Mỹ - Trung ngày càng xa nhau

Dịu giọng hơn nhưng Trump vẫn thể hiện không từ bỏ biện pháp cứng rắn vốn đang gây rối loạn kinh tế toàn cầu để buộc Trung Quốc đồng ý. 

"Đó là cách tôi đàm phán. Với tôi, nó có hiệu quả rất tốt nhiều năm qua. Và nó càng phát huy tác dụng với nước Mỹ", Tổng thống Mỹ Donald Trump nói như vậy trước báo giới trong một cuộc họp báo. Ông cho rằng những người đòi hỏi có thỏa thuận không có "sự can đảm" và "trí tuệ" như mình.

Phát biểu này được đưa ra sau khi ông đã dịu giọng với Trung Quốc tại Hội nghị Thượng đỉnh G7, chỉ vài ngày sau khi gây chao đảo thị trường tài chính bằng các động thái leo thang căng thẳng thương mại. Trump cho biết việc Trung Quốc gần đây gọi điện cho quan chức Mỹ, và bài phát biểu của Phó thủ tướng Lưu Hạc là tín hiệu Bắc Kinh muốn đạt thỏa thuận. Ông cũng khen ngợi "Trung Quốc là đất nước tuyệt vời", và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là "một lãnh đạo vĩ đại".

my trung ngay cang xa nhau
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hội nghị Thượng đỉnh G7. Ảnh: AFP

Hôm qua, chứng khoán Mỹ đi lên vì tín hiệu tích cực từ Mỹ. Cả ba chỉ số chủ chốt của Wall Street đều tăng hơn 1% chốt phiên. Dù vậy, giới phân tích cho rằng triển vọng đạt được một giải pháp hòa bình cho cuộc chiến thương mại đang ngày càng xa vời. "Một tuần trước, khả năng đạt thỏa thuận vốn đã rất xa rồi. Với tình hình chính trị hiện tại, cơ hội này càng trở nên mờ mịt", Jude Blanchette – chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm Chiến lược và Quốc tế học ở Washington nhận xét.

Bloomberg dẫn lời các nguồn tin thân cận cho biết đàm phán vài tuần gần đây hầu như không có tiến triển. Những bước tiến mà Trump nhận thấy dường như liên quan đến cảm xúc của ông nhiều hơn là thực tế. Chính phủ Mỹ cũng có vẻ chưa có kế hoạch rõ ràng về việc sẽ làm gì tiếp theo.

Quan chức Mỹ và Trung Quốc đã có nhiều cuộc điện đàm vài ngày gần đây, và sẽ tiếp tục hoạt động này. Tuy nhiên, Trung Quốc có vẻ lưỡng lự trong việc khôi phục đàm phán dựa trên dự thảo thỏa thuận 150 trang đã bị bỏ lại khi các cuộc nói chuyện đổ bể hồi tháng 5.

my trung ngay cang xa nhau
Tóm tắt hơn một năm thương chiến của Mỹ - Trung Quốc (Click vào ảnh để xem chi tiết). Đồ họa: Hà Thu - Tiến Thành.

Cả hai bên đều nói về việc tổ chức đàm phán trực tiếp tại Washington trong tháng 9. Tuy nhiên, Trung Quốc đến nay vẫn chưa đưa ra cam kết nào về các cuộc nói chuyện này. Một số quan chức Mỹ cũng lưỡng lự về việc tổ chức thêm vòng nữa, nếu không đạt tiến triển căn bản.

"Chưa có điều gì thực sự diễn ra cả", Derek Scissors – chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc tại Viện Doanh nghiệp Mỹ nhận xét, "Họ có thể có bao nhiêu cuộc điện đàm vui vẻ tùy thích. Nhưng cuối cùng cũng phải đạt được gì đó chứ".

Giới phân tích cũng cho rằng Trump dường như đã hiểu nhầm thông điệp hôm qua của ông Lưu Hạc. "Chúng tôi sẵn sàng giải quyết vấn đề thông qua tham vấn, hợp tác bằng thái độ điềm tĩnh và kiên quyết phản đối leo thang chiến tranh thương mại", Lưu Hạc phát biểu tại một hội nghị công nghệ ở Trùng Khánh (Trung Quốc).

Bloomberg dẫn lời các nguồn tin thân cận cho biết bài phát biểu này dường như có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc lại cho rằng đây chỉ là cách nói của giới chức Trung Quốc suốt vài tháng qua. Họ vẫn liên tục kêu gọi chấm dứt thuế nhập khẩu và tìm cách tạo cho mình hình ảnh là người có lý lẽ trong cuộc chiến. "Không nên coi việc này có nghĩa là Trung Quốc đang nhượng bộ", Blanchette nói.

Tại G7, các nước tham dự cũng thúc giục Trump tìm cách hạ nhiệt với Trung Quốc. "Mong muốn của chúng tôi là Mỹ và Trung Quốc đạt thỏa thuận thương mại. Tôi nghĩ đó là điều tích cực với mọi người", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết trước báo giới. Trong một phiên họp Chủ nhật về kinh tế toàn cầu, họ cũng đã có "những cuộc thảo luận dài" về vấn đề Trung Quốc.

Lãnh đạo các nước G7 tại châu Âu cũng có buổi gặp riêng trước hội nghị để thống nhất thông điệp. Theo một quan chức Đức, họ đã quyết định phải cố gắng xoa dịu quan điểm của Trump về vấn đề gây lo ngại hàng đầu hiện nay – chiến tranh thương mại.

Một trong những cách rõ ràng nhất là không dồn ép quá mạnh. Trong một cuộc họp hôm thứ bảy với Trump, Thủ tướng Anh Boris Johnson chỉ cho biết họ không đồng tình với việc đánh thuế nhập khẩu và hỏi Trump liệu có thể "hạ nhiệt một chút được không".

Dù vậy, giới phân tích cho rằng nếu chú ý, người ta sẽ không khó nhận ra khoảng cách lớn giữa Trump và các lãnh đạo khác tại G7 quanh vấn đề Trung Quốc. Trong buổi họp báo chung hôm qua, Macron cho biết cả Mỹ và Trung Quốc đều không hề "non nớt trong vấn đề kinh tế hay công nghiệp". "Phải có một thỏa thuận thương mại cân bằng, có lợi cho tất cả", ông nói.

Nhưng chỉ vài phút sau, Trump đã bày tỏ sự giận dữ với việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đáp trả mọi biện pháp leo thang của ông. "Khi tôi nâng lên, ông ta cũng nâng lên theo. Chúng tôi không thể đạt thỏa thuận 50 – 50 được. Phải là thỏa thuận có lợi cho Mỹ hơn. Còn nếu không, đừng làm ăn với nhau nữa. Tôi không muốn", ông kết luận.

Hà Thu (theo Bloomberg)

my trung ngay cang xa nhau Các hãng xe "vạ lây" vì chiến tranh thương mại Mỹ-Trung
my trung ngay cang xa nhau Chứng khoán châu Á đỏ lửa vì Mỹ - Trung
my trung ngay cang xa nhau Chiến tranh thương mại giờ là đối đầu trực diện giữa 2 ông Trump - Tập
my trung ngay cang xa nhau Tung đòn "ngàn cân" đáp trả lẫn nhau, Mỹ - Trung được gì và mất gì?
my trung ngay cang xa nhau Trump nói "được định mệnh an bài" để đấu với Trung Quốc trong thương chiến
my trung ngay cang xa nhau Chuyên gia Mỹ: Các nước mắc kẹt giữa thương chiến Mỹ - Trung
my trung ngay cang xa nhau Thương chiến Mỹ - Trung có thể kéo dài bao lâu?
/ vnexpress.net