Muốn tăng tỷ lệ nội địa hóa, công nghiệp hỗ trợ ngành ôtô phải mạnh

Dù đóng góp hàng tỉ USD vào ngân sách Nhà nước, góp phần giảm nhập siêu nhưng tỉ lệ nội địa hoá ôtô của Việt Nam vẫn đang ở mức thấp, chưa xứng với kỳ vọng đề ra. Trong khi tỷ lệ nội địa hóa của các nước trong khu vực trung bình đã đạt được 65 - 70% thì Việt Nam chỉ dừng lại ở con số khoảng 7 - 10%.

Tỷ lệ nội địa hóa còn thấp

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2017, số lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước đạt 258,7 nghìn xe. Năm 2018, sản lượng tiếp tục được duy trì đạt trên 250,1 nghìn xe/năm. Một số loại sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Mỹ… Ngành ôtô đã đóng góp hàng tỉ USD vào ngân sách Nhà nước, góp phần giảm nhập siêu. Đồng thời tạo ra việc làm trực tiếp cho hơn 120 nghìn lao động.

Tuy nhiên, tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi còn chưa đạt mục tiêu đề ra. Mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010, tuy nhiên đến nay mới đạt bình quân khoảng 7 - 10%, trong đó Thaco đạt 15 - 18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova, thấp hơn mục tiêu đề ra. Các sản phẩm đã được nội địa hóa mang hàm lượng công nghệ rất thấp như: săm, lốp ôtô, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc-quy, sản phẩm nhựa... Có tới 80 - 90% nguyên liệu chính cho sản xuất linh kiện như thép hợp kim, hợp kim nhôm, hạt nhựa, caosu kỹ thuật cao hiện phải nhập khẩu. Vật liệu làm khuôn mẫu chủ yếu cũng phải nhập khẩu. Hàng năm, các doanh nghiệp phải nhập khẩu khoảng 2 - 3,5 tỉ USD các linh kiện, phụ tùng phục vụ cho sản xuất lắp ráp và sửa chữa xe.

Về công nghiệp hỗ trợ ngành ôtô, Bộ Công Thương cho rằng: Do thị trường nội địa nhỏ, chỉ ở mức độ hơn 300 ngàn xe/năm, trong khi số lượng doanh nghiệp sản xuất - lắp ráp lớn (56 doanh nghiệp) nên không không hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô vì hiệu quả kinh tế thấp do sản lượng nhỏ. Hơn nữa, các nguyên vật liệu cơ bản như thép chế tạo, cao su, nhựa và chất dẻo phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nên ảnh hưởng đến việc phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô.

Cần chính sách khuyến khích công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô

Ông Lê Ngọc Đức, Tổng Giám đốc Công ty ôtô Huyndai Thành Công cho rằng cần đưa ôtô vào Danh mục sản phẩm công nghệ cao khuyến khích phát triển để được hưởng mức ưu đãi cao nhất (ô tô hoàn toàn đáp ứng đủ các điều kiện và yêu cầu đối với một sản phẩm công nghệ cao). Ngoài ra, đối với một số linh kiện nội địa hóa trong nước đòi hỏi công nghệ cao thì việc sản xuất các linh kiện này nên được xem xét như là hoạt động sản xuất công nghệ cao và được hưởng ưu đãi, ví dụ như dập thân vỏ xe hoặc 1 số chỉ tiết thân vỏ, sản xuất & lắp ráp động cơ và hệ thông truyền động, sản xuất các thiết bị điều khiển trên xe...

Ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Công ty ôtô Huyndai Thành Công.   

Đúc kết kinh nghiệm từ quá trình phát triển của mình, đại diện Công ty Cổ phần Ôtô Trường Hải (THACO) cho rằng: Các doanh nghiệp ôtô và doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cần đẩy mạnh liên kết trong chuỗi sản xuất nhằm hợp tác, phân công sản xuất, tận dụng các nguồn lực, tiêu thụ sản phẩm lẫn nhau để cùng phát triển.

  Công ty Cổ phần Ôtô Trường Hải (THACO).

Để phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam, gắn liền với mục tiêu tăng tỷ lệ nội địa hóa trong ngành công nghiệp ôtô, Bộ Công Thương cho rằng: Cần đẩy mạnh phát triển công nghiệp ô tô và  công nghiệp hỗ trợ qua đó tăng tỷ lệ nội địa hóa của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam theo hướng tận dụng cơ hội thị trường do các chính sách vừa ban hành, tập trung hỗ trợ để thúc đẩy nhanh dự án của Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco), Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công, Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh Vinfast và các dự án khác. Đây là những tín hiệu tốt cho việc gia tăng sản lượng ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước trong thời gian tới. 

Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh Vinfast đã cho ra mắt những chiếc ôtô đầu tiên. 

Ngoài ra, cần nghiên cứu, trình Quốc hội ban hành sửa đổi áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe có tỷ lệ nội địa hóa cao (không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước); Xây dựng thí điểm chuỗi cung ứng ngành ôtô cho các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ôtô trong và ngoài nước.

Về dài hạn, Bộ Công Thương cho rằng phải có các cơ chế chính sách thu hút đầu tư từ các Tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án có quy mô lớn tại Việt Nam, đặc biệt tập trung vào các thương hiệu và dòng xe chưa có tại khu vực ASEAN, xe điện và xe khách (buýt) thân thiện môi trường trong nội đô các thành phố như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh,… ưu tiên các dự án tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu nhất vào chuỗi sản xuất ô tô đa quốc gia.

Ôtô 5 chỗ cháy rụi bên quốc lộ
Hơn 60 công nhân “thoát nạn” khi chiếc xe ôtô bị dừng giữa dòng lũ
Người mẹ lái môtô qua 25 quốc gia để gặp con gái

/ laodong.vn