Nghệ nhân làm đàn đá trên đỉnh Ngọc Linh

Từ những viên đá, ống nứa vô tri, qua bàn tay của ông Hồ Văn Thập, huyện Nam Trà My, biến thành đàn đá, đàn nước với âm thanh vui nhộn. 

 

Nghệ nhân Hồ Văn Thập nhặt đá làm nhạc cụ. Video: Đắc Thành.

Trong căn nhà gỗ giữa làng Măng Tó, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, ông Hồ Văn Thập, 55 tuổi, ngồi bên bếp lửa xua tan cái lạnh vùng núi ở đỉnh Ngọc Linh. Trên tường nhà, ông treo hàng chục giấy khen từ trung ương đến địa phương.

Xoa xoa tay cho nóng, ông Thập đem bộ dụng cụ gồm nhiều con dao rựa và ống nứa ra đục khoét. Sau khi cắt thủng ống nứa, ông dùng cán gõ nghe âm thanh phát ra. 

"Khâu này quan trọng, phải kiểm tra xem âm thanh phát ra có đúng với bản nhạc hay không", ông Thập giải thích, cho hay một nhà hàng ở TP Hội An đặt làm bộ đàn nước (đá và ống nứa) với giá 10 triệu đồng. 

Ông Thập làm những ống nữa làm đàn nước.

Ông Thập không biết về âm nhạc, cũng chẳng được học nhạc, làm nhạc cụ ngày nào. Lúc nhỏ, ông theo cha mẹ lên nương rẫy trồng lúa, trỉa ngô và được bày cách treo nhiều hòn đá, ống nứa lên giàn, sau đó dùng sức nước chảy tạo ra âm thanh đuổi thú rừng phá hoại cây trồng.

"Ở đây không chỉ cha tôi mà nhiều người khác đều làm một bộ đàn bằng đá, ống nứa đặt ở nương rẫy", ông nói và kể khi lớn lên học theo cha mình tìm kiếm những phiến đá ở bờ suối, ven sông treo thành một dàn, lắp ráp lại.

Khi hoàn thành, ông dẫn nước từ suối đổ vào một đài, phía trên nối với một khúc cây. Nước chảy đầy đài nước thì đổ xuống, đoạn cây va chạm vào hệ thống khúc cây khác gõ vào các phiến đá, phát ra âm thanh leng keng suốt ngày đêm giữa núi rừng. Cách này khiến thú, chuột, chim sợ hãi mà không đến phá lúa, ngô.

Những năm 1990 của thế kỷ trước, được tiếp cận tivi, đài và nghe nhiều bản nhạc, ông tự tìm hiểu, biết được trong nhạc có nốt la, si, đô, rê, mi, fa, sol... nên ra sông suối chọn những phiến đá, dùng búa gõ vào cảm nhận âm thanh. 

Ông Thập nhặt được một viên đá đem về

"Bộ đàn đá đầu tiên tôi làm chỉ có 7 viên tương ứng với bảy nốt nhạc. Sau khi hoàn thành thì đánh thử cho người dân nghe và ai cũng thích thú. Tuy nhiên, âm thanh chưa chuẩn", ông kể và cho hay tiếp tục tìm những hòn đá khác có âm thanh đúng để khi gõ vào phát ra bản nhạc đúng nốt.

Chưa dừng lại đó, ông tiếp tục nhặt đá, lấy ống nứa chế tác đàn nước. Ở con suối gần làng, ông treo hơn 30 viên đá và 30 ống nứa. Nhờ sức nước tiếng đàn phát ra âm thanh vui nhộn phục vụ người dân. Những viên đá chưa phát ra âm thanh như mong muốn, ông tìm hòn khác thay thế để hoàn chỉnh.

Sau đó ông đại diện cho dân tộc mình mang đàn đá đi trình diễn ở các lễ hội văn hóa cấp huyện, tỉnh. Từng hòn đá vô tri, vô giác qua đôi tay của ông Thập gõ vào tạo ra âm thanh đúng nhịp điệu. 

Biết được sự tài năng của ông Thập, rất nhiều người tìm đến mua đàn đá. "Năm 2011, một người ở Hội An xây dựng khu resort tìm đến nhờ tôi làm bộ đàn nước. Tôi đồng ý và mang dụng cụ xuống thực hiện", ông nói và cho biết đến nay đã có hơn 10 bộ đàn nước, đàn đá được nhiều người, cơ quan nhà nước đặt mua.

Một đàn nước bằng đá và ống nứa do ông Thập làm.

Theo ông Thập, để làm được bộ đàn nước mất cả tháng đi tìm đá, vì cả nghìn viên đá chỉ lấy được một viên. Sau khi đưa về nhà, ông sẽ phơi khô và đục đẽo để phát ra âm thanh như mong muốn. "Những ống nứa được chọn lọc kỹ càng, nứa để làm đàn phải đúng hai tuổi, không được già và không non quá", ông nói và giải thích nếu già thì âm thanh không vang, còn non vỏ mỏng nhanh bị mục.

Tháng 3/2019, ông Thập được phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú, vì đã gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Trong tương lai, ông sẽ cố gắng chế tác nhiều bộ đàn mới và đi trình diễn nhiều nơi.

Nhạc sĩ Dương Trinh, Hội viên Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc Việt Nam, cho rằng để tìm ra một người như ông Thập rất hiếm. Con người này có một bản năng về cảm âm các viên đá nhặt ở bờ suối, sông và kết nối lại. "Nhiều bộ đàn đá không đủ nốt, vì một số viên phát ra âm chưa chuẩn, tuy nhiên nó trở thành những giai điệu quen thuộc của vùng cao", ông nói.

Ông Nguyễn Hoàng Thọ, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình huyện Nam Trà My, chia sẻ nghệ nhân Hồ Văn Thập có cuộc sống khó khăn nhưng đầy trách nhiệm. Tại các lễ hội trình diễn nhạc cụ được tổ chức, ông sẵn sàng đi trình diễn để gìn giữ văn hóa của dân tộc Xê Đăng.

 

Đắc Thành

Chợ sâm Ngọc Linh thu gần 3,5 tỷ đồng khi bán 40kg sâm củ

Phiên chợ sâm Ngọc Linh lần thứ 26 ở Quảng nam bán ra khoảng 40kg sâm củ và thu về gần 3,5 tỷ đồng.

Là dược liệu quý, nhưng phát triển sâm Ngọc Linh ở Kon Tum vẫn gặp khó

Với giá trị kinh tế cao và là dược liệu quý nhưng để phát triển cây sâm Ngọc Linh tại Kon Tum luôn là một ...

Sâm Ngọc Linh giá trăm triệu đồng được mang đi thi ở Quảng Nam

Những cây sâm hình dáng cân đối, có giá cả trăm triệu đồng được người dân mang từ vườn nhà đến hội thi do huyện ...

/ vnexpress.net