Xưa người thầy “là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa giáo dục”, nay xem ra chiến sĩ lui về thế phòng thủ, gia đình học sinh ở thế tiến công.
Thầy giáo Lộc Trang ở Ninh Thuận chia sẻ về áp lực nghề nghiệp, khi không có công cụ giáo dục hiệu quả.
Gần 40 năm mang nghiệp nhà giáo, thời gian buông phấn không còn bao lâu, ngẫm lại tôi đã trải qua hai giai đoạn của nghề giáo là xưa và nay. Xưa chuyện cũ, là quá khứ nhưng thời quá khứ chưa xa. Đó là thời bao cấp, mọi ngành nghề đều nghèo, nhưng khó khăn nhất mà xã hội, người đời thừa nhận là nghề giáo.
Tôi vẫn còn nhớ đẳng thức: “Nhà giáo + nhà báo = nhà nghèo”. Thầy cô những năm 1980 của thế kỷ trước không thể quên được câu đối theo lối nói lái: “Thầy giáo tháo giày, tháo cả ủng thủng cả áo, tháo giáo án gián áo”… Rất nhiều câu đối vui về nhà giáo lan truyền xã hội qua cửa miệng người đời, nhìn và cảm về cuộc sống nhà giáo.
Thú thật, tôi và đồng nghiệp lúc ấy đọc, nghe người khác đọc, ai nấy đều vui. Vui trong cảnh nghèo, có phần hãnh diện về nghề trong sạch, nghề được xã hội, gia đình trân trọng, tôn vinh. Có lẽ bấy giờ câu ca dao xưa vẫn còn giá trị: “Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ phải yêu kính thầy”.
Xưa cha mẹ dạy con vì bực quá, thốt lên “mày lì lợm quá, tao lên mét (mách) thầy cô trị mày”. Ngẫm ra thầy có uy lực đấy chứ, hơn cả cha mẹ. Tự hào, hãnh diện, tôi càng trọng hơn nghề của mình. Cảm ơn nghề giáo đã nuôi tôi lây lất trong những năm khốn khó cuộc đời. “Chuột chạy cùng sào” vẫn có chỗ “nhảy vào sư phạm”.
Xưa, nhà giáo đúng là nghề quyền lực khi đứng trên bục giảng. Thầy có trong tay công cụ giáo dục hiệu quả đối học sinh: bút ghi điểm, thước khẻ tay khi phán xét sai phạm của học sinh. Các em sợ mà không hoảng loạn. Sợ trong tâm thế nể phục, kính trọng. Sợ thầy cô cũng là công cụ để em tự giáo dục chính mình.
Lời quở trách nghiêm khắc, cái khẻ tay mà sau này có em nhận ra “Vết đỏ trên tay con/ Hóa dấu son một thời". Hình thức xử phạt như thế, xưa đâu gọi là bạo lực tinh thần hay xúc phạm trẻ em(?!). Nói thế để nhận ra ngày xưa thầy cô còn có công cụ giáo dục hữu hiệu.
Nghề giáo xưa và nay khác xa nhau. |
Nay thì sao? Thời nay đâu đó có một số hiện tượng vi phạm nghiêm trọng đạo đức, nhân phẩm nhà giáo, đáng để nghiêm trị. Đáng buồn, xấu hổ khi thầy cô áp dụng hình thức xử phạt học sinh mà không ai tưởng tượng ra: bắt ngậm nước vắt lau bảng. Nhưng đó chỉ là cá biệt. Đừng vì những “con sâu” đó mà hất đổ cả “nồi canh”, dẫn đến cách nhìn thiếu tôn trọng nghề giáo.
Vẫn còn đó bao người thầy tâm huyết, hết lòng vì công tác giáo dục, đơn giản chỉ vì lòng tự trọng nghề nghiệp, tự trọng bản thân. Xưa người thầy “là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa giáo dục”, còn nay xem ra “chiến sĩ” lui về thế “phòng thủ”, gia đình học sinh lại ở thế “tiến công”. Vậy là sự kết hợp giữa gia đình - nhà trường nguy cơ tách rời, đẩy về hai cực đối lập.
Người thầy chỉ cần sơ sẩy hành vi xử phạt, dù nhỏ nhặt như ngày xưa, cũng có thể rơi vào tình thế “thất thủ”. Học sinh lười học, vi phạm nội quy trường lớp, ỷ lại… có hệ thống, nay không còn gọi là “cá biệt” bởi số lượng diện này mỗi năm cứ lớn dần. Nhắc nhở, khiển trách bằng lời, các em không tiến bộ. Viết kiểm điểm nhận lỗi, không sửa sai, không mảy may tác dụng. Dùng các biện pháp khác mạnh tay hơn, cứng rắn hơn thì thầy cô ngại mang tiếng bạo hành, xúc phạm…, chỉ vì giáo dục không trao cho thầy cô công cụ giáo dục hiệu quả.
Học sinh phải bị xử phạt bằng hình thức nào đây? Đó là vấn đề mà giáo viên phải đối mặt khi đứng trên bục giảng. Người thầy đang loay hoay tìm công cụ giáo dục là thế. Đồng nghiệp nói vui lên lớp theo công thức “4 D” nghĩa là Dạy - Dỗ - Dụ - Dọa là an toàn nhất, vì phù hợp nền giáo dục hiện đại(?). Vẫn chưa ổn “Dọa” là xúc phạm, khủng bố tinh thần.
Lại thêm chuyện lao xao cô giáo dọa học sinh ngậm dép vì không tập trung, đùa giỡn giờ học. Lời dọa độc vừa lạ may mà chỉ “dọa” còn vấp phải phản ứng dữ dội từ người lớn. Thôi thì phải bỏ “Dọa” thay vào đó là “Dìu”. Nói thế để thấy người thầy phải hết sức cẩn trọng, cực kỳ khôn khéo trong hành xử.
Tâm lý sợ của học trò xưa bị đảo chiều thành tâm lý sợ của giáo viên thời nay. Từ vụ ông đại diện hội luật gia bắt cô giáo quỳ, tiếp đến học sinh bóp cổ cô giáo, học sinh đâm thầy giáo… chỉ vì thầy cô ấy quan tâm, nhắc nhở học sinh. Khốn khổ thầy cô quan tâm quá mức mà gặp phải “tai bay vạ gió”! Có lẽ đây là hệ lụy của sự bất hợp tác giữa ba môi trường giáo dục: gia đình, nhà trường, xã hội.
Học sinh chỉ là đứa trẻ thơ ngây, trong sáng, vô tư cần được giáo dục, giáo dưỡng đúng hướng, nghiêm khắc hơn để tiến bộ. Tiếc rằng chỉ có nhà trường, thầy cô đang xoay sở tìm biện pháp giáo dục an toàn nhất để đối phó áp lực từ nhiều phía. Thế mới biết nghề giáo thời nay là nghề không an toàn, chịu nhiều rủi ro không lường trước.
Lộc Trang
Lương không đủ trả các hóa đơn, nhiều giáo viên tâm huyết ở Mỹ bỏ nghề
Những khoản chi ngoài dự tính như lốp xe mòn vẹt khiến Heath rối bời. Cô giáo Mỹ không thể chờ đợi lâu hơn nữa ... |
Hãy thôi bạc bẽo với nghề giáo!
Lại thêm một cô giáo bị phụ huynh bắt quỳ gối ở Nghệ An. Cứ ngỡ trường hợp bắt cô giáo quỳ gối ở Long ... |