Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh, hệ thống metro của thành phố sẽ có tổng cộng 73km đoạn, tuyến đi ngầm dưới lòng đất. Để phục vụ cho việc khai thác các tuyến metro cũng sẽ có 72 nhà ga được đặt ngầm dưới lòng đất.
Chỉ tính riêng tuyến metro số 1 đã 3 nhà ga ngầm với chiều dài lên đến 220m, chiều rộng 22m mỗi ga. Do đó hệ thống metro là tiền đề để TP Hồ Chí Minh quy hoạch xây dựng, phát triển, khai thác không gian ngầm nhằm góp phần thu hút khách cho các tuyến metro, nhất là tuyến metro số 1 sẽ đưa vào khai thác trong năm 2021 cũng như góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông cho các tuyến đường bộ.
Dù vậy, đến nay mới chỉ có khoảng 10 chủ đầu tư của các công trình xung quanh khu vực các nhà ga của tuyến metro số 1 như Tập đoàn Vingroup, Công ty Bất động sản CT, Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco, Satra… xin kết nối vào nhà ga metro ngầm. Các công trình ngầm khác như 4 bãi đậu xe ở khu vực trung tâm sau nhiều năm tiến hành thủ tục hiện vẫn chưa thể triển khai hoặc đã bị hủy dự án.
Theo ông Trần Ngọc Hùng, nguyên Chủ tịch Tổng Hội xây dựng Việt Nam, trong phát triển đô thị hiện đại, ngoài các đầu mối giao thông, thì các khu vực tập trung đông người như quảng trường, trường học, bệnh viện, kho hàng hóa… đều có thể được kết nối với không gian ngầm. Nhưng với TP Hồ Chí Minh, nhiều chuyên gia về lĩnh vực hạ tầng đô thị đã cho rằng những năm qua thành phố vẫn chưa xây dựng được quy hoạch tổng thể không gian ngầm, chưa hình thành được hệ thống không gian ngầm nhằm hỗ các tuyến metro cũng như giảm áp lực cho hạ tầng giao thông trên mặt đất.
Ga ngầm Bến Thành gồm 5 tầng nhưng đến nay mới có rất ít công trình xung quanh kết nối vào nhà ga. |
Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh mới báo cáo UBND thành phố về việc triển khai công tác lập quy hoạch không gian ngầm đô thị và quy chế quản lý không gian ngầm đô thị trên địa bàn. Theo đó, hai khu vực được quy hoạch không gian xây dựng ngầm tại TP Hồ Chí Minh là trung tâm hiện hữu mở rộng với diện tích 930 ha và Khu đô thị mới Thủ Thiêm diện tích 657ha.
Để phát triển hạ tầng không gian ngầm cho 2 khu vực này, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề xuất UBND thành phố tổ chức thi tuyển quốc tế về định hướng và ý tưởng xây dựng không gian ngầm. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng đã cho rằng, TP Hồ Chí Minh lập quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị tại 2 khu vực trên mà chưa có quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm sẽ dẫn đến tình trạng không đủ cơ sở xác định điều kiện kết nối hệ thống công trình ngầm trong đô thị sau này.
Theo TSKH - KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia về quy hoạch kiến trúc, chi phí xây dựng, duy trì hoạt động của công trình ngầm tốn kém hơn nhiều do với các công trình trên mặt đất. Đây chính là nguyên nhân khiến số lượng công trình ngầm ở một đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh còn hạn chế. Nhiều chuyên gia về quy hoạch đô thị cho rằng, nếu phát triển được một hệ thống công trình ngầm, TP Hồ Chí Minh sẽ giải quyết được đáng kể vấn nạn kẹt xe và tình trạng khan hiếm quỹ đất ở khu vực trung tâm để phục vụ phát triển.
TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao của Savills Việt Nam cho rằng, những khu vực xung quanh tuyến metro số 1 như phố đi bộ Nguyễn Huệ, Công viên 23-9, Công viên Lê Văn Tám, Công viên Tao Đàn, sân vận động Hoa Lư… đều đã nằm trong phân vùng quy hoạch đô thị ngầm của thành phố. Hạ tầng không gian ngầm ở gần các khu vực công cộng có đông người qua lại như ga metro, quảng trường, phố đi bộ… không chỉ thu hút hoạt động bán lẻ, ăn uống, dịch vụ mà còn thu hút được các nhà đầu tư tham gia làm trung tâm thương mại, siêu thị, thậm chí là kho bãi công nghiệp hay chuỗi cung ứng khi đất đai ngày càng thu hẹp, DN tiếp cận đất đai ở khu vực trung tâm ngày càng khó khăn.
TS Sử Ngọc Khương phân tích, khi TP Hồ Chí Minh phát triển được hệ thống không gian đô thị ngầm, người dân sẽ có thêm không gian sinh hoạt và từ đó thay đổi thói quen tiêu dùng hằng ngày. Các hoạt động kinh doanh thương mại cũng có thêm cho cơ hội mới để mở rộng và phát triển thay vì chỉ cố định vào các địa điểm trên mặt đất như trước nay.
Bảo Sơn
Robot đào hầm Metro Nhổn - ga Hà Nội về đến Việt Nam |
Tuyến Metro Nhổn- ga Hà Nội sẽ được khai thác vào năm 2021 |