- Tử vong do sử dụng thuốc lá điện tử: Đừng chết vì thiếu hiểu biết
- Tác hại lâu dài của chất ma túy được tẩm vào sợi thảo mộc, tinh dầu thuốc lá điện tử
- Hai nam sinh Hà Tĩnh ‘ngáo đá’ trong lớp học sau khi sử dụng thuốc lá điện tử
Chiều 19-12, Báo Tiền Phong tổ chức tọa đàm “Thuốc lá trong trường học: Nhận diện và phòng, chống”. Sự việc 8 học sinh lớp 3 của một trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội phải nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử vì tò mò cho thấy, đây là hiện tượng đáng báo động, cần kịp thời có giải pháp phát hiện, ngăn chặn. Chia sẻ của các chuyên gia, bác sĩ, nhà giáo tại tọa đàm đã làm rõ thêm thực trạng cũng như những cảnh báo và cách ứng phó.
Quang cảnh tọa đàm.
Khó nhận diện
Nêu lý do về cuộc tọa đàm, nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong dẫn chứng, kết quả điều tra sức khỏe học sinh toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2019 với gần 7.800 học sinh tại 21 tỉnh, thành phố của Việt Nam cho thấy, có 2,57% học sinh trong độ tuổi từ 13-17 hút thuốc lá điện tử. Đến nay, nội dung này vẫn mang tính thời sự và cấp bách. Trào lưu thuốc lá điện tử, hay thuốc lá thế hệ mới, đang ngày càng thâm nhập nhiều vào trường học, gây ảnh hưởng xấu tới hành vi, lối sống, sức khỏe của học sinh - lứa tuổi hiếu kỳ, tò mò và thích khám phá. Ban tổ chức mong muốn lắng nghe ý kiến của các nhà giáo, bác sĩ, chuyên gia tâm lý để góp phần cùng các cơ quan chức năng có biện pháp hữu hiệu đối với vấn đề này.
Là cán bộ quản lý của một trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Công Trứ (quận Ba Đình) Nguyễn Quốc Dương chia sẻ, hiện tượng học sinh sử dụng thuốc lá điện tử là nỗi bất an cho gia đình và nhà trường. Không ít học sinh sử dụng với lý do giải tỏa căng thẳng, bất mãn với bố mẹ, thầy cô hoặc muốn thể hiện bản thân... Lo lắng nhất là việc dùng thuốc lá điện tử theo nhóm bạn cùng chơi. Tuy nhiên, để bắt gặp các em đang sử dụng thuốc lá điện tử không đơn giản. Học sinh thường lợi dụng giờ giải lao, nhà vệ sinh, góc khuất... hoặc ngoài trường học để sử dụng.
Trước câu hỏi làm thế nào để nhận biết sớm dấu hiệu học sinh sử dụng thuốc lá điện tử, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, sử dụng cụm từ "hút thuốc lá điện tử" là chưa chính xác, mà thực chất đây là việc cung cấp chất nicotin dạng hơi. Các bậc phụ huynh phải chủ động để ý con để phát hiện và tốt nhất là nên phát hiện sớm, không nên đợi đến lúc có các dấu hiệu bệnh liên quan đến việc hút thuốc.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cũng nêu một số tác hại của thuốc lá điện tử để cảnh báo các phụ huynh học sinh. Theo đó, thuốc lá điện tử có thể chứa nicotin - là chất độc nặng, có trong thành phần thuốc trừ sâu, khi sử dụng sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe thần kinh và gây nghiện. Thuốc lá điện tử còn chứa nhiều chất phụ gia (tạo màu, tạo mùi…), có thể chứa ma túy. Thực tế, nhiều bạn trẻ hút xong thì bất tỉnh, có người đến bệnh viện trong tình trạng co giật cơ tim, chết não…
Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Công Trứ (quận Ba Đình) Nguyễn Quốc Dương chia sẻ tại tọa đàm.
Ứng phó thế nào?
Các ý kiến tại tọa đàm chia sẻ, đề xuất các giải pháp tăng cường quản lý, phát hiện các trường hợp học sinh sử dụng thuốc lá điện tử, từ đó kịp thời có biện pháp ứng phó, xử lý hiệu quả. Trong đó, các đại biểu đề xuất quản lý chặt chất gây nghiện, có quan điểm dứt khoát hơn, nâng chế tài đối với hành vi liên quan đến thuốc lá điện tử... nhằm hạn chế tối đa những tác động tiêu cực của thuốc lá điện tử đến sức khỏe thể chất và tinh thần của thế hệ trẻ.
Chia sẻ về giải pháp quản lý học sinh tại trường, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Công Trứ (quận Ba Đình) Nguyễn Quốc Dương cho biết, nhà trường tăng cường công tác rà soát, kiểm tra trong khuôn viên trường, nhất là tại các khu vực khuất; phân công giáo viên nam lưu ý khu vực nhà vệ sinh... Những giải pháp xử lý cũng được nhà trường xây dựng như mời phụ huynh học sinh ký cam kết; tăng cường phối hợp với phụ huynh trong việc quản lý, hỗ trợ học sinh...
Theo ông Dương, căn cứ hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà trường cũng đã triển khai tuyên truyền, phổ biến về bộ tài liệu hướng dẫn phòng ngừa thuốc lá. Để tăng cường hiệu quả, nhà trường không chỉ tuyên truyền một chiều, mà tổ chức nhiều hoạt động để học sinh tự tìm hiểu, tự nhận thức, từ đó chính các em trở thành một tuyên truyền viên. Tuy nhiên, việc phòng, chống thuốc lá điện tử trong trường học còn gặp không ít khó khăn, bởi loại thuốc này dễ mua, khó phát hiện do được “ngụy trang” bằng nhiều hình thức.
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội (nay là Sở Công Thương Hà Nội), nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại 127 thành phố Hà Nội nhận định, tác hại của thuốc lá điện tử với học sinh là rất lớn, liên quan đến sức khỏe, nòi giống... Ứng phó với thuốc lá điện tử phải được làm triệt để, từ khâu sản xuất, vận chuyển, buôn bán, giao dịch, tàng trữ… Có “cầu” sẽ có “cung” và ngược lại, nên phải chặn cả hai phía và cần sự vào cuộc của nhiều lực lượng.
Đồng quan điểm này, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên kêu gọi, cần nhanh chóng có cách giải quyết mạnh mẽ đối với vấn đề sử dụng thuốc lá điện tử, nhất là trong trường học. Đã đến lúc không thể chủ quan, bởi số lượng bệnh nhân mới liên quan đến thuốc lá điện tử ngày càng tăng...
“Tôi mạnh dạn khuyến cáo phải làm sớm và làm ngay việc cấm lưu hành thuốc lá điện tử tại Việt Nam. Bây giờ có lẽ không còn đủ sớm nữa rồi, nhưng phải làm ngay, làm luôn” - bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên nói.