Mua lại dự án trường đại học: Những đại gia thông minh

Đây là hệ quả của một thời kỳ "bung nở" tối đa các trường đại học để kinh doanh trục lợi...

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Bất động sản Đất Lành nói về hiện tượng chuyển nhượng tấp nập các dự án đại học tại TP.HCM và một số tỉnh thành, địa phương khác.

PV:- Thưa ông, tại TPHCM đang có hiện tượng chuyển nhượng tấp nập các dự án đại học. Một số dự án đã được rao bán nhưng hiện tại vẫn nằm trên giấy như Trường ĐH Nam Việt (Sóc Trăng), một trường ĐH tại Q.2 (TP.HCM)..., một số khác thì vẫn đang "ngâm" để đợi... Ông có thấy lạ trước hiện tượng đó hay không? Vì sao? Ông Nguyễn Văn Đực:- Trước tiên tôi phải nói rằng, đây là hệ quả của một thời kỳ "bung nở" tối đa các trường đại học để kinh doanh trục lợi. Biểu hiện của nó cũng giống như trong kinh doanh thị trường BĐS, khu công nghiệp hay cảng biển vậy. Nhà nhà lao vào đầu tư BĐS, người người lao vào đầu tư BĐS, hiện tượng trên đã gây ra tình trạng bội thực BĐS, bội thực cảng biển, khu công nghiệp. Trường hợp đang được đề cập là bội thực trường đại học, cao đẳng. Hậu quả thì ai cũng thấy rồi, chất lượng đào tạo không cao, hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn cử nhân tốt nghiệp đại học nhưng vẫn đang thất nghiệp hoặc phải chấp nhận làm những công việc chân tay, phải đi bán trà đá, chạy xe ôm Grab. Sự thật cay đắng này buộc dư luận phải thừa nhận, trong suốt thời gian 4-5 năm đào tạo, gia đình, xã hội tốn kém không biết bao nhiêu tiền của nhưng kết quả là trình độ, kiến thức được giảng dạy không phù hợp với thực tế, không giúp cho con em họ có được công ăn việc làm phù hợp. Tới giờ có thể nói, cái thời kỳ bùng nổ trường đại học, nhà nhà học đại học, ai ai cũng phải học đại học đã qua rồi. Vì thế, tôi không thấy lạ nếu có hàng loạt các trường đại học đua nhau xin đất dự án để mở rộng đầu tư phát triển rồi lại tự nhiên phải dừng lại, dự án đang thi công hoặc đã hoạt động phải đóng cửa vì không tuyển sinh được, hoặc phải bán, chuyển nhượng lại cho người khác để cứu lỗ. Đó là quy luật hiển nhiên. Tuy nhiên, hậu quả lớn hơn mà nó để lại cho xã hội là rất nặng nề. Cũng giống như các dự án BĐS, nhiều dự án trường đại học sẽ lại có các tên gọi như dự án trường đại học trên giấy, dự án đại học chết, dự án bánh vẽ... Đây chính là hệ quả của việc quy hoạch các trường đại học, cao đẳng, trung cấp không phù hợp, công tác quản lý bị buông lỏng. Mục tiêu phát triển giáo dục đã bị biến tướng, bị xen cài nhiều mục đích khác, trong đó có mục đích kinh doanh trục lợi. Đứng đằng sau những mục đích đó có thể là lãnh đạo các trường nhưng cũng có thể là những đại gia "giấu mặt", mà mục đích thật sự là họ muốn thâu tóm các dự án đất vàng thông qua việc thâu tóm các dự án giáo dục. Để đạt được mục đích người ta có thể đưa ra hàng loạt những lý do như hoạt động không hiệu quả, thua lỗ, không có tiền đầu tư và buộc họ phải tìm kế "ve sầu thoát xác", bản chất ở đây chính là như vậy. Nếu nhìn từ góc độ này, việc mua bán, chuyển nhượng lại các dự án đại học, cao đẳng, trung cấp cũng rất bình thường như việc chuyển nhượng lại các dự án BĐS vậy. Còn về phía người mua, họ sẽ phải tính toán mua lại dự án đó vào mục đích gì. Họ thừa hiểu, nếu tiếp tục đầu tư vào giáo dục trong bối cảnh thị trường đang bị vỡ trận như hiện nay là quá mạo hiểm. Trong khi, biến một dự án trường học sang dự án BĐS lại là giải pháp giúp chủ đầu tư có thể thu hồi vốn nhanh nhất, kiếm lợi dễ dàng nhất. Vì vậy, sẽ không thấy lạ nếu trong tương lai sẽ có nhiều dự án chung cư, nhà cao tầng tiếp tục được mọc lên từ chính vị trí những dự án trường đại học chết. PV:- Ông cũng vừa có chỉ ra hiện tượng đại gia BĐS ẩn mình muốn thâu tóm những mảnh đất vàng này. Vậy theo ông, để nhận diện hiện tượng đó có dễ không? Sẽ ra sao khi hiện tượng đại gia núp bóng dưới hình thức kinh doanh giáo dục để thực hiện các mục tiêu bất động sản? Ông Nguyễn Văn Đực:- Tôi phải nói rằng các đại gia BĐS Việt Nam rất nhiều người thông minh và khôn khéo. Họ biết cách ngụy trang, ẩn mình rất tốt dưới những vỏ bọc... để kinh doanh BĐS. Những đại gia này họ rất am hiểu luật lệ, đường đi nước bước trong kinh doanh BĐS cũng như những kẽ hở pháp lý để có thể luồn lách, xin xỏ, trục lợi. Tôi phải thừa nhận, ở đây có mục đích, có sự tính toán rất thâm sâu của các đại gia ẩn mình. Ngay từ việc biến một dự án đất ruộng thành một dự án trường học rồi từ dự án trường học lại chuyển sang dự án BĐS là cả một quá trình được tính toán rất kỹ lưỡng.

Trong kinh doanh, người ta gọi đó là chiến thuật "tằm ăn dâu" hay "vết dầu loang", họ sẽ thực hiện từng bước một cho tới khi đạt được mục đích mới thôi. Sẽ không khó khăn để dự báo trong tương lai sẽ lại có hàng loạt những dự án nhà ở, trung tâm thương mại, nhà cao tầng mọc lên từ những dự án trường học đó. Vì kinh doanh giáo dục chỉ là cái cớ và mục tiêu làm BĐS mới là cái đích thật sự của các đại gia ẩn minh.

PV:- Trong tương lai, khi việc cổ phần hóa các trường đại học cũng sẽ được tính tới và ở một quy mô rộng hơn, nếu không có biện pháp thích hợp để ngăn chặn hiện tượng núp bóng nói trên, nguy cơ thất thoát lãng phí đất vàng sẽ như thế nào? Vậy chúng ta phải ngăn chặn hiện tượng này bằng cách nào?

Ông Nguyễn Văn Đực:- Câu chuyện thất thoát tài sản nhà nước trong cổ phần hóa không phải chỉ diễn ra ở Việt Nam mà nó đã ở Nga và một số nước Đông Âu khác. Thực tế thì những bất cập này đã và đang diễn ra ngày càng phức tạp, điển hình là chuyện cổ phần hóa tại Hãng phim truyện Việt Nam mới đây. Từ câu chuyện này đã lộ rõ bản chất thực sự của hầu hết các thương vụ cổ phần hóa là đều nhắm vào đất vàng.

Dư luận hiện đang rất bức xúc và cho rằng Bộ Tài chính đang thực hiện nhiều loại sắc thuế bị cho là tận thu từ các doanh nghiệp và người dân để bù đắp cho nguồn thu ngân sách nhưng vẫn để "xổng" hàng triệu tỉ đồng từ quá trình cổ phần hóa. Điều này rất là phi lý, không thể chấp nhận được.

Tôi đã kiến nghị nhiều lần rồi, cổ phần hóa DNNN chỉ được cổ phần hóa giá trị tài sản phần trên đất. Giá trị quyền sử dụng đất không được tính vào để cổ phần hóa mà phải trả lại nhà nước. Nhà nước sẽ thực hiện đấu giá mảnh đất đó tùy vào mục đích sử dụng, theo đúng quy hoạch.

Trở lại các dự án trường học, tôi cho rằng việc cần làm ngay lúc này là phải rà soát khoanh lại tất cả những dự án trường học đã được cấp đất có liên quan đến chuyển đổi, hóa giá đất vàng. Về nguyên tắc, trường đại học có đóng cửa, giải thể, đất dự án được cấp vẫn thuộc quyền sở hữu của nhà nước và phải được thu hồi.

Các trường không có quyền can thiệp vào quyết định của nhà nước và trách nhiệm của nhà trường là phải bàn giao lại đầy đủ, nguyên vẹn mảnh đất được nhà nước giao cho trước đó.

Sau khi thu hồi nhà nước sẽ quyết định sử dụng mảnh đất đó vào mục đích gì. Tuy nhiên, tôi luôn nhấn mạnh, những khu đất công khi được chuyển đổi đều phải được đấu giá công khai, minh bạch, không ưu tiên cho bất cứ ai và lợi ích lớn nhất phải thuộc về Nhà nước. Bài học khu đất Cty Sổ xố kiến thiết 23 Lê Duẩn Q1 giá bán chỉ định là 558 tỷ đồng , nhưng qua đấu giá hơn 10 đơn vị dự thầu có kết quả là 1430 tỷ đồng, Nhà nước thu thêm 872 tỷ đồng. Gần nghìn tỷ đồng suýt bị mất cho miếng đất không lớn.

PV:- Xin cảm ơn ông!

/ Theo báo Đất Việt