Mối hận IS của cựu nô lệ tình dục

Thông tin về cái chết của trùm khủng bố Baghdadi không giúp Jamila, một cựu nô lệ tình dục IS, cảm thấy nguôi ngoai. 

Jamila, cô gái 19 tuổi đề nghị giấu tên thật, là một trong hàng nghìn phụ nữ Yazidi, cộng đồng tôn giáo thiểu số ở miền bắc Iraq, bị các tay súng phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bắt cóc và hãm hiếp khi tấn công thị trấn Sinjar hồi tháng 8/2014.

5 năm trôi qua, nhưng Jamila vẫn chưa nguôi ngoai nỗi đau, và cái chết của thủ lĩnh tối cao IS Abu Bakr al-Baghdadi sẽ không có ý nghĩa gì với cô nếu các tay súng từng bắt và hành hạ cô không bị truy tố.

moi han is cua cuu no le tinh duc
Phụ nữ người Yazidi trong trại tị nạn ở Iraq. Ảnh: AFP.

"Kể cả khi Baghdadi đã chết, điều đó không có nghĩa là IS cũng chết theo", Jamila nói bên ngoài căn lều hiện là nhà tạm của cô trong trại tị nạn Sharya dành cho người Yazidi ở Iraq.

"Điều này không giống với công lý đã được thực thi", cô nói. "Tôi muốn những kẻ đã bắt giữ tôi, đã hãm hiếp tôi phải ra tòa. Và tôi muốn được phát biểu tại tòa án. Tôi muốn đối mặt với chúng tại tòa án ... Không có những phiên xét xử thực sự, cái chết của hắn chẳng có ý nghĩa gì cả".

Baghdadi, kẻ lãnh đạo IS từ năm 2010, đã tự sát bằng cách kích nổ đai bom tự sát khi bị đặc nhiệm Mỹ dồn đến đường cùng trong cuộc đột kích rạng sáng 27/10. Thi thể y sau đó được đặc nhiệm Mỹ thu thập và thả xuống một vùng biển không xác định, còn căn nhà nơi y trú ẩn bị phá sập hoàn toàn.

Nhưng trước khi đối mặt với kết cục đó, Baghdadi từng chỉ đạo các tay súng dưới quyền liên tục tấn công mở rộng vùng kiểm soát, gây ra vô số vụ thảm sát dân thường, chặt đầu con tin nước ngoài và bắt giữ hàng nghìn người Yazidi, dân tộc bị IS coi là "ngoại đạo". Liên Hợp Quốc đã coi các cuộc tấn công của IS nhắm vào người Yazidi là "diệt chủng".

Cùng với hàng nghìn phụ nữ và trẻ em gái khác, Jamila bị phiến quân bắt làm nô lệ tình dục khi mới chỉ 14 tuổi và bị giam cầm suốt 5 tháng tại thành phố Mosul cùng với chị gái.

Hai chị em cô đã lợi dụng lúc lính canh phê ma túy để trốn thoát. Tuy nhiên, nỗi ám ảnh về những ngày tháng bị lạm dụng không buông tha cô. "Khi trở về, tôi đã bị suy nhược thần kinh và có một số vấn đề về tâm lý trong suốt 2 năm liền, do vậy, tôi không thể đi học nữa", Jamila nói.

Giờ đây, thay vì làm việc hay đi học trở lại, cô phải chăm sóc người mẹ trong ngôi lều chật chội ở khu trại tị nạn.

"Mẹ của tôi không thể đi lại được và có một số vấn đề về sức khỏe, do vậy, tôi phải ở lại và chăm sóc bà bởi chị gái của tôi đang ở Đức", cô nói.

Trở về quê nhà Sinjar ở miền bắc Iraq không phải là lựa chọn hợp lý đối với Jamila và nhiều người khác. Thành phố vẫn là đống đổ nát bốn năm sau cuộc thảm sát của IS và nỗi sợ hãi vẫn hằn sâu trong tư tưởng của cộng đồng người Yazidi.

"Sinjar đã bị phá hủy hoàn toàn. Ngay cả khi chúng tôi có thể quay trở lại, tôi cũng không muốn, vì chúng tôi sẽ bị vây quanh bởi các nước láng giềng Arab, những nước ban đầu ủng hộ IS, và giúp chúng sát hại bọn tôi", cô nói.

Hàng nghìn tay súng đang bị xét xử tại Iraq vì có liên hệ với IS, nhưng nhà chức trách Iraq không cho phép các nạn nhân ra làm chứng trước tòa, điều mà các lãnh đạo cộng đồng và các nhóm nhân quyền cho rằng không thể thúc đẩy được tiến trình hàn gắn vết thương.

"Thật đáng trách khi không một nạn nhân bị IS bạo hành khủng khiếp nào, bao gồm cả nô lệ tình dục, được ra tòa làm chứng", ông Belkis Wille, nhà nghiên cứu về nhân quyền người Iraq, cho biết. "Hệ thống tư pháp của Iraq được xây dựng để cho phép nhà nước tiến hành 'trả thù tập thể' các nghi phạm, chứ không có trách nhiệm giải trình với các nạn nhân".

moi han is cua cuu no le tinh duc
Các phụ nữ người Yazidi trong trại tị nạn Sharya, Iraq. Ảnh: Reuters.

Đối với một số trong gần 17.000 người Yazidi ở trại tị nạn Sharya, cái chết của Baghdadi là bước đầu tiên trên con đường công lý, dù họ vẫn lo sợ về các tay súng IS còn sống.

Mayan Sinu, 25 tuổi, giờ có thể mơ ước về một cuộc sống mới sau khi rời trại Sharya, khi cô và ba đứa con đã được phép tị nạn ở Australia. Tuy nhiên, cô cũng muốn những kẻ đã bắn vào chân chồng cô và lôi anh đi phải bị truy tố. Chồng Sinu đã mất tích kể từ cuộc tấn công 5 năm trước.

"Tôi hy vọng Baghdadi phải chịu đựng nhiều hơn những gì chúng tôi đã phải trải qua", Sinu nói. "Tôi ước hắn đã không tự sát, để tôi có thể tự tay giết hắn".

Quốc Hưng (Theo Reuters)

moi han is cua cuu no le tinh duc Nô lệ tình dục được "chấm điểm" sau khi sex với Hoàng tử Andrew
moi han is cua cuu no le tinh duc Nhân chứng vụ Jang Ja Yun bị yêu cầu dẫn độ về Hàn Quốc
moi han is cua cuu no le tinh duc Cuộc giải cứu "nô lệ tình dục" Triều Tiên ở Trung Quốc
moi han is cua cuu no le tinh duc Số phận bi đát của cô gái Điện Biên bị bán làm "nô lệ tình dục"
moi han is cua cuu no le tinh duc Kylie Jenner bị chỉ trích vì làm tiệc chủ đề nô lệ tình dục
moi han is cua cuu no le tinh duc Cuộc chạy trốn của nô lệ tình dục Triều Tiên ở Trung Quốc
moi han is cua cuu no le tinh duc Hàng nghìn phụ nữ Triều Tiên 'bị ép làm nô lệ tình dục' ở Trung Quốc
/ vnexpress.net