Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng cuộc tập trận hồi đầu tuần của Hàn Quốc tại đảo Dokdo/Takeshima không mang tính xây dựng.
Cuộc tập trận năm 2013 của Hàn Quốc ở Dokdo/Takeshima, nơi tranh chấp với Nhật. Ảnh: Wikipedia. |
"Với những bất đồng hiện nay giữa hai bên, thời điểm, thông điệp và quy mô cuộc tập trận này là không mang tính xây dựng trong nỗ lực giải quyết những bất đồng hiện nay giữa Hàn Quốc và Nhật", phát ngôn viên không nêu tên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong tuyên bố gửi tới truyền thông Nhật Bản ngày 27/8.
Tuyên bố cũng khẳng định Mỹ giữ quan điểm trung lập trong vấn đề chủ quyền đối với nhóm đảo Dokdo/Takeshima trên biển Nhật Bản (Hàn Quốc gọi là Biển Đông). Washington khuyến khích hai nước giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Theo giới quan sát, động thái của Mỹ dường như muốn truyền tín hiệu rằng Washington không muốn quan hệ giữa hai đồng minh ở châu Á tiếp tục diễn biến xấu.
Hàn Quốc ngày 25/8 tiến hành cuộc tập trận thường niên hai ngày tại khu vực gần đảo Dokdo/Takeshima với sự tham gia của nhiều máy bay, chiến hạm và binh sĩ từ lực lượng hải, lục, không quân.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản yêu cầu Hàn Quốc chấm dứt cuộc tập trận và gọi đây là hành động "không thể chấp nhận". Hàn Quốc đang kiểm soát Dokdo/Takeshima, nhưng Nhật cũng tuyên bố chủ quyền với nhóm đảo.
Hàn Quốc tuyên bố họ đã giải phóng hòn đảo khỏi ách thống trị của Nhật từ năm 1945, trong khi Tokyo cáo buộc Seoul chiếm đóng trái phép. Hàn Quốc tập trận lần đầu tại Dokdo/Takeshima năm 1986 và tiến hành hai lần một năm kể từ 2003.
Vị trí nhóm đảo Dokdo/Takeshima. Đồ họa: BBC. |
Quan hệ Nhật - Hàn đang ở mức thấp nhất kể từ khi hai nước bình thường hóa vào năm 1965. Nhật Bản hồi tháng 7 hạn chế xuất khẩu một số vật liệu công nghệ cao mà Hàn Quốc cần để sản xuất chất bán dẫn và màn hình điện tử, cũng như siết chặt về thương mại khi xóa tên Hàn Quốc khỏi "danh sách trắng" được miễn trừ tối đa hạn chế thương mại.
Seoul cáo buộc Tokyo đang tận dụng lợi thế thương mại để trả đũa phán quyết năm ngoái của tòa án Hàn Quốc, yêu cầu các công ty Nhật Bản từng sử dụng lao động cưỡng bức trong giai đoạn 1910 - 1945 phải bồi thường cho nạn nhân. Hàn Quốc hôm 22/8 quyết định chấm dứt Thỏa thuận An ninh chung về Thông tin Quân sự (GSOMIA) và ngừng chia sẻ thông tin tình báo quân sự với Nhật Bản.
Nguyễn Hoàng (Theo NHK)