Nga - Iran chi 25 tỷ USD lập tuyến vận tải né trừng phạt phương Tây?

Nga và Iran được cho là đang xây tuyến thương mại xuyên lục địa dài 3.000km từ Đông Âu tới Ấn Độ Dương, “né” lệnh trừng phạt từ phương Tây.

10
Hoạt động xây dựng tại cảng Chabahar, Iran. Ảnh: Maxar Technologies

Theo hãng tin Bloomberg, Nga và Iran đang chi hàng tỷ USD để đẩy mạnh hoạt động vận tải hàng hóa dọc theo các con sông, tuyến đường sắt kết nối với Biển Caspi. Hành lang thương mại mới sẽ cho phép Nga và Iran rút ngắn hàng nghìn km so với các tuyến đường hiện dùng.

Đầu phía Bắc của tuyến đường này là bán đảo Crimea thuộc Biển Azov. Từ đây, mạng lưới đường sắt, đường sông và đường biển mở rộng tới các cảng của Iran trên biển Caspi và kết thúc ở Ấn Độ Dương.

Dữ liệu theo dõi hoạt động vận tải đường biển do Bloomberg tiếp cận cho thấy hàng chục tàu của hai nước, bao gồm một số tàu bị phương Tây áp lệnh trừng phạt, đã thường xuyên di chuyển qua tuyến đường này.

Cụ thể, thời gian gần đây, ít nhất 10 tàu Iran, bao gồm tàu bị Mỹ áp lệnh trừng phạt, đã di chuyển trên các tuyến đường thủy giữa biển Caspi và các cảng ở sông Volga của Nga.

Bà Maria Shagina, chuyên gia về chính sách đối ngoại của Nga tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại London ước tính, Nga và Iran đang đầu tư tới 25 tỷ USD để xây dựng hành lang thương mại này nhằm thiết lập chuỗi cung ứng, đối trọng lại các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Ngoài ra, theo Bloomberg, Nga và Iran cũng đang đẩy mạnh đầu tư nhằm khắc phục những trở ngại trong quá trình xây dựng tuyến đường. Theo đó, Nga đang có kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD để cải thiện việc lưu thông qua biển Azov vào sông Don và qua kênh nối với sông Volga. Nga cũng đang hoàn tất quá trình thông qua quy định cho phép tàu Iran được di chuyển trên các tuyến đường thủy nội địa trên sông Volga và sông Don.

Tập đoàn tàu biển IRISL có trụ sở tại Tehran đã đầu tư 10 triệu USD vào cảng biển trên sông Volga nhằm tăng gấp đôi khả năng vận tải hàng hóa lên mức 85.000 tấn/tháng tại cảng Solyanka, thành phố Astrakhan, Nga.

Trong nước, Iran cũng đổ tiền xây dựng các nhà ga trong nước phục vụ hoạt động dỡ hàng từ tàu chất lên các tuyến tàu hỏa chạy dọc đất nước từ biển Caspi tới vịnh Ba Tư, cũng như đầu tư mở rộng mạng lưới đường sắt vốn có chiều dài 16.000km.

Các lệnh trừng phạt khiến Nga - Iran xích lại gần nhau

Theo Bloomberg, đây là minh chứng cho thấy cạnh tranh giữa các cường quốc đang định hình lại mạng lưới thương mại trên toàn cầu với tốc độ nhanh chóng trong bối cảnh nền kinh tế thế giới bị chia tách thành các khối đối đầu. Nga và Iran - hai quốc gia đang chịu nhiều lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây, đang xích lại gần nhau và cùng hướng về phương Đông.

Moscow và Tehran cũng đặt mục tiêu bảo vệ các liên kết thương mại khỏi sự can thiệp của phương Tây và thiết lập những tuyến đường mới kết nối với những nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng của châu Á.

11
Ảnh vệ tinh chụp cảng Solyanka, thành phố Astrakhan, Nga. Ảnh: Maxar Technologies

Cũng theo Bloomberg, Nga cần tìm cách bù đắp khoảng trống khi quan hệ thương mại với châu Âu - khu vực vốn là đối tác thương mại lớn nhất của Moscow trước khi xung đột nổ ra tại Ukraine bị gián đoạn.

Tại một diễn đàn kinh tế vào tháng 9, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh tính cấp thiết của việc phải phát triển cơ sở hạ tầng đường bộ đường sắt, đường biển dọc theo tuyến đường nhằm mang lại cơ hội tiến vào thị trường Iran, Ấn Độ, Trung Đông và châu Phi cho các công ty Nga, cũng như tạo điều kiện vận chuyển hàng hóa từ những quốc gia này tới Nga.

“Vì mạng lưới vận tải châu Âu bị chặn, Nga tập trung vào phát triển các hành lang thương mại thay thế nhằm hỗ trợ cho việc chuyển hướng sang phía Đông”, ông Nikolay Kozhanov, chuyên gia Vùng Vịnh tại Đại học Qatar và từng là nhà ngoại giao của Nga tại Tehran từ năm 2006 - 2009, cho hay.

Trong bối cảnh quan hệ căng thẳng với phương Tây, giới chức Iran cho biết, nước này sẽ đẩy mạnh ký kết thỏa thuận năng lượng, thương mại với Nga, Trung Quốc và các quốc gia Trung Á thay vì nối lại quan hệ kinh tế với châu Âu.

Trong quá trình xây dựng tuyến thương mại đầy tham vọng này, Nga và Iran cũng gặp không ít thách thức. Trước hết là việc Mỹ và đồng minh đã chú ý tới việc Nga - Iran hợp tác xây dựng hành lang thương mại mới, nhất là khi các nước này cáo buộc Iran cung cấp máy bay không người lái, thiết bị quân sự cho Nga sử dụng trong chiến dịch quân sự tại Ukraine, dù Moscow và Tehran nhiều lần bác bỏ thông tin này.

“Chúng tôi đang theo dõi sát sao tuyến đường này và liên hệ giữa Nga - Iran nói chung. Chúng tôi lưu tâm tới bất cứ nỗ lực nào nhằm giúp Nga lách các lệnh trừng phạt”, ông James O’Brien, điều phối viên chính sách trừng phạt của Mỹ, cho hay.

Ông Robert Malley, Đặc phái viên Iran của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng, cần theo dõi sát sao tất cả các hành lang thương mại mới để kịp thời ngăn chặn việc vận chuyển vũ khí giữa Nga và Iran.

Theo Bloomberg, Iran là nhà nhập khẩu ngũ cốc lớn thứ 3 của Nga. Mới đây, hai quốc gia đã công bố một số thỏa thuận kinh tế mới bao gồm một số loại hàng hóa như tuabin, polymer, vật tư y tế và bộ phận ô tô. Trong khi đó, Nga cũng cung cấp nhiên liệu hạt nhân và một số thành phần cho lò hạt nhân của Iran tại Bushehr.

Hoàng Hương / Báo Giao thông