển các hợp tác xã nông nghiệp, đặc biệt là phát huy vai trò của hợp tác xã trong việc kết nối giữa người nông dân với các cơ sở nhà máy chế biến.

Bên cạnh đó tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư, khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới máy móc trang thiết bị, áp dụng công nghệ tiên tiến hiện đại thân thiện với môi trường trong sản xuất, quảng bá, kết nối, tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng Trà Vinh thành một trong những trung tâm năng lượng sạch, logistics, bảo đảm khu kinh tế có mạng lưới hạ tầng đồng bộ, kết nối liên vùng, đa lĩnh vực, có năng lực tập trung, điều phối hàng hóa.

Ngày 22/4, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 13. Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL thời kỳ 2001-2020. Nghị quyết lần này đã đề ra 6 quan điểm chỉ đạo quan trọng và mới mẻ.

Nghị quyết tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Tăng cường và đổi mới liên kết vùng, hoàn thiện thể chế, chính sách điều phối phát triển vùng hiệu quả, thúc đẩy liên kết giữa các địa phương trong vùng, giữa vùng với TP Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ; mở rộng kết nối với các nước trong khu vực ASEAN, đặc biệt là các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông.

Từng bước đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chủ yếu dựa vào sử dụng một cách có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số... Về nhiệm vụ và giải pháp, Nghị quyết đề ra đầy đủ, đồng bộ các giải pháp, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, bao gồm các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; về phát triển nhanh và bền vững kinh tế vùng.