- Đại sứ Nga: Mỹ không có tư cách lên án Moskva về vũ khí hạt nhân
- Belarus nêu lý do để Nga triển khai vũ khí hạt nhân
- Triều Tiên diễn tập tấn công hạt nhân
CNN hôm 28/3 dẫn lời Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng nêu rõ, Mỹ sẽ ngừng trao đổi một số dữ liệu về lực lượng hạt nhân của Washington cho Moscow, nhằm đáp lại việc Nga đình chỉ tham gia hiệp ước vũ khí hạt nhân New START.
Tuyên bố của Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng có đoạn: "Vì việc Nga tuyên bố đình chỉ hiệp ước New START không hợp lệ về mặt pháp lý, nên Mỹ được phép giữ lại bản cập nhật dữ liệu trao đổi hai năm một lần giữa hai bên để đáp trả".
Động thái của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Nga mới đây cũng từ chối chia sẻ dữ liệu hạt nhân mà hai bên vốn nhất trí trong New START, cứ sáu tháng một lần.
Được biết, New START có hiệu lực vào năm 2011, giới hạn việc Nga và Mỹ sở hữu không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân được triển khai và yêu cầu một loạt bước xác nhận, bao gồm phải thông báo chi tiết số lượng, địa điểm, đặc điểm kỹ thuật của vũ khí hạt nhân cho nhau và cả việc thanh sát hiện trường. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Moscow và Washington đã trao đổi hơn 25.000 dữ liệu kể từ khi hiệp ước có hiệu lực.
Tuy vậy, trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước gia tăng vì chiến sự Nga - Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin trong thông điệp liên bang thường niên hôm 21/2 thông báo, Moscow đình chỉ tham gia New START. Ông Putin nhấn mạnh, trước khi nối lại các cuộc thảo luận về công việc tiếp theo trong khuôn khổ hiệp ước, Nga muốn làm rõ kho vũ khí hạt nhân của các cường quốc NATO khác như Anh và Pháp. Phía Kremlin cũng khẳng định, không tiếp tục tham gia New START với Mỹ cho đến khi Washington lắng nghe quan điểm của Moscow.
Trong một diễn biến khác, gần đây, Nga cũng thông báo sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ Belarus do nước này đối mặt với áp lực từ các nước phương Tây. Bộ Ngoại giao Belarus nêu rõ trong tuyên bố hôm 28/3: "Trong hai năm rưỡi qua, Belarus phải chịu áp lực chính trị, kinh tế và thông tin chưa từng có từ Mỹ, Anh cùng các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cũng như các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU)".
Theo Bộ Ngoại giao Belarus, những áp lực này buộc Minsk phải hành động để đảm bảo an ninh quốc gia, đồng thời khẳng định các kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga ở nước này sẽ không trái với các thỏa thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế, vì Belarus sẽ không có quyền kiểm soát vũ khí này.
https://cand.com.vn/the-gioi-24h/my-thong-bao-ngung-trao-doi-du-lieu-hat-nhan-voi-nga-i688175/