Một năm sau vụ nổ các đường ống dẫn khí Nord Stream, những tin tức về thủ phạm vẫn dồn dập, những tranh cãi, cáo buộc lẫn nhau vẫn nở rộ trên khắp các diễn đàn quốc tế, phương tiện truyền thông... Nga và các đồng minh cương quyết mong muốn tìm ra thủ phạm nhằm tránh tạo ra tiền đề cho những vụ việc tương tự.
Lịch sử Nord Stream
Vào những năm 1990, gã khổng lồ khí đốt Gazprom của Nga đã bắt đầu nghiên cứu các phương án xây dựng đường ống dẫn khí xuyên Biển Baltic đến Trung Âu, đi qua Ukraine, Belarus, Ba Lan và các nước Đông Âu và Baltic khác. Năm 2000, Ủy ban châu Âu đã phê duyệt thiết kế sơ bộ của đường ống, coi nó là một mạng lưới xuyên châu Âu nhằm đảm bảo nguồn cung năng lượng không bị gián đoạn cho châu Âu.
Đường ống dẫn khí Nord Stream được xây dựng vào năm 2010-2012. Dự án được thực hiện bởi nhiều tập đoàn quốc tế, bao gồm Gazprom, Tập đoàn Wintershall Holding của Đức và E.ON Infrastruktur, Công ty Gasunie của Hà Lan và Công ty Engie của Pháp. Nó nối bờ biển Nga gần Vyborg (vùng Leningrad) với bờ biển Đức ở thành phố Lubmin (phía Đông Bắc đất nước). Từ Đức, khí đốt được vận chuyển đến Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ, Pháp và các nước khác. Công suất thiết kế của đường ống dẫn khí là 55 tỷ mét khối khí/năm; mỗi dây có dung tích 27,5 tỷ mét khối. Năm 2021, Nord Stream đã giao 59,2 tỷ mét khối khí đốt cho EU (tải trọng: 107%), lặp lại con số kỷ lục được công bố vào năm 2020. Tổng cộng, Nord Stream chiếm 32% khối lượng hàng xuất khẩu của Gazprom đến các nước không thuộc CIS.
Sau khi việc xây dựng Nord Stream hoàn thành, các cổ đông của công ty bắt đầu đàm phán về việc xây dựng giai đoạn thứ hai, Nord Stream 2. Không giống như đường ống dẫn khí đốt đầu tiên, với Gazprom là bên liên quan duy nhất. Lần này, các công ty năng lượng châu Âu tiếp tục tham gia với tư cách là nhà đầu tư, cung cấp một nửa số tiền để tài trợ cho dự án - 4,75 tỷ euro. Nhìn chung, Nord Stream 2 lặp lại lộ trình của Nord Stream, nhưng điểm xuất phát của nó không nằm ở Vyborg mà là ở cảng UstLuga của Nga trên bờ biển phía Nam vịnh Phần Lan, cũng thuộc Vùng Leningrad. Việc xây dựng Nord Stream 2 bắt đầu vào năm 2018 nhưng bị gián đoạn do các lệnh trừng phạt của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đường ống dẫn khí đốt được xây dựng vào tháng 12/2021. Mặc dù việc bơm khí kỹ thuật vào đường ống đã bắt đầu nhưng các cơ quan quản lý của Đức chưa bao giờ cho phép nó đi vào hoạt động.
Phá hoại
Vào đêm 26/9/2022, sự sụt giảm áp suất trên một trong 2 đường ống của Nord Stream 2 đã được ghi nhận từ giàn khoan trên bờ của nhà điều hành Nord Stream 2 AG. Lực lượng bảo vệ bờ biển của Đức, Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan và Nga đã được thông báo. Dịch vụ báo chí của nhà điều hành đường ống làm rõ rằng vụ việc xảy ra trong vùng đặc quyền kinh tế của Đan Mạch, phía Đông Nam đảo Bornholm. Cuối ngày hôm đó, áp suất giảm trên cả hai đường ống của Nord Stream 1. Cơ quan Năng lượng Đan Mạch báo cáo một lượng lớn khí đã tràn ra biển. Trong khi đó, các nhà địa chấn học Thụy Điển báo cáo đã ghi nhận 2 vụ nổ vào ngày 26/9 dọc theo các tuyến đường ống.
Ngày 28/9, Văn phòng Tổng Công tố Nga đã mở cuộc điều tra vụ án liên quan đến hành động khủng bố quốc tế. Cùng ngày, ở Đức có ý kiến cho rằng các đường ống có thể vĩnh viễn không thể sử dụng được do vụ nổ. Ngày 30/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng vụ nổ là hành động phá hoại nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng năng lượng toàn châu Âu.
Vào giữa tháng 10/2022, truyền thông châu Âu đã công bố những bức ảnh dưới nước về đường ống dẫn khí đốt bị hư hỏng. Một tháng sau vụ nổ, các chuyên gia của Gazprom và Nord Stream được phép kiểm tra hiện trường. Vào ngày 18/11/2022, cơ quan tình báo Thụy Điển xác nhận đây là vụ phá hoại. Dấu vết của chất nổ được tìm thấy tại địa điểm xảy ra vụ nổ.
Những cáo buộc
Vào ngày 8/2/2023, nhà báo Mỹ Seymour Hersh đã xuất bản một bài báo tuyên bố, trích dẫn các nguồn ẩn danh, rằng các thợ lặn của hải quân Mỹ đã cài đặt các thiết bị nổ dưới đường ống dẫn khí Nord Stream 1 và 2 dưới vỏ bọc của cuộc tập trận BALTOPS vào tháng 6/2022, rằng người Na Uy đã kích hoạt quả bom 3 tháng sau đó. Theo nhà báo, quyết định tiến hành chiến dịch này được đích thân Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra, sau 9 tháng thảo luận với các Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng. Cơ quan báo chí của Ủy ban châu Âu gọi kết luận điều tra của Hersh chỉ là "suy đoán" và từ chối bình luận về chúng. John Kirby, điều phối viên truyền thông chiến lược tại Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng (NSC), nói rằng "không có chút sự thật" nào trong cuộc điều tra và tuyên bố rằng Mỹ không liên quan đến vụ nổ. Ngày 16/2, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov nói rằng Moscow không nghi ngờ gì về trách nhiệm của Mỹ đối với các vụ nổ ở Nord Stream. Vào ngày 21/2, theo yêu cầu của Nga, một cuộc họp đã được tổ chức tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về chủ đề phá hủy đường ống dẫn khí đốt. Tuy nhiên, kết quả là không có nghị quyết nào được thông qua. Trong các ngày 1 và 2/3, tại cuộc gặp Ngoại trưởng các nước G20 ở Ấn Độ, phía Nga và Trung Quốc đã tìm cách đưa một đoạn về các vụ nổ ở Nord Stream vào tuyên bố cuối cùng, nhưng đã bị các nước phương Tây bác bỏ.
Ngày 7/3, tờ New York Times dẫn lời các quan chức Mỹ đưa tin rằng một "nhóm thân Ukraine" nào đó đã hành động mà chính quyền Mỹ không hề hay biết, có thể nhóm này đã thực hiện hành vi phá hoại đường ống dẫn khí đốt. Ấn phẩm Zeit của Đức đã đăng một bài báo nói rằng các nhà điều tra Đức đã xác định được con tàu được những kẻ phá hoại sử dụng. Công ty thuê nó được cho là thuộc về công dân Ukraine và được đăng ký tại Ba Lan. Ngày 8/3, tờ Times (của Anh) đưa tin rằng các cơ quan tình báo châu Âu đã biết tên của một "nhà tài trợ tư nhân" cho vụ phá hoại. Mặc dù danh tính của người này không được cơ quan an ninh tiết lộ nhưng ông được mô tả là một người Ukraine giàu có và được cho là không có mối liên hệ nào với Tổng thống Vladimir Zelensky và chính quyền của ông.
Vào ngày 27/3/2023, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã không ủng hộ nghị quyết do Nga và Trung Quốc khởi xướng về một cuộc điều tra quốc tế về hành vi phá hoại đường ống Nord Stream. 3 nước bỏ phiếu ủng hộ (Nga, Trung Quốc và Brazil), không có nước nào bỏ phiếu chống lại nghị quyết và 12 nước bỏ phiếu trắng. Tài liệu đã không nhận được 9 phiếu cần thiết để thông qua. Tính đến ngày 25/9/2023, chính quyền Đức, Đan Mạch và Thụy Điển vẫn chưa công bố bất kỳ kết quả điều tra chính thức nào về các vụ đánh bom đường ống dẫn khí đốt. Các cuộc đàm phán về việc khôi phục Nord Stream cũng chưa bắt đầu.
Nhiều luận điểm khác đã được đề ra như Mỹ muốn ngăn chặn hành vi “tống tiền khí đốt” của Nga đối với Đức. Nhưng, bằng chứng cho việc này hiếm hoi hơn. Một số người còn cho rằng Nga tự cho làm nổ các ống dẫn khí đốt Nord Stream khi đề cập đến số lượng hoạt động di chuyển đáng kể của tàu Nga tại Biển Baltic vào mùa hè năm 2022. Thế nhưng, vì sao Moscow lại làm nổ tung cơ sở hạ tầng của mình, trong khi Nga có thể ngừng cung cấp khí đốt bất cứ lúc nào? Để đòi bảo hiểm và bồi thường? Có rất nhiều suy đoán về một chiến dịch phá hoại đường ống dẫn khí đốt Nord Stream, với chiều sâu tương xứng với một bộ phim kinh dị chính trị phi thường. Ai biết được, một ngày nào đó, kịch bản sẽ được đưa lên màn ảnh?
Vì sao phương Tây “không chịu” điều tra vụ tấn công đường ống Nord Stream?
Tại cuộc thảo luận bàn tròn về khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergey Lavrov cho biết: Các nước phương Tây "chưa hề nhấc một ngón tay" để mở một cuộc điều tra minh bạch về những vụ “tấn công khủng bố” vào hệ thống đường ống dẫn khí đốt Nord Stream và Nord Stream 2. “Hai đường ống dẫn khí đốt Nord Stream đã bị gài nổ từ một năm trước. Vậy mà không ai thèm động tay vào việc điều tra một cách minh bạch. Họ đem bỏ hết vào ngăn tủ”, ông Lavrov nói. Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga, vào thời điểm hiện nay, có một số giả thuyết nhất định về những gì đã xảy ra dưới đáy Biển Baltic: Có “khoảng 5 hoặc 6 người Ukraine” được cho là “đã quyết định thực hiện một hành động khủng bố như vậy chỉ để gây sự”. Ông Lavrov tiếp tục: “Tôi nghĩ kẻ được hưởng lợi từ cuộc chiến này đã trở nên rõ ràng. Vấn đề này được đề cập rất nhiều vào một năm trước. Cách đây một năm, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Pháp còn cho biết rằng giới doanh nghiệp châu Âu đang mua hydrocarbon với giá cao gấp 4 lần so với mức mà các doanh nghiệp Mỹ phải trả”. Từ đó, ông Lavrov kết luận: “Sẽ thật tốt nếu họ hiểu điều này và tôi hy vọng rằng một ngày nào đó, họ sẽ có thể làm được điều gì đó về vấn đề này”.
Trung Quốc nói gì về việc phương Tây giữ im lặng đối với Nord Stream? Theo lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với hãng thông tấn Nga TASS ngày 27/9, việc các nước phương Tây không đưa ra được kết quả mạch lạc nào khi thực hiện điều tra về vụ phá hoại đường ống Nord Stream là điều “có vẻ khó tin”. “Thật khó hiểu khi những quốc gia luôn tự xưng là cởi mở và minh bạch lại chọn giữ im lặng về Nord Stream”, trích lời bình luận của ông Uông Văn Bân về hệ thống đường ống dẫn khí đốt tự nhiên đã bị phá hoại vào một năm trước. Theo nhà ngoại giao Trung Quốc, an ninh tại các cơ sở hạ tầng quan trọng như Nord Stream là mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế. Ông Uông than thở: “Đã gần một năm trôi qua kể từ khi xảy ra vụ phá hoại, vậy mà tiến trình điều tra có rất ít tiến triển”. Ông bày tỏ hy vọng rằng "các quốc gia có liên quan sẽ làm rõ được những nghi ngờ và mối quan ngại của cộng đồng quốc tế".
Nhân một năm ngày các đường ống Nord Stream bị nổ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói: Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden nên đưa ra phản hồi thấu đáo về từng điểm trong cuộc điều tra của nhà báo Seymour Hersh. "Cuộc điều tra của Hersh lớn hơn vụ Watergate (vụ bê bối Watergate - TASS). Các tổng thống Mỹ chưa bao giờ đi xa đến thế. Chính quyền ông Biden có nghĩa vụ phải đưa ra phản hồi kỹ lưỡng về mọi điểm", nhà ngoại giao chỉ ra trên kênh Telegram của mình ngày 26/9.
Theo ông Dmitry Polyansky - Phó đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại Liên hợp quốc, cuộc tấn công phá hoại hai đường ống Nord Stream chỉ có thể được thực hiện với sự hỗ trợ trực tiếp của chính phủ một quốc gia. Ông Polyansky viết trên kênh Telegram cá nhân: "Việc các nước phương Tây đưa ra những phiên bản khác nhau để lý giải vụ việc với giới truyền thông là một nỗ lực bẻ lái phương hướng điều tra của Nga". Phó đại diện thường trực thứ nhất của Nga cho biết: “Chúng tôi sẽ không ngừng điều tra và sẽ quay trở lại công việc với hình thức phù hợp và thời điểm thuận lợi, nếu tình hình không có gì thay đổi”. Ngày 27/9, Đại diện thường trực của Nga tại Liên hợp quốc Vasily Nebenzya cho biết mọi nỗ lực của các nước phương Tây nhằm che đậy những phát hiện trong cuộc điều tra về vụ phá hoại đường ống dẫn khí Nord Stream đều sẽ thất bại.
Hé lộ âm mưu tấn công đường ống Turk-Stream, Blue Stream
Phát biểu tại cuộc họp tại Đại sứ quán Nga ở Bangladesh, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết Nga có thông tin về âm mưu làm nổ tung các đường ống dẫn khí đốt Turk Stream và Blue Stream ở Biển Đen. Nhà ngoại giao hàng đầu của Nga cho biết: “Chúng tôi đã tuần tra các khu vực này ở Biển Đen vì có thông tin cho thấy nhiều nỗ lực đang được thực hiện nhằm làm nổ tung chúng, giống như việc họ đã làm nổ tung đường ống Nord Stream”. Đầu tháng này, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết trong một cuộc họp báo sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan rằng, các đường ống dẫn khí đốt TurkStream và Blue Stream, nơi Nga cung cấp khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ, đã trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công hàng loạt, bao gồm cả việc sử dụng máy bay không người lái được phóng từ các cảng Biển Đen của Ukraine.
Một năm sau các vụ phá hoại Nord Stream: Thủ phạm là ai? - Báo An ninh thế giới (cand.com.vn)