Quy mô nợ nước ngoài quốc gia tăng nhanh, chủ yếu là nợ của doanh nghiệp và ngân hàng theo hình thức tự vay tự trả.
Thông tin này được Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nêu tại cuộc họp về tình hình nợ nước ngoài quốc gia giai đoạn 2011- 2018 và phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2019, ngày 9/8.
Theo Luật Quản lý nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia là tổng các khoản nợ nước ngoài của Chính phủ, nợ vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh và nợ nước ngoài của doanh nghiệp (DN), tổ chức khác vay theo phương thức tự vay, tự trả.
Theo Thứ trưởng Tài chính Trần Xuân Hà, cuối năm 2017, nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP ở mức 48,9%, sát với ngưỡng 50% được Quốc hội cho phép. Tỷ lệ nợ này giảm xuống còn 46% vào một năm sau đó (năm 2018), trong đó cơ cấu nợ đều giảm. Cụ thể, nợ nước ngoài của Chính phủ còn 19,3% GDP, nợ nước ngoài của Chính phủ bảo lãnh còn 4,4% GDP, nợ nước ngoài tự vay tự trả của doanh nghiệp còn 22,3% GDP.
Tỷ lệ trả nợ so với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ khoảng 25%, bảo đảm các quy định và thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, ông Hà cho hay, xét trong cả giai đoạn 2011-2017, chỉ tiêu nợ nước ngoài so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có xu hướng tăng nhanh, bình quân tăng 16,7% một năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP theo giá hiện hành là 13,0% một năm trong cùng giai đoạn.
Phân tích dữ liệu này, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, chỉ tiêu này dưới mức trần được Quốc hội cho phép là không quá 50% và đang trong tầm kiểm soát của Chính phủ. Trong đó, nợ nước ngoài của Chính phủ giảm mạnh, tốc độ tăng nợ thấp. Còn nợ nước ngoài Chính phủ bảo lãnh chiếm tỷ trọng nhỏ và xu hướng giảm.
Song, quy mô nợ nước ngoài quốc gia tăng nhanh, chủ yếu là nợ nước ngoài của doanh nghiệp và các tổ chức tài chính, tín dụng theo hình thức tự vay tự trả.
Hiện tỷ lệ nợ tự vay tự trả chiếm khoảng 48,4% tổng nợ nước ngoài quốc gia so với tỷ lệ 25,6% năm 2011 và 40,4% của năm 2016.Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp về tình hình nợ nước ngoài quốc gia, trái phiếu doanh nghiệp, ngày 9/8. Ảnh: VGP |
Phó thủ tướng cho rằng việc tăng nhanh nợ nước ngoài theo hình thức tự vay tự trả chủ yếu nằm ở khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (chiếm 76% tổng lượng nợ của doanh nghiệp), tập trung ở một số doanh nghiệp FDI có quy mô lớn.
"Việc tăng nợ nước ngoài quốc gia tuy đáp ứng được nhu cầu vốn và huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế- xã hội và tăng trưởng nhưng cũng tác động tới khả năng trả nợ nước ngoài của quốc gia", Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết.
Ông đề nghị các bộ, ngành điều hành, quản lý nợ theo quy định của Luật Quản lý nợ công nhằm bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, chứ không chỉ đáp ứng nhu cầu vốn tự thân của doanh nghiệp. "Các Bộ cần hoàn thiện pháp luật quản lý nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp, tập trung giám sát tổng nợ, cơ cấu nợ của các khu vực và có tính tới rủi ro đối với từng doanh nghiệp, phù hợp với thông lệ quốc tế", ông Huệ nhấn mạnh.
Về lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nửa đầu năm nay,
Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải cho biết, tổng mức phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng gần 7,5% so với cùng kỳ, trên 116.000 tỷ đồng. Trong số này, các ngân hàng thương mại phát hành 36.700 tỷ, chiếm 36%; doanh nghiệp bất động sản trên 22.120 tỷ đồng (19%), và 3,5% còn lại là lượng phát hành của các công ty chứng khoán, doanh nghiệp khác.Đến hết tháng 6, ông Hải cho hay, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp có mức vốn hoá bằng 10,22% GDP, vượt mục tiêu 7% GDP vào năm 2020.
Hiện mức lãi suất trái phiếu doanh nghiệp bình quân là 11% một năm, cao hơn khoảng 0,5% mức vay phổ biến của các ngân hàng thương mại.
Đánh giá trái phiếu doanh nghiệp là "kênh cung vốn trung, dài hạn cho doanh nghiệp, giảm bớt áp lực cho vay của các ngân hàng thương mại", song Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, nếu không kiểm soát tốt việc phát hành loại hình trái phiếu này, với lãi suất huy động quá cao (11% một năm) sẽ dẫn tới rủi ro, ảnh hưởng thị trưởng tín dụng và cân đối vĩ mô.
Ông dẫn chứng, một số đợt phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản lên tới 13-14% một năm, thậm chí 14-15%, cao hơn nhiều so với lãi suất cho vay của các ngân hàng. Trong khi tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp lại chưa được xếp hạng tín nhiệm, nên tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư không đủ thông tin phân tích rủi ro.
"70% doanh nghiệp phát hành trái phiếu sử dụng tài sản và tài sản hình thành từ nguồn hình thành trái phiếu nhưng chưa được định giá bởi tổ chức định giá độc lập và khó xác minh các tranh chấp pháp lý. Chưa kể 98% các đợt phát hành là riêng lẻ", ông Huệ khái quát.
Vì lẽ đó, Phó thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện dự thảo Luật chứng khoán, trong đó rà soát quy định cụ thể phát hành trái phiếu riêng lẻ theo hướng chỉ dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp có năng lực phân tích tài chính và khả năng đánh giá rủi ro.
Anh Minh
Núi nợ “thuốc độc” 3.000 tỉ USD của Trung Quốc
Nợ lớn trong nước từ lâu đã khiến Trung Quốc đau đầu nhưng vay nợ nước ngoài bằng USD ngày càng gia tăng đang bị ... |
Nới trần vay nợ nước ngoài thêm 60.000tỷ: Tăng nợ công
Vấn đề tôi lo ngại không phải là tăng vay nợ trong nước hay nước ngoài mà là tổng nợ công quốc gia sẽ tăng, ... |
Trung Quốc không lôi các khoản nợ vào cuộc chiến thương mại với Mỹ
Trung Quốc là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ nhưng Bắc Kinh dường như không quan tâm đến việc sử dụng lợi thế ... |
Nợ nước ngoài quá hạn hơn 10.500 tỷ đồng: Gánh nặng DNNN
Gánh nặng vay nợ nước ngoài đổ lên vai Chính phủ là chính và khi doanh nghiệp không có khả năng trả nợ, Chính phủ ... |