Ném đá vào ô tô trên cao tốc phải bị coi là hành vi gây thương tích hoặc giết người; đừng dung túng cho thói hồn nhiên độc ác, vui đùa bằng tính mạng người khác.
Sáng 2/12, cộng đồng mạng rùng mình khi thông tin, hình ảnh viên gạch lớn bị ném xuyên qua kính, rơi vào ghế chiếc ô tô đang chạy trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên được lan truyền. Chuyện xảy ra vào khoảng 22h ngày 1/12, một nhóm người đứng trên cầu vượt ném gạch vào chiếc xe đi qua, làm vỡ kính lái. Điều đáng sợ là khi thông tin được chia sẻ trên mạng, lập tức có rất nhiều người lên tiếng cho biết họ cũng từng là nạn nhân của trò này khi lái xe qua các đoạn đường cao tốc, và còn gửi kèm hình ảnh người thật việc thật.
Trên báo chí, tin tức về các vụ ném gạch đá xuất hiện dày đặc, cho thấy đây thực sự đã là vấn nạn. Không chỉ là chuyện xe vỡ kính, móp đầu xe, đã có những người bị thương, như trường hợp xảy ra đêm 29/7/2019 cũng trên tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Một hòn đá rất lớn từ trên cầu vượt Điềm Thụy (huyện Phú Bình, Thái Nguyên) ném xuống chiếc ô tô đi qua, xuyên thủng kính chắn gió phía trước và khiến phụ nữ ngồi trong xe bị thương ở vùng đầu, bả vai...
Viên gạch bị ném xuyên qua kính ô tô đang chạy trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đêm 1/12. |
Thế nhưng trên mặt báo cũng như các kênh truyền thông khác có rất ít thông tin về việc xử lý thủ phạm. Phải chăng cơ quan chức năng chưa đánh giá đúng mức độ nguy hiểm mà những người ngồi trong xe phải đối mặt? Trên đường cao tốc, ô tô có thể tăng tốc độ tới 120 km/h, khi đó những viên đá nhỏ nếu trúng xe, trúng người cũng có thể gây thương vong.
Hành vi ném đá vào xe đang chạy tốc độ lớn lẽ ra phải được ngăn chặn một cách quyết liệt, mạnh mẽ, vậy mà bao lâu nay vẫn tiếp diễn thường xuyên, liên tục. Dường như thủ phạm cứ thoải mái ném mà không phải lo lắng nhiều đến chuyện bị trừng phạt.
Một thực tế đáng buồn nữa là trẻ em chiếm tỷ lệ lớn trong số những người ném đá vào xe cộ trên đường cao tốc. Chúng xem hành động này như một trò chơi. Và bố mẹ, lực lượng chức năng, chính quyền địa phương cũng xuê xoa coi đó chỉ là chuyện trẻ em nghịch dại để rồi xử lý theo kiểu "vuốt ve": Chỉ nhắc nhở, yêu cầu viết cam kết không tái phạm và bồi thường chi phí sửa xe.
Vào đầu tháng 4/2021, khi báo chí đăng thông thông tin nhóm 4 nam học sinh đứng trên cầu vượt qua đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (đoạn qua huyện Văn Giang, Hưng Yên) ném vỡ kính lái chiếc ô tô đi qua, một cuộc tranh luận gay gắt đã nổ ra. Nhiều người cho rằng cần dạy dỗ nghiêm khắc những đứa trẻ bằng cách đưa vào trường giáo dưỡng và phạt lao động công ích, để chúng hiểu rõ về hậu quả thảm khốc có thể xảy ra cho người khác và học cách chịu trách nhiệm, trả giá cho hành động ngu ngốc, tai ác của mình. Nhưng cũng không ít người chỉ trích ý kiến này, cho rằng bọn trẻ "mới tí tuổi đã nhận thức được gì đâu, chúng chỉ là nghịch dại thôi, ai lại nỡ thế".
Nhóm 4 thiếu niên ném đá xuống ô tô đi trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng ngày 30/3/2021. (Ảnh cắt từ clip) |
Cái quan điểm "khoan dung, nhân từ" vô lối đó mới thật đáng sợ. Trẻ em ngay từ lúc 6-7 tuổi bước chân đến trường đã được học môn Giáo dục công dân, được dạy về đạo đức và pháp luật. Nếu không dạy dỗ khi còn nhỏ, đợi đến khi thành một người lớn hư hỏng rồi thì giáo dục sao kịp nữa? Những đứa trẻ đã học cấp hai, cấp ba vẫn còn coi việc ném đá vào ô tô chạy trên cao tốc là một trò vui, vậy thì xã hội đang trở nên quá nguy hiểm rồi.
Bất kỳ ai, nếu có đủ khả năng thực hiện hành vi đó, cũng đều phải biết rằng đó là hành vi gây thương tích, thậm chí là giết người, là tội ác, và phải biết rằng mình sẽ phải trả giá rất đắt cho tội lỗi này. Dù với trẻ em hay người lớn cũng cần có hình thức giáo dục, xử phạt mang tính răn đe. Nếu chỉ phạt nặng khi có người bị thương thì sẽ còn hàng trăm, hàng nghìn vụ ném đá khác xảy ra trên đường cao tốc, đồng nghĩa với việc tính mạng rất nhiều người khác sẽ vẫn bị đe dọa.
Đã đến lúc các địa phương, cơ quan chức năng phải đánh giá đúng tầm quan trọng cũng như mức độ nghiêm trọng của vấn nạn này và ngăn chặn nó bằng cả việc tuyên truyền, giáo dục và xử phạt, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự. Đừng dung túng cho thói hồn nhiên độc ác, vui đùa bằng an toàn tính mạng người khác.
NGUYỄN LÂM