Vì sự ích kỷ đó mà người ta sẵn sàng bất chấp tất cả, thậm chí còn có phần trơ trẽn khi lấy đồ của người khác là không được
Nhân việc mạng xã hội đang chia sẻ hình ảnh chụp một tờ giấy ghi lại lời nhắn của một cô gái lấy áo mưa của người khác giữa trời mưa gây dư luận trái chiều. PGS.TS. Đoàn Văn Điều - Khoa Tâm lý Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm TP HCM cho rằng, không nên chỉ nhìn vào giá trị của chiếc áo mưa để phân tích vấn đề.
Ông cho biết, nếu tính về giá trị của chiếc áo mưa thì không đáng để so đo. Tuy nhiên, cái sai của cô gái là đã tự ý lấy đồ của người khác mà chưa được sự đồng ý.
"Vấn đề ở đây không phải so sánh về giá trị của đồng tiền. Dù chiếc áo mưa đó có giá thế nào nó cũng không quan trọng bằng giá trị nhân cách của cô gái đã bị bộc lộ", ông Điều nói.
PGS.TS. Đoàn Văn Điều nói thêm, đây là hệ lụy của tâm lý tự cho mình là trung tâm, ai cũng phải phục vụ mình. Với tâm lý này sẽ khiến cho bản thân người đó tự khó thích ứng được với xã hội, muốn sống được một cuộc sống bình thường cũng khó.
Ông Lê Minh Thiện - Viện Tâm lý học lại nêu hàng loạt ví dụ mà chính bản thân ông cũng là nạn nhân của những vụ "mượn đồ" không trả khiến ông bức xúc.
Ông Thiện kể, có nhiều lần ông đi làm về xuống xe thì không thấy mũ bảo hiểm đâu nữa, đến vài ngày sau lại thấy người ta gửi trả ở phòng bảo vệ. Khi thấy đồ của mình, ông tự vào xin lại chứ cũng chả thấy ai nhắn gửi hay xin lỗi gì.
Ông cho biết, đấy là những lần may mắn được trả lại đồ, còn nhiều lần họ "mượn" rồi đi luôn thì ông cũng phải chịu chứ chả biết kêu ai.
Theo ông Thiện, tài sản bị mất dù không phải là những đồ có giá trị lớn như ô tô hay xe máy, song đã là tài sản của người khác thì không thể tự ý lấy theo kiểu "mình thích thì mình lấy, mình cần thì mình lấy" như vậy được.
Trở lại lời nhắn của cô gái, ông Thiện cho biết thoạt đầu nghe như nó giống một lời trêu trọc hoặc muốn gây sự chú ý nhiều hơn một lời xin lỗi chân thành.
Theo ông, cô gái trên đang cố gắng tỏ ra mình là một người lịch sự nhưng lời nhắn của cô gái không bao biện được cho hành vi của một người ăn cắp. Cách thức cô gái thể hiện đang cho thấy cô ta rất hiểu tâm lý của người Việt là dễ thương người và hay nể nang. Trong thực tế, có nhiều người khi bị mất đồ do giá trị tài sản không lớn nên khi bị mất thì cũng bỏ qua, không truy cứu hoặc cũng đành chấp nhận vì chả biết tìm ở đâu, hỏi ai. Có lẽ vì hiểu tâm lý trên mà cô gái đã thản nhiên lấy đồ của người khác và coi lời nhắn đó là đủ.
Tuy nhiên, lời nhắn bâng quơ của cô gái không chỉ mang tính hình thức, không có gì đảm bảo chắc chắn cô ta sẽ trả lại mà còn khiến cho người bị mất thấy khó chịu, bức xúc vì sự thiếu nghiêm túc, thiếu trung thực của cô ta.
Vị chuyên gia thẳng thắn cho rằng, những hành vi như của cô gái không nên tồn tại trong xã hội hiện nay. Ông lo ngại, từ việc lấy được đồ của người khác dễ dàng sẽ hình thành nên những thói quen xấu. Ban đầu chỉ là chiếc áo mưa, mũ bảo hiểm nhưng sau đó có thể họ lấy cả những tài sản khác có giá trị cao hơn như xe máy, tiền bạc...
"Châm ngôn đã có câu: Gieo hành động gặt thói quen- gieo thói quen - gặt tính cách. Nếu cứ một lần thấy tiện, lần sau lại tiện. Thấy lấy được một lần, lần sau lại lấy, dần dần họ coi việc lấy đồ của người khác là rất bình thường, là nghiễm nhiên lấy được khi họ cần.
Tâm lý chỉ muốn được cho mình, tốt cho mình là biểu hiện của sự ích kỷ cá nhân. Vì sự ích kỷ đó mà người ta sẵn sàng bất chấp tất cả, thậm chí còn có phần trơ trẽn khi lấy đồ của người khác là không được", ông Thiện thẳng thắn nói.
Từ vụ việc của cô gái trên, vị chuyên gia cho hay vấn đề giáo dục từ gia đình, nhà trường, xã hội là rất quan trọng. Đặc biệt sự ảnh hưởng từ thói quen sinh hoạt, văn hóa ứng xử trong gia đình tới quá trình phát triển tâm lý và hình thành tính cách của một con người có vai trò rất lớn.
Ông nêu ví dụ, nếu hai mẹ con đi ngoài đường mà nhìn thấy ví tiền của người khác bị rơi mà người mẹ dừng xe nhặt ví và tìm cách trả lại cho người bị mất thì chính người mẹ đã dạy cho con cái mình bài học, cái gì không phải của mình thì không được lấy.
Ngược lại, nếu cùng hoàn cảnh mà người mẹ lại dừng xe lấy vì và đút luôn vào túi mình thì đứa con khi chứng kiến cũng sẽ học được cách hành xử tương tự như trên.
Từ vấn đề giáo dục, ông Thiện đề cập tới vấn đề lớn hơn mà dư luận và xã hội cũng nhiều lần lên tiếng đó là sự gian dối, thiếu trung thực.
Từ sự gian dối, thiếu trung thực dễ sinh tâm lý lười biếng, thích chờ đợi hưởng thụ những cái có sẵn, tâm lý đó nếu còn tồn tại sẽ rất nguy hiểm trong xã hội hiện đại ngày nay.
Ông dẫn lại hàng loạt những tính xấu điển hình của người Việt bị khách nước ngoài lên án như ăn cắp vặt, gian dối đã bị tẩy chay mà thấy thêm lo ngại.
Ông cho biết, sự khôn lỏi, ích kỷ, tự đặt mình là trung tâm và muốn tất cả mọi người đều phải phục vụ mình là tâm lý rất dở, rất khó chấp nhận. Đứng trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, với tính cách trên người trẻ sẽ rất khó có cơ hội được tlàm việc trong mội môi trường mở, năng động, hiện đại cùng giao lưu với các nước.