Trong vòng 3 tháng, hai lãnh đạo cao cấp của nhà cung cấp dịch vụ phim trực tuyến lớn nhất toàn cầu Netflix đã bày tỏ mong muốn đầu tư vào Việt Nam thông qua việc hợp tác làm phim để chiếu trên nền tảng Netflix và xuất khẩu.
Trong vòng 3 tháng, hai lãnh đạo cao cấp của nhà cung cấp dịch vụ phim trực tuyến lớn nhất toàn cầu Netflix đã bày tỏ mong muốn đầu tư vào Việt Nam thông qua việc hợp tác làm phim để chiếu trên nền tảng Netflix và xuất khẩu.
Hợp tác đầu tư sản xuất phim tại Việt Nam
Trong sự kiện mới nhất tại cuộc gặp Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, ông Reed Hastings – CEO tập đoàn Netflix (Mỹ) – cho biết “Netfix muốn sản xuất tại Việt Nam, dành cho người Việt Nam, theo đúng pháp luật Việt Nam”.
Vị này cũng cho rằng, chắc chắn Netflix sẽ hiện diện tại Việt Nam trong thời gian tới sau khi đã hiện diện tại Singapore, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc. Ông Reed Hastings đánh giá, Việt Nam có tỉ lệ người sử dụng Internet cao, trong đó nhiều người dùng các dịch vụ giải trí trực tuyến, và tin tưởng Netflix sẽ có sự tăng trưởng tại Việt Nam.
Cần nhớ rằng, vào tháng 8.2019, ông Kuek Yu-Chuang, Giám đốc điều hành Netflix khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong chuyến thăm và làm việc đến Việt Nam cũng đã được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tiếp kiến. Theo đó, ông Kuek Yu-Chuang cũng bày tỏ rằng muốn kí kết biên bản ghi nhớ với Bộ Thông tin và Truyền thông về việc mua các bộ phim Việt Nam để chiếu trên nền tảng Netflix, đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác cùng xuất khẩu phim Việt Nam ra các thị trường nước ngoài.
Tại cuộc tiếp đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị Netflix hợp tác với các công ty điện ảnh trong nước để cùng sản xuất các bộ phim đáp ứng nhu cầu giải trí của khán giả Việt Nam nói riêng và các khán giả là thuê bao của Netflix tại các thị trường khác nói chung.
Thúc đẩy kênh xuất khẩu phim phi truyền thống
Kênh quảng bá, xúc tiến xuất khẩu phim ảnh Việt ra thế giới hàng chục năm qua theo phương thức truyền thống là mang phim đi tham gia các liên hoan phim, hội chợ hoặc kí kết hợp tác với các nhà phát hành phim truyền thống trên thế giới.
Netflix được cho rằng hiện có trên 300.000 thuê bao tại Việt Nam (ảnh minh họa, chụp màn hình). |
Với công nghệ dịch vụ giải trí trực tuyến phát triển, những mạng lưới chiếu phim trực tuyến lớn như Netflix hay iFlix… sẽ tạo thêm những tiện ích thuận tiện hơn cho các nhà sản xuất phim Việt Nam và phim Việt. Thương vụ xuất khẩu phim điển hình nhất thông qua “ông lớn” dịch vụ xuyên biên giới Netflix chính là bộ phim “Hai Phượng” (với tựa trên nền tảng chiếu phim trực tuyến này là “Furie”) đã được chiếu trên Netflix tại nhiều quốc gia.
Dù phim Việt lên Netflix hay các mạng phim trực tuyến khác trên thế giới còn rất ít ỏi, nhưng đó là một kênh khá quan trọng trong thời gian tới khi dịch vụ xem phim trực tuyến ngày càng phát triển mạnh.
Theo một con số công bố không chính thức, Netflix có khoảng 300.000 thuê bao tại Việt Nam, với phí thuê bao từ 180-260 ngàn đồng/tháng. Còn trên toàn cầu, nền tảng này có hơn 150 triệu thuê bao tại 190 quốc gia. Với những con số này, nếu các bộ phim Việt có điều kiện để được phát hành và lan tỏa sẽ không chỉ có tác dụng quảng bá rộng rãi hơn mà cũng mang đến nguồn thu không nhỏ.
Ý nghĩa của các thương vụ phim Việt lên Netflix hay các nền tảng chiếu phim trực tuyến toàn cầu chính là sự “thông cửa” ra các thị trường nước ngoài, mang đến nhiều cơ hội để các nhà làm phim Việt hợp tác đầu tư, học hỏi kinh nghiệm, thúc đẩy kinh doanh và thúc đẩy doanh thu từ các thị trường ngoài Việt Nam.
Thế Lâm 26/11/2019 | 16:36