Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bất ngờ kêu gọi hòa bình, đàm phán với Triều Tiên cũng như nối lại đường dây nóng liên lạc giữa hai nước.
Năm 2017 tên lửa, năm 2018 nhành ô liu?
Những ngày đầu năm 2018, Triều Tiên liên tục có những động thái mềm mỏng đến khó ngờ với Hàn Quốc Hôm 3/1, Bình Nhưỡng tuyên bố mở lại đường dây nóng liên lạc với Hàn Quốc để trao đổi về việc cử đoàn vận động viên tham dự Thế vận hội mùa Đông tại xứ sở Kim chi vào tháng tới.
Trước đó một ngày, trong bài phát biểu năm mới, ông Kim Jong-un tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Hàn Quốc. Nhà lãnh đạo Triều Tiên đưa ra gợi ý về khả năng đàm phán hòa bình với Hàn Quốc mà mở đầu là việc cử phái đoàn tới dự Thế vận hội mùa đông Pyeongchang (Hàn Quốc) vào tháng 2 tới.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
“Việc Triều Tiên tham dự thế vận hội mùa đông là cơ hội tốt để thể hiện niềm tự hào quốc gia và chúng tôi mong muốn thế vận hội thành công. Các quan chức từ hai miền sẽ sớm gặp nhau để thảo luận về vấn đề này”, nhà lãnh đạo Triều Tiên cho biết.
“Ngoài Thế vận hội, đã đến lúc miền Bắc và miền Nam cần ngồi xuống và thảo luận nghiêm túc về việc cải thiện, thúc đẩy nhanh chóng quan hệ liên Triều”, nhà lãnh đạo Triều Tiên cho biết.
Trong khi đó, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon cho hay, đề xuất đàm phán đã được bàn thảo với Mỹ và dự kiến, cuộc đàm phán cấp cao được tổ chức vào ngày 9/1 tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm tại khu phi quân sự giữa hai nước.
Đề nghị đàm phán của Bình Nhưỡng được đưa ra đúng vào thời điểm Seoul hy vọng việc Bình Nhưỡng tham dự Thế vận hội sẽ giúp giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Vì lẽ đó nên Hàn Quốc nhanh chóng hoan nghênh lời đề nghị của ông Kim Jong-un. Tổng thống Moon Jae-in kêu gọi thực hiện nhanh chóng các biện pháp để nối lại đối thoại liên Triều hôm 2/1.
Tuy nhiên, bên cạnh đó động thái bất ngờ của Triều Tiên được giới nhận định cho là nằm trong kế hoạch lớn của nhà lãnh đạo Kim Jong-un: Chia rẽ Hàn Quốc và Mỹ. (?!) Sự cởi mở về ngoại giao của ông Kim Jong-un với Hàn Quốc lần này là một cách "gieo mầm" rạn nứt của nhà lãnh đạo trẻ đối với quan hệ Mỹ - Hàn, chuyên gia về quan hệ quốc tế John Delury tại đại học Yonsei (Hàn Quốc) chia sẻ.
Euan Graham, Giám đốc chương trình an ninh quốc tế thuộc viện Nghiên cứu Lowy, nhận định: “Triều Tiên đang cố chìa cành ô liu cho Hàn Quốc, đây là một thay đổi đáng kể nhất bởi từ trước đến nay họ không cho thấy bất cứ mong muốn đàm phán nào với Hàn Quốc, hay bất cứ bên nào về vấn đề đó (chương trình hạt nhân). Tuy nhiên, cành ô liu đó luôn ẩn giấu bên trong mục đích khác của Triều Tiên. Nó không đồng nghĩa với việc (Triều Tiên) chấm dứt chương trình hạt nhân. Kể cả khi Triều Tiên cử phái đoàn tới Thế vận hội mùa đông, cũng không có gì đáng ngạc nhiên, nếu Triều Tiên tiếp tục các vụ thử tên lửa vào mùa xuân, đó có thể là một vụ phóng tên lửa từ tàu ngầm hoặc một vụ phóng vệ tinh”.
Thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham nhận định Mỹ sẽ tẩy chay Olympic nếu Triều Tiên tham dự. “Điều này đặt Hàn Quốc vào tình thế oái oăm vì có thể rơi vào căng thẳng với Mỹ và Nhật Bản, hai nước luôn nhấn mạnh cần gây áp lực và trừng phạt tối đa Triều Tiên”, ông Graham cho biết.
Không chỉ vậy, đề xuất đối thoại của Triều Tiên cũng được giới nhận định đánh giá là công cụ để ngăn chặn áp lực quốc tế ngày càng gia tăng với nước này.
“Ông Kim Jong-un đang sử dụng Thế vận hội Pyeongchang như một cách để làm suy yếu các biện pháp trừng phạt của quốc tế”, ông Kim Yong-hyun, Giáo sư nghiên cứu Triều Tiên tại đại học Dongguk (Seoul), nhận định.
Một mũi tên nhiều đích
Bài phát biểu năm mới và những động thái mềm mỏng bất ngờ của nhà lãnh đạo Triều Tiên với Hàn Quốc có thể báo hiệu một thay đổi lớn trong cuộc đối đầu hạt nhân với chính quyền Mỹ. Đề xuất đàm phán của ông Kim Jong-un có thể gây khó khăn hơn cho những đe dọa của Tổng thống Trump nhằm vào Bình Nhưỡng, giới phân tích nhận định.
Một cuộc đàm phán giữa Bình Nhưỡng và Seoul có thể sẽ gây khó chịu với chính quyền của ông Trump, vốn kiên quyết đòi Triều Tiên phải từ bỏ chương trình hạt nhân rồi mới nói tới chuyện ngồi xuống bàn đàm phán. Vậy nên nếu đàm phán giữa Triều Tiên và Hàn Quốc bắt đầu, Mỹ có thể sẽ buộc phải dịu giọng hơn với chính quyền của ông Kim, hoặc phải đối đầu với chính đồng minh của mình về vấn đề Triều Tiên.
Tuy nhiên, cho tới nay Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn không hề cho thấy ý định sẽ hòa giải với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Thậm chí ngay ngày 3/1, trên trang mạng cá nhân Twitter, ông chủ Nhà Trắng vẫn đăng tải bình luận chế nhạo sau khi Triều Tiên tuyên bố nút bấm hạt nhân luôn trên bàn làm việc của lãnh đạo, ông Trump cũng “đáp trả” rằng ông cũng có một nút bấm hạt nhân, song nó lớn hơn, uy lực hơn nhiều và nút bấm hạt nhân của ông vẫn đang hoạt động .
Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley hôm 2/1 tuyên bố: "Triều Tiên có thể đàm phán với bất cứ ai họ muốn nhưng Mỹ sẽ không công nhận hay thừa nhận cho tới khi họ đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân”.
Giới chức chính quyền Mỹ cho rằng họ không lo ngại về sự lôi kéo của Triều Tiên đối với đồng minh Hàn Quốc. "Ông Kim Jong-un có thể tìm cách chen vào đôi chút... Tôi có thể bảo đảm rằng chuyện đó (rạn nứt Mỹ - Hàn) sẽ không xảy ra", người phát ngôn bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert khẳng định.
Theo người phát ngôn bộ Ngoại giao Mỹ, có thể, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang tìm cách “thọc gậy” vào mối quan hệ giữa Mỹ và Hàn Quốc: “Nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể đang tìm cách làm chệch hướng mối quan hệ giữa Mỹ và Hàn Quốc. Tôi có thể khẳng định rằng điều này sẽ không thể xảy ra. Chúng tôi rất hoài nghi về sự chân thành của Triều Tiên. Chính sách của chúng tôi không thay đổi, chính sách của Hàn Quốc cũng vậy, cả hai nước đều ủng hộ một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân hóa”.
Tuy nhiên, có một thực tế rằng Hàn Quốc không hề nhìn thấy vai trò ưu tiên của mình trong chính sách của Tổng thống Donald Trump, vốn nổi tiếng với khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết”.
Có một cơ hội thực sự rằng Hàn Quốc có thể chấp nhận ngừng các cuộc tập trận chung với Mỹ nhằm tạo điều kiện cho các cuộc thảo luận với Triều Tiên, chuyên gia Ian Bremmer từng gặp các quan chức Hàn Quốc nhận định. Nếu điều này xảy ra, đây có thể là một thất vọng đối với Mỹ.
Thủ tướng Abe: Triều Tiên là mối đe dọa lớn nhất từ Thế Chiến II
Thủ tướng Nhật khẳng định tình hình an ninh Nhật Bản đang đối mặt là nghiêm trọng nhất kể từ Chiến tranh Thế giới II ... |
Đường dây nóng liên Triều: Hai điện thoại, hai năm, ba cuộc gọi
Lúc 15h30 phút ngày 3.1, tiếng chuông điện thoại vang lên trong căn phòng không có người ở khu phi quân sự chia cắt Nam ... |