Theo Bộ NN&PTNT, trong tháng 11/2023, xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 4,79 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, trong 11 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản vẫn giảm gần 3% so với cùng kỳ, ước đạt 47,8 tỷ USD.
Nguyên nhân giảm do hai mặt hàng chủ lực là thủy sản và lâm sản xuất khẩu đều giảm tới gần 20% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, nhóm thủy sản đạt 8,2 tỷ USD (giảm 19%), lâm sản 13 tỷ USD (giảm 17%), đầu vào sản xuất 1,8 tỷ USD, giảm 18%.
Riêng nhóm nông sản và chăn nuôi lại tăng ấn tượng trong 11 tháng qua. Cụ thể, xuất khẩu nhóm nông sản đạt 24,3 tỷ USD (tăng 17%) và sản phẩm chăn nuôi 453 triệu USD (tăng 24%).
|
Xuất khẩu sầu riêng trong 11 tháng của năm 2023 thu về hơn 2 tỷ USD |
Đến nay, có 6 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD gồm cà phê (3,5 tỷ USD), gạo (4,41 tỷ USD), rau quả (5,3 tỷ USD, trong đó sầu riêng đóng góp hơn 2 tỷ USD), hạt điều (3,3 tỷ USD), tôm (3,4 tỷ USD), gỗ và sản phẩm gỗ (12 tỷ USD).
Đáng chú ý, giá xuất khẩu bình quân một số nông sản chính tăng mạnh như cà phê 2.570 USD/tấn (tăng 12%), gạo đạt bình quân 568 USD/tấn (tăng 17%), riêng tháng 11, giá gạo đạt mức 659 USD/tấn.
Đến nay, Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 18% so với cùng kỳ và thị trường này cũng chiếm tới 23% tỷ trọng xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam. Còn thị trường Mỹ và Nhật năm nay đều giảm nhập so với cùng kỳ năm trước.
Ở chiều ngược lại, 11 tháng của năm 2023 Việt Nam đã chi 37,3 tỷ USD (giảm 10%) để nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản. Nhập khẩu giảm 10% so với cùng kỳ đã giúp xuất siêu của ngành nông nghiệp đạt 10,6 tỷ USD trong 11 tháng của năm 2023, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng cuối cùng của năm 2023, để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ NN&PTNT xác định sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU, Liên minh kinh tế Á - Âu... Tận dụng các FTAs, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới;
Phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài;
Theo dõi, nắm bắt tình hình giá cả, nguồn cung các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, đảm bảo nguồn cung phục vụ nhu cầu trong nước và cân đối cung cầu dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn.