Trong nhiều thập kỷ, quần đảo Marshall nhỏ bé là đồng minh vững chắc, là một tiền đồn chiến lược quan trọng của quân đội Mỹ.
Trung Quốc sẵn sàng thế chân Mỹ
Nhưng quan hệ này đang bị thử thách trong bối cảnh 2 bên đang tranh cãi về các điều khoản trong thỏa thuận Hiệp ước Liên kết Tự do sắp hết hiệu lực. Chưa kể, Mỹ vẫn từ chối yêu cầu của người dân Marshall về việc phải chịu trách nhiệm cho thiệt hại môi trường và ảnh hưởng sức khỏe do hàng chục vụ thử hạt nhân mà nước này đã thực hiện trong những năm 1940 và những năm 1950, trong đó có một vụ nổ bom nhiệt hạch khổng lồ trên đảo san hô Bikini.
Hình ảnh vệ tinh chụp Quần đảo Marshall. (Ảnh: AP) |
Những mâu thuẫn nói trên khiến một số nhà lập pháp Mỹ lo ngại rằng Trung Quốc sẽ sẵn sàng thế chân Mỹ, làm gia tăng sự cạnh tranh gay gắt về ảnh hưởng địa chính trị giữa hai cường quốc.
Kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2, Mỹ đã củng cố quan hệ đối với Quần đảo Marshall, Micronesia và Palau. Tại Marshall, Washington đã phát triển các cơ sở quân sự, tình báo và hàng không vũ trụ. Đổi lại, sự hỗ trợ về tài chính và việc làm của Mỹ đã mang lại lợi ích kinh tế cho quốc gia này. Nhiều công dân Marshall cũng tận dụng sự hợp tác giữa hai nước để sinh sống và làm việc tại Mỹ.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ và khẳng định, nước này đang ưu tiên đạt được thành công trong các cuộc đàm phán liên quan đến Hiệp ước Liên kết Tự do và đây là ưu tiên chính trong chính sách đối ngoại với khu vực. (Hiệp ước Liên kết Tự do là hiệp ước định nghĩa mối quan hệ mà mỗi trong số ba quốc gia có chủ quyền: Liên bang Micronesia, Cộng hòa Quần đảo Marshall và Cộng hòa Palau đồng ý trở thành các quốc gia liên kết với Mỹ- ND).
Nhưng trong tháng 11, một nhóm nghị sỹ gồm 10 thành viên của đảng Dân chủ và Cộng hòa đã viết thư cho Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan, nhắc nhở về sự chậm trễ trong các cuộc đàm phán giữa Mỹ với Quần đảo Marshall, Micronesia và Palau. Lá thư có đoạn viết: “Thật đáng buồn khi các cuộc đàm phán này có vẻ như không được ưu tiên - không có cuộc họp chính thức nào kể từ khi chính quyền Tổng thống Biden lên nắm quyền, ngay cả khi chúng ta hướng sự tập trung vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.
Theo các nhà lập pháp, sự chậm trễ này đang đặt Washington vào tình thế bất lợi và “Trung Quốc luôn sẵn sàng tham gia đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như hỗ trợ gia tăng khả năng phục hồi do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu – điều mà các đối tác lâu năm của Mỹ đang tìm kiếm”.
Bộ ngoại giao Trung Quốc cho rằng, Mỹ phải chịu trách nhiệm khắc phục thiệt hại về môi trường mà nước này gây ra do các vụ thử hạt nhân. Bộ này tuyên bố Trung Quốc sẵn sàng đối thoại với Quần đảo Marshall và các quốc đảo khác tại Thái Bình Dương trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. “Chúng tôi hoan nghênh các nỗ lực thúc đẩy quan hệ kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống của các bên”.
Ông James Matayoshi – Thị trưởng khu vực Rongelap của Quần đảo Marshall cho biết, ông và hàng trăm người khác vẫn phải di dời khỏi khu vực này sau các vụ thử hạt nhân và mong muốn nhìn thấy nó được hồi sinh. Ông cho biết, các quan chức Marshall đã có cuộc trò chuyện với các nhà đầu tư tiềm năng tại châu Á. “Đây sẽ là một giao dịch kinh doanh. Chúng tôi không ủng hộ chiến tranh hay bất cứ ảnh hưởng nào của một cường quốc”.
Tranh cãi về vấn đề xử lý rác thải hạt nhân
Giống như nhiều người dân khác trên Quần đảo Marshall, ông Matayoshi tin rằng thỏa thuận bồi thường 150 triệu USD mà Mỹ đồng ý vào những năm 1980 không đủ khả năng giải quyết di chứng hạt nhân. Nhưng quan điểm của Washington vẫn không thay đổi trong hơn 20 năm qua. Mỹ luôn khẳng định việc bồi thường đã được giải quyết theo một thỏa thuận “đầy đủ và cuối cùng”.
Mái vòm của ngôi mộ hạt nhân nằm bên cạnh miệng hố do vụ nổ hạt nhân tạo ra trên đảo Enewetak. (Ảnh: Getty) |
Thượng nghị sĩ David Paul của Quần đảo Marshall – thành viên thuộc ủy ban đàm phán, đồng thời là đại diện của đảo Kwajalein – nơi có căn cứ quân sự lớn của Mỹ cho biết, tỷ lệ ung thư tiếp tục tăng cao và việc di dời người dân vẫn là vấn đề nhức nhối.
“Mọi người đều biết rằng các cuộc đàm phán ở thời điểm đó là không công bằng và thiếu bình đẳng. Khi xem xét tổng chi phí thiệt hại về tài sản và các vấn đề sức khỏe đến nay, sự đền bù đó chỉ như “muối bỏ biển”.
Nhiều đánh giá cho rằng, chi phí thực sự của thiệt hại vào khoảng 3 tỷ USD, trong đó có việc sửa chữa một vòm bê tông chứa chất thải hạt nhân khổng lồ có tên gọi “Hầm mộ hạt nhân” (Cactus Dome) mà các nhà môi trường cho rằng đang rò rỉ chất thải độc hại ra đại dương.
Trong báo cáo đệ trình Quốc hội năm 2020, Bộ năng lượng Mỹ cho biết, nơi này chứa hơn 76.000 m3 đất và các chất thải bị nhiễm phóng xạ nhưng nó không dễ nứt vỡ có nguy gây rò rỉ.
Một quan chức của Mỹ cho biết: “Chúng tôi có một thỏa thuận đầy đủ và cuối cùng mà cả hai bên đồng ý. Đây không phải thỏa thuận để đem ra đàm phán lại. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn sẵn sàng làm việc với Marshall về những vấn đề lớn và quan trọng với chúng tôi”.
Trái lại, Thượng nghị sĩ David Paul của Quần đảo Marshall cho rằng, Mỹ cần phải thay đổi cách tiếp cận: “Tôi tin rằng Mỹ có nghĩa vụ đạo đức và pháp lý để dọn sạch những chất thải hạt nhân này. Chúng tôi muốn đảm bảo chúng tôi sẽ có một thỏa thuận tốt hơn ở thời điểm hiện tại”.
HỒNG ANH