Ông Nguyễn Thanh Minh, Cty TNHH Dệt Thái Tuấn, đã nêu ý kiến như trên tại "Hội nghị lấy ý kiến Cán bộ Công đoàn, công chức, viên chức và NLĐ về Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi" do Đoàn Đại biểu Quốc Hội TP.Hồ Chí Minh phối hợp với LĐLĐ TP tổ chức sáng ngày 10.3.
Hội nghị có sự tham gia trên 60 cán bộ CĐ, đại diện một số doanh nghiệp, sở ngành trên địa bàn TP.
Ông Minh nêu ra số liệu "gây sốc": Thống kê trong số khoảng 600 lao động nam, nữ của Cty Thái Tuấn, chỉ có 4-5% số người “bò” được đến tuổi nghỉ hưu, còn lại bằng cách này, cách khác NLĐ phải nghỉ việc.
Ông Minh cũng cho rằng hầu hết ở các DN dệt may, da giày đều là lao động trẻ, chứ hiếm có lao động lớn tuổi.
Ông Nguyễn Thanh Minh: Chỉ có chưa đến 5% CN dệt của Cty Thái Tuấn “bò” được đến tuổi nghỉ hưu. Ảnh Nam Dương |
“Chúng ta chưa có thống kê toàn cảnh trong các doanh nghiệp tư nhân nhất là ngành thâm dụng lao động xem số NLĐ được nghỉ hưu là bao nhiêu mà đã tăng tuổi nghỉ hưu thì sẽ có một lực lượng rất lớn NLĐ lớn tuổi không có quyền lợi khi về già, như thế sẽ là gánh nặng cho xã hội” ông Minh nói.
Đại diện CĐ Bộ NNPTNT tham dự hội nghị cũng phản ánh: “Chúng tôi đi thực tế, nhiều chị em đóng gói thủy sản trong dây chuyền nhiệt độ âm 40 độ, thì 50 tuổi đã làm không nổi rồi, giờ tăng tuổi nghỉ hưu không làm được”.
Ông Phạm Văn Hoa, Phó Chủ tịch LĐLĐ Quận Bình Thạnh. TP. Hồ Chí Minh bổ sung: Không chỉ NLĐ trong các doanh nghiệp thâm dụng lao động mà các cô giáo cũng không muốn tăng tuổi nghỉ hưu. “Nhiều giáo viên mầm non nói với tôi, 50 tuổi vào lớp, các cháu đã gọi bằng bà ngoại rồi chứ không gọi bằng cô nữa và chúng tôi không thể múa, hát để các cháu vui vẻ đi học nữa”, ông Hoa kể.
Ông Phạm Văn Hoa: Nữ giáo viên mầm non lo ngại tăng tuổi nghỉ hưu. Ảnh Nam Dương |
Khẳng định chỉ phát biểu với tư cách cá nhân, không đại diện cho cơ quan, ông Nguyễn Tất Năm, Trưởng Phòng Lao động - Tiền lương và BHXH, Sở LĐTBXH TP.Hồ Chí Minh, cho rằng giờ làm tiêu chuẩn của Việt Nam 2.496 giờ/năm, trong khi nhiều nước chỉ khoảng 2000 giờ/năm, như thế NLĐ không bệnh mới lạ. Do đó, dự thảo không nên tăng giờ làm thêm, như thế cũng nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.
Ông Năm cũng chỉ ra rằng: Việt Nam chỉ có 10 ngày nghỉ lễ, Tết/năm, trong khi các nước bình quân là 17 ngày/năm, nước cao nhất là 22 ngày/năm. “Theo Sắc lệnh 22/SL ngày 18.2.1946 của Hồ Chủ tịch, số ngày nghỉ lễ, Tết có hưởng lương đã là 18 ngày/năm. Thời gian chiến tranh, chúng ta đã được nghỉ nhiều như thế, giờ chúng ta chỉ quy định 10 ngày/năm như vậy phải chăng là phú quý giật lùi?”. Ông Năm đặt câu hỏi?
Ông Nguyễn Tất Năm (người đứng): Việt Nam có ngày nghỉ thấp so với các nước. Ảnh Nam Dương |
Nhiều ý kiến tại hội nghị khẳng định không có ai muốn tăng ca, nhưng vì tiền lương thấp nên mới phải làm thêm để có thêm thu nhập. Ông Nguyễn Thái Thành, Phó Chủ tịch CĐ các KCN-KCX TP.Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Tiền lương tối thiểu vùng hiện quá thấp, tổng lương cơ bản cộng với các khoản phụ cấp khác chỉ khoảng 6 triệu đồng/người/tháng, nên NLĐ mới muốn tăng ca để kiếm thu nhập, chứ không ai muốn tăng ca cả”.
Từ đó ông Thành đề xuất cần tính tiền lương tăng ca lũy tiến từ giờ thứ 9 trong ngày trở đi để doanh nghiệp tính toán, hạn chế tăng ca, chứ không phải tính lũy tiền từ giờ thứ 201 sau khi đã đạt mức tối thiểu 200 giờ làm thêm”.
Nhiều NLĐ phải làm thêm do tiền lương không đủ sống. Ảnh Nam Dương |
Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.Hồ Chí Minh Kiều Ngọc Vũ phân tích: Tăng giờ làm thêm, năng suất lao động thấp. Thực tế cho thấy tai nạn lao động xảy ra trong giờ làm thêm cao hơn so với giờ làm việc bình thường. Do đó, đề nghị giữ nguyên giờ làm thêm như hiện nay để giảm được bất bình đẳng giữa công chức, viên chức và NLĐ về thời giờ làm việc/tuần.
Tăng tuổi nghỉ hưu: Có nên “phân biệt” với người giữ chức vụ? |
Tăng tuổi hưu: Đề xuất tách riêng tuổi nghỉ hưu của cán bộ công chức |
Nâng tuổi nghỉ hưu: Những người nào được về hưu trước tuổi? |