Năm "cân não" trên bàn đàm phán Trump - Tập

Nikkei đặt dấu hỏi liệu ông Tập Cận Bình thật sự có một năm 'lép vế' so với Donald Trump trên bàn thương mại.

Thứ sáu tuần trước, khi Mỹ - Trung đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn một, các thứ trưởng và những cơ quan liên quan của chính phủ Trung Quốc đã tổ chức cuộc họp báo. Giới truyền thông nước này sẵn sàng phác thảo tin nóng để loan đi.

Tuy nhiên, những quan chức quan trọng nhất không xuất hiện, từ Phó thủ tướng Lưu Hạc cho đến bộ trưởng các bộ như Thương mại hay Nông nghiệp. Sáng hôm sau, tin về thỏa thuận không xuất hiện trên hai kênh truyền thông chính thống lớn nhất nước này là CCTV và Nhân Dân nhật báo, bất chấp truyền thông trên toàn cầu đưa tin rầm rộ.

Hầu như không có bình luận chính thức nào về thỏa thuận thương mại được đưa ra trên các kênh truyền thông chính thống của Trung Quốc. Theo tờ Nikkei, bình luận chỉ xuất hiện một cách không công khai. Trong đó, nội dung được nhắc đến phổ biến là phía Trung Quốc đã "đầu hàng" Mỹ với thỏa thuận này.

Bản tin về Mỹ-Trung đạt được thỏa thuận thương mại được phát tại Mỹ tuần trước. Ảnh: AP

Từ đầu năm nay, trong cuộc chiến thương mại ngày càng gay gắt với Mỹ, chính quyền của ông Tập Cận Bình cho rằng, nếu Trung Quốc đi theo chiến lược "trường kỳ kháng chiến" với Mỹ thì sẽ dần nắm thế thượng phong.

Vào cuối tháng 4/2019, Mỹ và Trung Quốc soạn thảo xong một dự thảo thỏa thuận thương mại dài 150 trang. Nhưng đến đầu tháng 5, Trung Quốc đột ngột yêu cầu loại bỏ 30% nội dung của văn bản này.

Phía Trung Quốc nêu lý do không muốn một "hiệp ước bất bình đẳng". Ngay lập tức, ông Trump công bố vòng áp thuế thứ ba và thứ tư đối với hàng Trung Quốc.

Theo thông tin do Washington công bố, thỏa thuận giai đoạn một đạt được vào tuần trước bao gồm 7 lĩnh vực: bảo vệ sở hữu trí tuệ, chấm dứt ép buộc chuyển giao công nghệ, mở rộng nhập khẩu thực phẩm và nông sản Mỹ, bãi bỏ các dịch vụ tài chính, giải quyết các hành vi tiền tệ "không công bằng", mở rộng thương mại, và thiết lập một cơ chế giải quyết tranh chấp.

Thỏa thuận sẽ có tính ràng buộc về mặt pháp lý, đòi hỏi Quốc hội Trung Quốc phải phê chuẩn. Nó cũng kèm một kế hoạch giám sát, đo lường và đánh giá tiến bộ trong việc cam kết thực hiện của Trung Quốc. 

Thỏa thuận này bao gồm các các mục tiêu bằng số như Trung Quốc được cho là sẽ tăng nhập khẩu từ Mỹ thêm 200 tỷ USD trong hai năm tới, nhằm thu hẹp mất cân bằng thương mại song phương. Thỏa thuận cũng kêu gọi Trung Quốc tăng nhập khẩu nông sản Mỹ lên mức 40-50 tỷ USD mỗi năm.

Nikkei cho rằng, cuối cùng thì thỏa thuận thương mại giai đoạn một chính xác là loại "hiệp ước bất bình đẳng" mà Bắc Kinh muốn tránh vào tháng 4/2019.

Trump tự hào về thành tích này. Phía Trung Quốc thì giải thích việc nhập khẩu được xác định bởi các lực lượng thị trường. Nhưng thật ra, họ đã thực sự chấp nhận các mục tiêu bằng số, được đưa ra cho từng lĩnh vực.

Theo Nikkei, Trung Quốc có lẽ đã có một thỏa thuận tốt hơn nếu họ thỏa hiệp hồi tháng 4. Bởi lẽ, dù đó là một "hiệp ước bất bình đẳng" nhưng nước này ít ra có thể tránh được đòn thuế quan bổ sung của ông Trump, tránh cho kinh tế giảm tốc xuống dưới 6% trong giai đoạn tháng 7 đến tháng 9, chậm nhất kể từ năm 1992.

Thay vào đó, ông Tập chọn chuyển chiến lược, theo đuổi chính sách "tự lực" và "chiến tranh kéo dài". Thời điểm đó, giới chức Trung Quốc dường như cho rằng, chu kỳ bầu cử tổng thống Mỹ vốn đã bắt đầu, sẽ giúp cân bằng lợi ích cho họ.

Họ có thể nghĩ rằng nhập nông sản chính là "át chủ bài" để thương lượng. Bắc Kinh thừa biết việc tái tranh cử thành công của ông Trump sẽ ảnh hưởng rất lớn bởi các cử tri nông dân, những người ủng hộ ông mạnh mẽ.

Nhưng trái với mong đợi của họ, thời gian càng trôi qua thì càng có lợi cho Trump. Kể từ tháng 4, nền kinh tế Trung Quốc đã chậm lại nhiều hơn những gì Bắc Kinh có thể chấp nhận. Cuối cùng, việc nghĩ rằng có thể sớm thuyết phục Trump bằng cách hứa mua thêm nông sản là một sai lầm.

Thu hoạch nông sản tại Mỹ. Ảnh: AP

Hóa ra, ông Tập không có lựa chọn nào khác ngoài việc đi đến thỏa thuận với Trump. "Thu thuế năm nay sẽ là một thách thức", một nguồn tin Trung Quốc liên quan đến các vấn đề kinh tế nói với Nikkei. "Tôi tự hỏi liệu có thể tránh được việc tăng trưởng âm không? Vì hiện tại, không còn tiền cho các gói kích thích kinh tế, chẳng hạn như cắt giảm thuế quy mô lớn", nguồn tin này bình luận.

Sự nhượng bộ duy nhất mà Trung Quốc đạt được trong thỏa thuận là trì hoãn vòng áp thuế thứ tư đáng lẽ ra sẽ có hiệu lực vào ngày 15/12. Mọi thứ còn lại, trong thỏa thuận được tiết lộ đến thời điểm này đều là Trung Quốc nhượng bộ Mỹ.

Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer nói rằng sự thành công của thỏa thuận sẽ phụ thuộc vào việc các nhà cải cách hay những người cứng rắn ở Bắc Kinh đưa ra quyết định sau cùng.

Hiện vẫn chưa rõ khi nào các cuộc đàm phán giai đoạn hai bắt đầu, mặc dù Trump nói là "ngay lập tức". Ở vòng này, Trump muốn ép Trung Quốc bãi bỏ các khoản trợ cấp công nghiệp "không công bằng". Tổng thống Mỹ kêu gọi Trung Quốc cải cách mạnh mẽ các công ty nhà nước và chuyển trọng tâm sang các công ty tư nhân.

Đây là vấn đề mà ông Tập sẽ phải xoay sở trong giai đoạn hai của cuộc đàm phán. Bởi lẽ, ông vẫn giữ quan điểm đề cao vai trò của các công ty nhà nước và sự lãnh đạo của chính quyền đối với các công ty nhà nước và cả nền kinh tế. Do đó, đàm phán giai đoạn hai được cho là sẽ khó khăn hơn nhiều. Thỏa thuận nhiều khả năng sẽ bị trì hoãn đến sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2020.

Ông Tập cũng không nên tin tưởng vào lập trường của Trump. Nếu thỏa thuận giai đoạn một này bị đảng Dân chủ "chê" và đảng Cộng hòa bất lợi trong các vòng thăm dò ý kiến thì ông Trump sẽ có khả năng chọn cách áp thêm thuế để gia tăng sức ép Trung Quốc bãi bỏ trợ cấp công nghiệp và cải cách các công ty nhà nước.

"Năm 2019 đã rất khó khăn với ông Tập. Chỉ còn chưa đầy hai năm cho đến đại hội toàn quốc tiếp theo của đảng, nhà lãnh đạo Trung Quốc đang đối diện một số tháng khó khăn phía trước", tờ Nikkei bình luận.

Phiên An (theo Nikkei Asian Review)21/12/2019, 04:00 (GMT+7                                                                         

Giá dầu tăng trước thông tin tích cực về đàm phán thương mại Mỹ-Trung

Giá dầu thô Brent loại LCOc1 tăng 26 xu Mỹ lên mức 63,65 USD/thùng, trong khi dầu thô giao dịch tại sàn West Texas Intermediate ...

Mỹ - Trung gửi tín hiệu tốt về thương mại

Bắc Kinh và Washington mô tả tích cực cuộc điện đàm giữa Phó Thủ tướng Trung Quốc với Đại diện Thương mại và Bộ trưởng ...

Trung Quốc khen ngợi tiến bộ trong đàm phán thương mại với Mỹ

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Le Yucheng vừa lên tiếng khẳng định rằng, có nhiều tiến bộ trong đàm phán thương mại giữa Mỹ ...

                       

/ vnexpress.net