Mùa dịch, mùa kêu cứu phi lý

Sau khi Ủy ban quản lý vốn Nhà nước đề xuất gói vay lãi suất 0% hỗ trợ cho Tập đoàn, Tổng công ty, đến lượt Hiệp hội bất động sản Việt Nam gửi Chính phủ đề xuất gói vay 0% hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản.

Ngày 6.4, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đề xuất về việc cho 19 tập đoàn, tổng công ty tiếp cận gói tín dụng 250.000 tỉ đồng (hiện đã lên tới 285.000 tỷ đồng) hỗ trợ do ảnh hưởng bởi COVID- 19 với lãi suất 0% trong thời hạn ít nhất 3 năm.

Đến ngày 27.4, Hiệp hội bất động sản Việt Nam đề xuất Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp bât động sản được vay với lãi suất 0% (gồm cả dư nợ hiện hữu và dư nợ mới) trong suốt thời gian dịch bệnh Covid-19 và giảm 50% lãi suất cho vay (gồm cả dư nợ hiện hữu và dư nợ mới) đến ngày liền kề sau 12 tháng kể từ khi Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch COVID-19.

Đây là hai kiến nghị của hai đơn vị có trọng lượng trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, với đề xuất gói hỗ trợ 0% này thực sự làm khó các ngân hàng thương mại. Hiện tại, mức lãi suất cho vay thấp nhất được ghi nhận từ các ngân hàng thương mại là khoảng 4,5%/năm, bằng với lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng.

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại phân tích, để có được nguồn vốn cho vay ưu đãi, mỗi ngân hàng phải huy động vốn từ dân cư, tổ chức và phải chi trả cho người gửi tiền lãi suất bình quân 5%-6%/năm. Nay nếu cho vay với lãi suất dưới 7%-8%/năm là ngân hàng đã bị lỗ.

“Với lãi suất 0%, ngân hàng thương mại lấy tiền từ đâu để trả lãi người gửi tiền, bù đắp chi phí hoạt động?”, vị này nói.

Hiện chưa thể thống kê đầy đủ thiệt hại từ dịch bệnh mà các thành phần trong nền kinh tế phải hứng chịu. Cũng chưa có thống kê độ “sát thương” do dịch bệnh mà các Tập đoàn, Tổng công ty hay các doanh nghiệp bất động sản phải gánh chịu có nặng nề hơn với các doanh nghiệp siêu nhỏ hoặc các hộ kinh tế gia đình.

Người viết đã tận mắt chứng kiến chuyện, một chủ cơ sở mầm non phải cầm cố nhà mình đang ở tại ngân hàng để gồng gánh trả lương cho 50 giáo viên mầm non.

“Dịch bệnh thì ai chả khó khăn, nhưng có mơ cũng không ngờ khó khăn đến vậy. Các cháu nghỉ tết còn hơn nghỉ hè. Đã 3 tháng không có đồng nào thu về trong khi vẫn phải trả tiền thuê nhà, hỗ trợ giáo viên nghỉ không lương. Không biết bọn em còn cầm cự được bao lâu nữa”, người chủ này nói như khóc.

Cũng cần nhắc lại rằng, Việt Nam hiện có khoảng 700.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm khoảng 97,5% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động thực tế.

Và trong tổng số doanh nghiệp nhỏ và vừa, số doanh nghiệp quy mô vừa chỉ chiếm 1,6%, còn lại là doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Tổng số vốn đăng ký đạt xấp xỉ 121 tỉ USD, chiếm 30% tổng số vốn đăng ký của các doanh nghiệp. Hàng năm, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp khoảng 40% GDP; 30% nộp ngân sách nhà nước, 33% giá trị sản lượng công nghiệp, 30% giá trị hàng hóa xuất khẩu và tạo ra gần 60% việc làm...

Với việc tạo ra 60% việc làm, các doanh nghiệp nhỏ và vừa là thành phần quan trọng bậc nhất trong nền kinh tế. Tuy nhiên, trong 2 tháng qua, rất hiếm hoi có những tiếng kêu, những kiến nghị, đề xuất chính thức từ những doanh nghiệp siêu nhỏ trên các diễn đàn như tiếng nói của chủ cơ sở mầm non mà người viết chứng kiến.

mua dich mua keu cuu phi ly Các ngân hàng trung ương sẵn sàng "tham chiến" chống Covid-19

Trung Quốc đã hạ lãi suất, còn ngân hàng trung ương Mỹ, EU, Nhật Bản, Anh khẳng định sẽ tung biện pháp chống nguy cơ ...

mua dich mua keu cuu phi ly Mùa dịch, mùa kêu cứu phi lý

Sau khi Ủy ban quản lý vốn Nhà nước đề xuất gói vay lãi suất 0% hỗ trợ cho Tập đoàn, Tổng công ty, đến ...

/ laodong.vn