Đó là nhận định của chủ doanh nghiệp Trung Quốc chuyên xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ, cho thấy bức tranh công xưởng Mỹ sản xuất hàng cho dân Mỹ rất khó thành hiện thực.
Sau khi mở cửa trở lại từ cuối tháng 2, các nhà máy của Trung Quốc tiếp tục xuất khẩu hàng hóa. Kim ngạch xuất khẩu trong tháng 7 tăng vọt, gần bằng đợt tăng kỷ lục vào Giáng sinh 2019. Quốc gia này đã giành được thị phần lớn hơn nhiều trên thị trường toàn cầu trong hè năm nay, ngay tại các nước sản xuất khác. Ưu thế về thương mại của họ có thể kéo dài sau khi thế giới bắt đầu phục hồi từ đại dịch.
Công ty thiết bị xông hơi Hongyuan Furniture ở Quảng Châu, Trung Quốc, vẫn hoạt động tốt trong đại dịch COVID-19 do nhu cầu của người dân cao. (Ảnh: The New York Times) |
Vốn dĩ năm 2020 được dự tính là thời điểm kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc bắt đầu đình trệ. Bởi Tổng thống Trump đánh thuế nặng đối với hàng hóa Trung Quốc còn các nước như Nhật Bản và Pháp cũng bắt đầu rút các công ty kinh doanh ra khỏi nước này. Chưa kể đại dịch COVID-19 đã làm tê liệt nhiều nhà máy trong nước từ tháng 1/2020.
Bất chấp những thách thức đó, Trung Quốc đang chứng minh cả COVID-19 và chính quyền Trump đều không thể hạn chế năng suất xuất khẩu của họ. Nhờ vào chi phí sản xuất thấp, lao động có tay nghề cao, cơ sở hạ tầng của đất nước phát triển cùng hệ thống ngân hàng do nhà nước kiểm soát có thể cung cấp cho các doanh nghiệp lớn và nhỏ các khoản vay bổ sung để đối phó với khủng hoảng vì COVID-19.
Xuất khẩu phát triển mạnh
Ngay cả trong đại dịch, Trung Quốc cũng có lợi thế hơn các nước xuất khẩu khác trong việc sản xuất đồ bảo hộ, gia cụ và thiết bị điện. Trong khi đó, nhu cầu mua phương tiện quân sự của Mỹ và Châu Âu như máy bay phản lực Boeing, Airbus, cùng các mặt hàng nhiều các nước đang xuất khẩu, đặc biệt là dầu, đã giảm. Điều này dẫn tới sự suy thoái của hầu hết các nền kinh tế, ngoại trừ Trung Quốc.
Đồng thời, do lệnh cách ly xã hội để chống dịch COVID-19, nhu cầu mua những sản phẩm giải trí tại nhà tăng mạnh. Từ màn hình máy tính, hệ thống âm thanh nổi đến thiết bị xông hơi, trong đó có rất nhiều sản phẩm của Trung Quốc.
Công nhân xếp hàng hóa lên xe tải tại công ty Hongyuan. (Ảnh: The New York Times) |
Công nhân lắp ráp tại công ty Trueanalog ở Quảng Châu, Trung Quốc. (Ảnh: The New York Times) |
Để đáp ứng nhu cầu thị trường, công ty thiết bị xông hơi Hongyuan Furniture, Quảng Châu, Trung Quốc đã thuê thêm 50 công nhân do số đơn hàng tăng gấp đôi. Hãng sản xuất mô hình công nghệ cao Star Rapid ở Trung Sơn vẫn có lãi. Và ở phía Tây cách đó vài dặm, công ty sản xuất loa Trueanalog đã loại bỏ phương án mở cơ sở sản xuất tại Mỹ và Việt Nam.
“Trung Quốc có chuỗi cung ứng lớn nhất về các thiết bị bạn cần. Tại đây có nguồn lao động ổn định, giá cả phải chăng nhất”, Philip Richardson, chủ sở hữu người Mỹ của Trueanalog, giải thích.
Ngay khi đại dịch bắt đầu, công ty Star Rapid đã được hưởng lợi từ các khoản vay hỗ trợ và chính sách giảm thuế của chính phủ Trung Quốc.
“Họ muốn đảm bảo rằng các công ty vẫn hoạt động tốt và không phải phá sản chỉ vì thiếu chút tiền mặt”, Gordon Styles, giám đốc điều hành và chủ sở hữu người Anh của Star Rapid, cho biết.
Vượt qua các hạn chế từ Mỹ
Khả năng xuất khẩu mạnh mẽ của Trung Quốc đã khiến lượng sản phẩm nhập khẩu của Mỹ vượt xa số sản phẩm xuất khẩu. Tổng thống Trump gọi khoản thâm hụt kinh tế trong lĩnh vực này là bằng chứng cho thấy Trung Quốc gây tổn hại tới Mỹ, ông cũng hứa sẽ cứng rắn với Trung Quốc trong nhiệm kỳ tới nếu đắc cử.
Dù Tổng thống Trump đã đánh thuế lên tới 25% với các mặt hàng nhập từ Trung Quốc, nhưng những sản phẩm này vẫn bán rất chạy, một phần do tiền thuế chỉ thu dựa trên giá bán buôn của sản phẩm khi vận chuyển đến Mỹ.
“Ngay cả với mức thuế 25%, chi phí sản xuất ở Trung Quốc vẫn thấp hơn ở Mỹ”, Rachel Wang, Giám đốc xuất khẩu của công ty Hongyuan Furniture cho biết.
Lợi thế về chi phí sản xuất giúp tăng tỷ trọng hàng xuất khẩu của Trung Quốc lên gần 20% trong quý 2 năm nay. Năm 2018, 2019 con số này lần lượt là 12,8% và 13,1%. Thông tin từ Rajiv Biswas, chuyên gia kinh tế phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của công ty IHS Markit ở Mỹ.
Lợi thế từ đồng tiền giá trị thấp
Giá trị đồng nhân dân tệ của Trung Quốc chỉ tăng nhẹ so với đô la Mỹ trong những tháng gần đây và giảm 6% so với đồng euro kể từ đầu tháng 5.
Các nhà kinh tế nước ngoài nghi ngờ chính phủ Trung Quốc đã thao túng hệ thống tài chính của nước này để giữ cho đồng nhân dân tệ không lên giá. Brad Setser, một nhà kinh tế tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại ở New York, cho biết trị giá tiền tệ giao động như vậy có thể do các ngân hàng nhà nước Trung Quốc cùng các tổ chức tài chính khác đang bán một lượng lớn tiền nhân dân tệ, sau đó mua USD hoặc euro để đẩy giá chúng lên.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc phủ nhận việc thao túng đồng nhân dân tệ, nhưng cũng cam kết duy trì giá trị gần như ổn định cho đồng tiền này.
Các công nhân của công ty Trueanalog lắp ráp loa âm thanh dưới đèn huỳnh quang. (Ảnh: The New York Times) |
Việc sản xuất các bộ phận thiết bị bằng thép chủ yếu được thực hiện ở các nhà máy tại Trung Quốc. (Ảnh: The New York Times) |
Các nhà xuất khẩu ở Trung Quốc thường có thể mua được tất cả các linh kiện cần thiết cho sản phẩm của mình trong phạm vi vài giờ lái xe. (Ảnh: The New York Times) |
Dù ngành xuất khẩu phát triển là vậy, kinh tế Trung Quốc vẫn tồn tại nguy cơ do nhiều công ty, nhà máy bị đóng cửa vì COVID-19, gây gián đoạn chuỗi cung ứng. Hồi quý 1, trong thời điểm căng thẳng nhất của đại dịch, tỷ trọng hàng xuất khẩu cũng giảm còn 11%.
Có vẻ Trung Quốc đang cố tỏ ra mạnh mẽ trong lĩnh vực xuất khẩu, bất chấp chi phí nhập khẩu có thể duy trì ở mức thấp trong nhiều tháng tới. Thặng dư thương mại của Trung Quốc đã tăng vọt trong hè 2020, đặc biệt là vào tháng 7, trong bối cảnh giá trị hàng xuất khẩu vượt xa giá trị nhập khẩu.