Tiệc tùng tết nhất, sau những ly bia rượu chúc tụng say bí tỉ, nhiều người không đủ tỉnh táo nhưng vẫn lái xe để rồi chạy thẳng vào… bệnh viện vì tai nạn. Có cả những sinh ly tử biệt sau những buổi tất niên, tân niên.
Phần lớn các ca cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy những ngày cận Tết liên quan đến tai nạn do bia rượu- ẢNH: THANH HƯƠNG
Hối hả cấp cứu tai nạn giao thông do bia rượu
Những ngày cận Tết, chúng tôi có mặt tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Chỉ trong một buổi tối, tại đây chứng kiến hàng chục trường hợp liên tiếp nhập viện do tai nạn liên quan đến rượu bia, có cả những ca sinh ly tử biệt.
Những tiếng còi hụ của xe cấp cứu, những bước chân vội vã, những tất bật của y bác sĩ và cả những tiếng rên rỉ, gào khóc của bệnh nhân và người nhà. Tất cả làm cho đêm khuya ở đây không bao giờ tĩnh lặng.
Làm tại Phòng Cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy, cứ mỗi dịp lễ tết, điều dưỡng Nguyễn Trần Yến Nhi chứng kiến nhiều nhất là các trường hợp nhập viện do “ma men”. Chị cũng không ít lần bị “ma men” chửi bới, thậm chí vung tay vung chân đến bầm người vì họ mất kiểm soát.
“Mấy ngày này, nhiều bệnh nhân quá say xỉn nên khi vào viện không còn nhận thức được gì nữa, người la người hét, người thì quơ tay, quơ chân. Có bệnh nhân phải 2 - 3 hộ lý mới giữ chặt được. Thấy mình giữ bệnh nhân chặt quá nhiều người không hiểu còn chửi bới, nói mình bạo lực. Nhiều lúc cũng tủi thân nhưng biết bệnh nhân say xỉn rồi không làm chủ được nên mình chấp nhận”, chị Nhi tâm sự.
Một trường hợp bệnh nhân ngộ độc rượu, mặc dù được điều trị tích cực, lọc máu nhưng vẫn không qua khỏi- DUY TÍNH |
Tại một góc phòng, nhiều trường hợp mất kiểm soát la hét, vùng vẫy, phải 3-4 điều dưỡng mới giữ chặt được bệnh nhân. Hàng chục y bác sĩ hối hả sơ cấp cứu thâu đêm để giành giật sự sống cho những “đệ tử lưu linh” sau tiệc nhậu.
Trong đó, có một thanh niên chừng 25 tuổi với những biểu hiện của sốc rượu bia kèm theo thương tích từ tai nạn giao thông. Anh nằm trên giường bệnh, liên tục nói nhảm và nôn ói. Người mẹ già hớt hải chạy đôn đáo lo các thủ tục cho con.
Kế bên là người đàn ông 46 tuổi cũng vào cấp cứu do tai nạn sau cuộc nhậu tất niên với bạn bè. Trên người đầy vết thương, máu chảy ướt áo nhưng người đàn ông luôn miệng đòi về: “Chú uống mà không có say! Bao nhiêu đó nhằm nhò gì. Chú uống tốt lắm, để chú về đi”. Người đàn ông nói trong khi các bác sĩ đang băng bó vết thương.
Xen vào đó là những tiếng khóc, gào thét do đau đớn của bệnh nhân. Nhiều người thân không kiềm chế được xông vào phòng mổ, các nhân viên y tế phải kéo họ ra ngoài. Không khí tại phòng cấp cứu, hồi sức thêm căng thẳng.
Đau lòng sau sau tiệc tất niên
Những vất vả chỉ là một phần trong công việc. Không ít trường hợp sinh ly tử biệt do tiệc bia rượu, đặc biệt là trong những ngày lễ tết, không khỏi khiến những người là tại đây vẫn ám ảnh, đau lòng.
Điều dưỡng Trương Công Trận thì không thể quên được vụ cấp cứu cách đây không lâu. Bệnh nhi chỉ mới 9 tuổi tử vong do bị TNGT khi bố say xỉn chở bằng xe máy sau cuộc tiệc tùng.
Tai nạn xảy ra khi anh tông vào chiếc xe máy đậu bên đường. Cả hai bố con bị thương nặng. Em bé được đưa vào Bệnh viện Quận Bình Tân (TP.HCM) rồi chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy nhưng đã tử vong.
30 phút sau, người bố được chuyển đến. Mặc dù người bố lúc này đã tỉnh táo nhưng các dưỡng không dám nói, chỉ nói bé bị nặng. Phải mất một thời gian dài, khi tâm lý người bố ổn định, bác sĩ mới cho hay tin về em bé.
“Xảy ra tai nạn thì ai cũng đáng thương. Thế nhưng, do người lớn ăn nhậu say xỉn chạy xe mà để trẻ em phải gánh chịu hậu quả là điều vô cùng đau đớn”, điều dưỡng Trận nói.
Tiệc tùng là để vui. Tết là để gia đình sum họp. Thế nên, trong những cuộc vui tiệc tùng ngày Tết, đừng để “ma men” dẫn dắt, quá chén mà mất Tết, mất vui!
Bác sĩ Phan Minh Hưng, Phó Khoa Chấn thương sọ não, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết những ngày Tết, đa số bệnh nhân nhập vào khoa là do TNGT liên quan đến bia rượu. “Có những bệnh nhân uống quá nhiều, không làm chủ được bản thân dẫn đến ói mửa, kích động, la hét. Những trường hợp vậy, phải phân biệt được với tổn thương não nặng do máu tụ trong não. Mình phải theo dõi, khám, chụp cắt lớp, nếu có máu tụ là do tổn thương não, mà nếu không có máu tụ thì do say rượu”, bác sĩ Hưng phân tích. Thường bệnh nhân say xỉn không làm chủ được bản thân, cứ la hét, vật vã, kích động. Nhân viên y tế phải hiểu và thông cảm cho bệnh nhân. Nhiều khi y tá, điều dưỡng tới chích thuốc rồi bệnh nhân quơ tay, quơ chân trúng các chị. Có vài trường hợp gây hấn với nhân viên y tế. |
Ý nghĩa tâm linh của tục lệ cúng gà trống ngày Tết Thịt gà, ngoài giá trị dinh dưỡng còn là món ăn có giá trị văn hóa tâm linh rất lớn. |
Ý nghĩa nhân sinh, văn hóa sâu sắc của tục gói bánh chưng, bánh dày ngày Tết Gói bánh chưng, bánh dày vào dịp Tết Nguyên đán là phong tục đẹp lâu đời, phản ánh nhiều bình diện cuộc sống, thể hiện ... |
Đi chơi ngày Tết – xu hướng mới đang được chấp nhận Tết từ lâu đã gắn liền với hình ảnh sum vầy, quây quần cả gia đình và cùng bên nhau ấm cúng bên mâm cỗ ... |
"Bao giờ lấy chồng" và những nỗi sợ của hội gái ế trong ngày Tết Những câu hỏi "kém duyên" như bao giờ lấy chồng, có người yêu chưa hay việc dọn dẹp nhà, rửa bát khiến Tết thay vì ... |