Hải quân Mỹ tăng tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông để thách thức yêu sách của Trung Quốc trong hai năm cuối nhiệm kỳ Trump.
Theo báo cáo được hải quân Mỹ công bố hôm 15/3, các chiến hạm nước này mỗi năm thực hiện 10 chuyến áp sát các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trái phép ở Biển Đông trong giai đoạn 2019-2020 , tăng gấp đôi so với giai đoạn 2014-2018. Chiến hạm Mỹ trong năm 2020 cũng đi qua eo biển Đài Loan 13 lần, nhiều nhất trong vòng 14 năm qua.
Hải quân Mỹ gia tăng các động thái trên phản ánh quan điểm cứng rắn của chính quyền tổng thống Donald Trump với Trung Quốc, đồng thời cho thấy Lầu Năm Góc tăng cường nỗ lực đối phó việc Bắc Kinh mở rộng hiện diện quân sự, điều mà Washington cho rằng làm xói mòn lợi thế cạnh tranh của họ.
Các chiến dịch điều tàu chiến áp sát đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trái phép ở Biển Đông và đi qua eo biển Đài Loan được nhận định là cách quân đội Mỹ đối phó với tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở những vùng biển này mà không gây ra xung đột quân sự.
Tiêm kích F/A-18E huấn luyện hạ cánh trên tàu sân bay USS Ronald Reagan trong đợt diễn tập chung với tàu sân bay USS Nimitz tại Biển Đông, tháng 7/2020. Ảnh: US Navy. |
Mức độ gia tăng hoạt động của chiến hạm Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương dưới thời Trump đặt ra câu hỏi về kế hoạch hành động của chính quyền Tổng thống Joe Biden, trong lúc Washington muốn tăng cường tiếp cận với các quốc gia trong khu vực để đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đang công du châu Á để củng cố quan hệ với các đồng minh. Tàu chiến Mỹ trong những tháng đầu nhiệm kỳ của Biden cũng liên tục thực hiện các chuyến tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông và đi qua eo biển Đài Loan.
Khu trục hạm USS John S. McCain và USS Russell của hải quân Mỹ hồi tháng 2 áp sát quần đảo Hoàng Sa và thực thể Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Trung Quốc nêu yêu sách chủ quyền phi lý với phần lớn diện tích Biển Đông, bồi đắp và xây dựng cơ sở quân sự trái phép trên các thực thể thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Bắc Kinh triển khai nhiều khí tài gồm tên lửa chống hạm, tên lửa phòng không, thiết bị gây nhiễu điện tử ra các đảo nhân tạo, đồng thời cho oanh tạc cơ hạ cánh xuống đây.
Khi được hỏi về hoạt động của chiến hạm Mỹ quanh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam "mong muốn các nước tiếp tục đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định trên cơ sở luật pháp quốc tế tại khu vực Biển Đông".
"Hoạt động của tất cả quốc gia trên Biển Đông cần đóng góp vào mục tiêu chung này. Là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và là thành viên của UNCLOS, Việt Nam tuân thủ các quy định của Công ước, kể cả các quy định liên quan đến hoạt động hàng hải và hàng không trên vùng biển được xác lập phù hợp với Công ước", bà Hằng nói.
Khu vực Biển Đông. Đồ họa: Google. |
Ngoài Biển Đông, eo biển Đài Loan là khu vực chiến hạm Mỹ tăng cường hoạt động những năm qua, bất chấp việc Trung Quốc cho rằng đây là "hành vi khiêu khích". Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh chờ thống nhất và tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu cần.
Số lần chiến hạm Mỹ đi qua eo biển Đài Loan tăng lên từ hai năm cuối nhiệm kỳ của cựu tổng thống Barack Obama, khi chính quyền của ông "xoay trục" sang châu Á sau nhiều năm tập trung vào các cuộc chiến tại Trung Đông.
Trong hai năm đầu nhiệm kỳ Trump, chiến hạm Mỹ chỉ vài lần đi qua eo biển Đài Loan, song số lượt đi qua khu vực này tăng lên 9 vào năm 2019 và 13 vào năm 2020. Chiến hạm Mỹ trong năm nay hai lần đi qua eo biển Đài Loan, lần gần nhất là chuyến quá cảnh của khu trục hạm USS John Finn hôm 10/3.
Nguyễn Tiến (Theo AP)
Trung Quốc tham vọng độc chiếm Biển Đông bằng "ba mũi giáp công" |
Điều tàu chiến tới Biển Đông: Cách châu Âu đối phó Trung Quốc? |
Trung Quốc tố Mỹ đang phá vỡ an ninh ở Biển Đông |