- Điện Kremlin: Nga xem xét thay đổi học thuyết hạt nhân
- Ukraine sẽ trình dự thảo nghị quyết về an toàn hạt nhân lên Đại hội đồng Liên hợp quốc
Ngày 11/7, Tổng thống Mỹ và người đồng cấp Hàn Quốc Yoon Suk-yeol ký kết quy tắc mở rộng năng lực răn đe tại bán đảo Triều Tiên, bao gồm năng lực hạt nhân.
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho biết nhà nhà lãnh đạo Mỹ và Hàn Quốc đã phê chuẩn bộ quy tắc hướng dẫn việc thiết lập hệ thống đầy đủ năng lực răn đe đối với bán đảo Triều Tiên, nhằm ứng phó các mối đe dọa hạt nhân và quân sự từ Bình Nhưỡng.
Phó cố vấn An ninh quốc gia Hàn Quốc Kim Tae-hyo cho hay, bộ quy tắc này chính thức hóa việc triển khai tài sản hạt nhân Mỹ đến Hàn Quốc và xung quanh bán đảo Triều Tiên với mục đích ngăn chặn cũng như đáp trả các vụ tấn công hạt nhân tiềm tàng từ Bình Nhưỡng.
Lãnh đạo Mỹ và Hàn Quốc tái khẳng định sự phối hợp chặt chẽ chống lại mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên. (Ảnh: Reuters)
"Điều đó có nghĩa là vũ khí hạt nhân của Mỹ đặc biệt được giao thực hiện nhiệm vụ trên bán đảo Triều Tiên", ông Kim Tae-hyo nói.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đưa ra tuyên bố chung bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington, tái khẳng định sự phối hợp chặt chẽ chống lại mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên.
“Tổng thống Mỹ và Hàn Quốc tái khẳng định cam kết trong Tuyên bố Mỹ - Hàn ở Washington, nhấn mạnh bất kỳ cuộc tấn công hạt nhân nào của Triều Tiên nhằm vào Hàn Quốc sẽ gặp phải phản ứng nhanh chóng, áp đảo và quyết đoán”, tuyên bố nhấn mạnh.
Triều Tiên công khai thúc đẩy chính sách vũ khí hạt nhân của mình bằng cách hệ thống hóa việc sử dụng chúng trong trường hợp nhận thấy mối đe dọa đối với lãnh thổ và ghi nhận sự tiến bộ về khả năng vũ khí hạt nhân trong hiến pháp.
Đầu năm 2024, Triều Tiên chỉ định Hàn Quốc là “kẻ thù chính” và tuyên bố tiêu diệt nước láng giềng vì thông đồng với Mỹ để tiến hành các cuộc chiến chống lại nước này.
Cả Seoul và Washington đều phủ nhận bất kỳ ý định gây hấn nào chống lại Bình Nhưỡng, nhưng cho rằng họ đã chuẩn bị đầy đủ để chống lại bất kỳ hành động gây hấn nào của Triều Tiên và tăng cường tập trận quân sự chung trong những tháng gần đây.
Ông Yoon tái khẳng định sự ủng hộ của Hàn Quốc đối với Ukraine, cam kết tăng gấp đôi khoản đóng góp của nước này cho quỹ ủy thác của NATO từ mức 12 triệu USD mà nước này đã cung cấp vào năm 2024. NATO cho biết quỹ này cho phép hỗ trợ quân sự không gây chết người trong thời gian ngắn và hỗ trợ xây dựng năng lực dài hạn.