Mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí trong tình hình mới

Triển khai Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23/7/2015 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến 2025, tầm nhìn đến 2035, Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đạt được mục tiêu, hoàn thành sứ mệnh được Tập đoàn giao phó.

Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) được thành lập ngày 04/05/2007 trên cơ sở sát nhập Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí và Công ty Đầu tư - Phát triển Dầu khí nhằm thống nhất hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) và tập trung nguồn lực của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam ở khâu thượng nguồn – là một trong năm lĩnh vực hoạt động chính của Tập đoàn, để nâng cao tính chủ động và năng lực cạnh tranh, đưa PVEP thành công ty dầu khí quốc tế có khả năng đầu tư, điều hành hoạt động thăm dò khai thác ở cả trong và ngoài nước.

Khâu thượng nguồn có vai trò đặc biệt quan trọng trong chuỗi hoạt động SXKD của Tập đoàn. Đầu tư khâu thượng nguồn cho Thăm dò Khai thác dầu khí có tính rủi ro cao song khi thành công sẽ đem lại sản phẩm dầu thô và khí thiên nhiên; là nguồn nguyên, nhiên liệu đầu vào chuỗi các khâu chế biến dầu khí, sản xuất phân đạm và phát điện; hoạt động thượng nguồn cũng cung cấp nguồn việc cho lĩnh vực dịch vụ dầu khí chất lượng cao như dịch vụ khoan dầu khí, chế tạo giàn khoan chân đế, dịch vụ cung cấp và vận hành tàu thuyền, kho chứa/xử lý nổi (FSO/FPSO)... do vậy lĩnh vực thượng nguồn được xác định là lĩnh vực cốt lõi, nền tảng trong chuỗi giá trị của Tập đoàn.

Giàn điều khiển Trung tâm mỏ Sư Tử Vàng

Triển khai Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23/7/2015 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến 2025, tầm nhìn đến 2035, PVEP đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đạt được mục tiêu, hoàn thành sứ mệnh được Tập đoàn giao phó, cụ thể là tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của PVEP ước đạt hơn 111 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 3,5 lần so với lúc mới thành lập), tổng doanh thu lũy kế đạt khoảng gần 700 ngàn tỷ đồng, nộp ngân sách và lợi nhuận trên 300 ngàn tỷ đồng. Với tổng sản lượng khai thác trung bình đạt mức trên 49.000 thùng dầu/ngày và 120 triệu bộ khối khí/ngày, PVEP đã đạt mốc khai thác được 1 tỷ thùng dầu vào đầu năm 2023. Trong giai đoạn 2007-2023, gia tăng trữ lượng đạt 1,8 tỷ thùng quy dầu, công bố 45 phát hiện dầu khí và đưa 44 mỏ vào khai thác tuyệt đối an toàn.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, PVEP đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch 2024 được Tập đoàn giao và đã đạt được một số kết quả rất đáng chú ý trong bối cảnh chưa có dự án mới, đó là triển khai khoan thành công giếng Thăm dò Bunga Aster-1 và đưa giếng ngay vào khai thác, sớm hơn kế hoạch 11 ngày với lưu lượng khoảng 3.000 thùng dầu/ngày, gia tăng trữ lượng đạt 1,3 triệu tấn quy dầu (từ giếng Bunga Aster-1 và HMV-1X). Tiến độ phát triển mỏ Đại Hùng pha 3 triển khai tốt, đảm bảo cho dòng dầu đầu tiên vào Quý 3 năm 2024. Khai thác dầu khí đạt 1,41 triệu tấn quy dầu, đạt trên 50% kế hoạch năm 2024. Doanh thu đạt 15.765 tỷ đồng, đạt 60% kế hoạch năm 2024. Nộp NSNN đạt 5.609 tỷ đồng, đạt 60% kế hoạch năm 2024.

PVEP đã xây dựng được nguồn nhân lực chuyên môn có chất lượng

Qua 17 năm hình thành và phát triển, PVEP đã xây dựng được nguồn nhân lực chuyên môn có chất lượng với trên 1000 người, trong đó 96% có trình độ đại học và trên đại học, tỷ lệ khối chuyên ngành kỹ thuật dầu khí chiếm khoảng 50% - là đơn vị tập trung nhiều nhất nguồn nhân lực được đào tạo chuyên sâu về khâu thượng nguồn và đã có kinh nghiệm thực tiễn triển khai các dự án dầu khí ở trong nước và nước ngoài. Thời điểm hiện tại PVEP đang có 34 dự án dầu khí, phân bổ cơ cấu ở các giai đoạn Khai thác, Phát triển và Tìm kiếm thăm dò trong đó có 14 dự án ở giai đoạn khai thác, 08 dự án ở giai đoạn Phát triển và 12 dự án ở giai đoạn TKTD; địa bàn các dự án phân bổ ở tất cả các bể trầm tích ngoài khơi Việt Nam và một số dự án ở nước ngoài. Hoạt động SXKD đảm bảo liên tục, an toàn và hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao; tiếp tục khẳng định vai trò là đơn vị chủ lực của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; đóng góp quan trọng cho ngân sách Nhà nước; góp phần đảm bảo an ninh năng lượng; tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển; tham gia tích cực công tác an sinh xã hội.

Toàn cảnh Hội nghị sơ kết công tác đảng 6 tháng đầu năm 2024 của PVEP

Hiện nay PVEP đã trở thành đối tác đáng tin cậy của rất nhiều tập đoàn, công ty dầu khí quốc gia, quốc tế lớn trên thế giới như Gazprom, Rosneft, Zarubezhneft, Petronas, ConocoPhillips, ExxonMobil, BP, ENI, Chevron, Talisman, ONGC, Sonatrach, PDVSA, Perupetro và các nhà thầu dịch vụ dầu khí quốc tế như Schlumberger, Halliburton, Baker Hughes....

Trong tình hình mới, PVEP nhận định bên cạnh thuận lợi cũng có nhiều khó khăn, thách thức.

Về thuận lợi: PVEP được sự quan tâm sát sao của Đảng, Nhà nước, các cấp thẩm quyền trong quá trình xây dựng và phát triển, tạo nhiều điều kiện, hỗ trợ để PVEP có được thành quả trong thời gian vừa qua. PVEP có nguồn lực về tài sản dầu khí, trữ lượng dầu khí, tài chính và nhân lực tốt.

Về thách thức: Thể chế đang trong quá trình hoàn thiện để tiệm cận quản trị hiện đại, tiên tiến nên thực tế vẫn còn bất cập, gây khó khăn cho việc xử lý ở các cấp khi Nhà đầu tư có những đề xuất liên quan triển khai các dự án mới.

Về môi trường kinh doanh trong nước: Dư địa cho cơ hội phát triển các dự án thăm dò khai thác dầu khí mới gần như không còn nên mục tiêu tăng trưởng trong nước là không có cơ hội đạt được. Sản lượng khai thác của Liên doanh Vietsovpetro, PVEP và một số đơn vị hoạt động trong thượng nguồn dầu khí các mỏ đều đã trong giai đoạn suy giảm tự nhiên; sản lượng của PVEP từ 2019 đến nay đã suy giảm trung bình khoảng trên 8%/năm (giảm từ 23 triệu thùng năm 2019 xuống còn 16,7 triệu thùng năm 2023). Dự án dầu khí mới đã không phát triển được từ sau 2019 đến nay, không còn dự án tiềm năng hấp dẫn tại các lô mở còn lại; trong khi các lô mở ở vùng nước sâu, xa bờ với chi phí đầu tư rất lớn đã được một số công ty dầu khí nước ngoài triển khai với chi phí lên đến hàng trăm triệu USD một giếng khoan nhưng đến nay chưa khẳng định được tiềm năng và khó kỳ vọng đạt được hiệu quả khai thác.

Về môi trường kinh doanh ở nước ngoài: Đã đầu tư và đạt được một số thành công nhưng khả năng cạnh tranh dự án dầu khí lớn ở nước ngoài với tiềm lực của PVEP còn hạn chế. Các vấn đề quốc tế mới nổi lên như xu hướng chuyển dịch năng lượng, làm thay đổi chuỗi cung ứng; xung đột địa chính trị ngày càng diễn biến bất thường, khó lường luôn tiềm ẩn rủi ro đứt gẫy chuỗi cung ứng, gián đoạn dòng chảy năng lượng v.v.... làm chi phí sản xuất, giá thành cao, thời gian thực hiện hợp đồng lâu; một số chi phí dịch vụ dầu khí đã tăng mạnh; chi phí thuê giàn khoan hiện nay khoảng đã tăng gần gấp 2 lần chi phí năm 2022. Những điều chỉnh quan trọng trong quá trình toàn cầu hóa, chủ nghĩa bảo hộ nổi lên ở một số quốc gia, bao gồm cả nguồn vốn đầu tư. Tín dụng xanh khiến việc tiếp cận huy động nguồn vốn quốc tế rất khó tiếp cận/hoặc chi phí vốn rất cao.

Đứng trước những thuận lợi, khó khăn như trên, để mở rộng nâng cao hiệu quả các dự án thăm dò và khai thác dầu khí, PVEP đã triển khai: Tập trung nguồn lực triển khai các dự án hiện có theo hướng tối ưu hóa quy trình; giao diện giữa các dự án được tận dụng nguồn lực và hạ tầng dùng chung; Chia sẻ đàm phán dịch vụ, mua sắm với nhóm đối tác khác nhau để có giá tốt nhất và tăng cường xử dụng dịch vụ trong nước thông qua do tận dụng được sự trưởng thành của các công ty trong nước trong thời gian vừa qua, giá giảm và linh hoạt.

PVEP tiến hành hủy giếng tại Thái Bình

Do cơ hội dự án dầu khí mới hạn chế, nên PVEP chú trọng đầu tư ngân sách và bài bản, khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, ban hành Chương trình nghiên cứu dài hạn và Danh mục nhiệm vụ khoa học công nghệ và sáng kiến sáng chế hàng năm và kết quả đã được áp dụng thực tế nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thăm dò khai thác dầu khí tại các dự án hiện có; các nghiên cứu và sáng kiến này đã đạt được một số giải thưởng ngành và Quốc gia. Tiêu biểu như công trình nghiên cứu "Phát triển Khai thác tối ưu các mỏ và các cấu tạo/phát hiện dầu khí tại bể Cửu Long", được vinh danh là Công trình nghiên cứu ứng dụng Khoa học Công nghệ nổi bật năm 2016 bởi Bộ Công Thương và đạt Giải Ba Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam cùng năm. Nghiên cứu này mang lại hiệu quả kinh tế cao cho Chính phủ và định hướng khai thác hiệu quả các mỏ dầu khí nhỏ, cận biên. Sáng kiến "Kết hợp khai thác bằng bơm điện chìm và khí nâng để gia tăng hiệu quả khai thác các giếng bơm điện chìm của mỏ Đông Đô", được công nhận là Sáng kiến theo Quyết định số 1552/QĐ-TDKT ngày 22/12/2016 và đạt Giải Nhì Hội thi sáng tạo Khoa học Kỹ thuật toàn quốc lần thứ 14 (2016-2017). Sáng kiến này giúp tăng sản lượng khai thác 118.868 thùng dầu, tương đương lợi nhuận 4,9 triệu USD trong vòng 12 tháng, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác giếng bơm điện chìm và được ứng dụng thành công tại mỏ Đông Đô v.v...

Tận dụng hạ tầng chung để phát triển mỏ nhỏ, cận biên mà trước đây chưa triển khai được; bắt kịp xu thế toàn cầu; kết nối hạ tầng dùng chung giữa các mỏ trong khu vực hoặc thậm chí với mỏ ở khu vực chồng lấn với nước ngoài.

PVEP ký kết các hợp đồng cung cấp dầu thô và khí

Trong phát triển chuỗi giá trị của ngành phần thăm dò khai thác, PVEP đã kết hợp phát huy thế mạnh của PVEP với các đơn vị như Vietsovpetro, PV GAS, BSR, PTSC với mục tiêu đảm bảo hài hòa lợi ích cho các bên, hướng tới mục tiêu lợi ích tổng thể. Cụ thể PVEP đã phối hợp chặt chẽ với Vietsovpetro để triển khai phát triển các mỏ CNV, KNT, KTN, CT và sắp tới là phát hiện tiềm năng SV... trên cơ sở chia sẻ công suất thiết bị của các mỏ của Vietsovpetro đảm bảo lợi ích của cả hai phía.

Đối với dự án khó khăn thì tận dụng nguồn lực, cơ sở hạ tầng hiện có để có giá thành tối ưu, PVEP đã nghiên cứu triển khai các kế hoạch đại cương phát triển mỏ (ODP) cho các mỏ biên KM, DD khu vực bể Malay – Thổ Chu dự kiến sẽ có dòng khí dầu tiên vào năm 2027; mỏ KNV bể Cửu long dự kiến có dòng dầu vào năm 2026; triển khai nghiên cứu và đề xuất phát triển tổng thể cụm các mỏ đã hết hạn hợp đồng và tiềm năng còn lại tại các cụm Lô 01 & 02 bể Cửu Long.

Việc phát triển mỏ đã được triển khai trên cơ sở Luật Dầu khí mới năm 2022 để thúc đẩy phát triển mỏ cận biên theo cơ chế ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt; theo tính toán khảo sát của PVEP cho 10 mỏ biên tại các bể Sông Hồng, Cửu long, Nam Côn sơn và Malay Thổ Chu (với các mức giá dầu biến thiên từ 60-100 USD/thùng) cho thấy với việc áp dụng các mức ưu đãi đầu tư, ưu đãi đầu tư đặc biệt sẽ nâng các dự án cận biên có thể phát triển từ 03 lên 10 dự án (tùy mức giá) và đem lại lợi ích cho cả Chính phủ và Nhà đầu tư từ khoảng 600 - 2,5 tỷ USD cho tổng thể nguồn thu của các bên so với Luật Dầu khí cũ.

Hạ thuỷ khối chân đế dự án phát triển mỏ Đại Hùng pha 3

Về thăm dò, PVEP tiếp tục triển khai thăm dò nội mỏ hiện hữu, bổ sung các nghiên cứu địa chất, địa vật lý tại các lô hiện hữu; triển khai các chương trình tận thăm dò, thăm dò bổ sung tại các mỏ đang khai thác. Triển khai chiến lược này đã đạt được các kết quả cụ thể với việc thăm dò mở rộng thành công ĐH-4X, thăm dò mở rộng thành công và đưa vào khai thác giếng Bunga Aster Lô PM3 CAA và giếng đã đưa vào kết nối và khai thác ngay; sắp tới PVEP sẽ tiếp tục triển khai giếng ĐH-16X mỏ Đại Hùng. Bên cạnh đó, các giếng thăm dò được kết hợp công tác thực địa với các chiến dịch biển, chiến dịch khoan khai thác để giảm giá; đưa mỏ vào khai thác sớm nhất. Qua việc triển khai giếng Bunga Aster cho thấy cẩn hoàn thiện cơ chế pháp lý ở Việt Nam để đẩy sớm các phát hiện vào khai thác.

Đối với dự án mới trong nước, việc đấu thầu lô mở cần xem xét tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đơn vị thuộc sở hữu nhà nước như PVEP để mang lại lợi ích tổng thể cao nhất cho Tập đoàn và Nhà nước; do vậy cần thiết xác định cơ chế định hướng là giành các cơ hội cho các doanh nghiệp này để triển khai các dựa án dầu khí tại các lô mở; ưu tiến ký mới, gia hạn hợp đồng cho các dự án sắp hết hạn hợp đồng dưới góc độ vì lợi ích quốc gia cao nhất, cần phải duy trì triển khai liên tục.

Cụ thể với Lô 15-1, cần có quyết định ký mới hợp đồng sớm để Nhà thầu triển khai liên tục để sớm đưa mỏ STT 2B vào khai thác; theo tính toán khảo sát của PVEP, nếu mỏ STT 2B chậm 01 năm thì hiệu quả tổng thể của dự án giảm 199 triệu USD, trong đó nguồn thu của Nước chủ nhà giảm 137 triệu USD và nguồn thu của các Nhà thầu dầu khí giảm 63 triệu USD (tính với giả thiết giá dầu 70 USD/thùng và giá khí 6 USD/triệu Btu). Do vậy, việc thúc đẩy nhanh các thủ tục pháp ký để triển khai dự án STT 2B có dòng khí sớm là rất quan trọng, mang lại lợi ích kinh tế cho tất cả các Bên liên quan không chỉ về giá trị kinh tế mà còn về khí cạnh an ninh năng lượng; trong bối cảnh khu vực Đông Nam Bộ đã thiếu hụt khí, đang phải bù đắp với nguồn nhập khẩu LNG giá cao (theo Quy hoạch điện VIII, điện khí sẽ chiếm tới khoảng 25% tổng công suất đặt toàn quốc); Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang mua tới 70% lượng dầu thô trong nước và các nhà máy đạm của Tập đoàn chiếm tới 65% thị phần Urê trong nước; do vậy việc thúc đẩy mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí sẽ đóng góp quan trọng vào an ninh năng lượng và an ninh lương thực quốc gia; trong bối cảnh có rủi ro ảnh hưởng đứt gãy và gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu tăng lên nếu phụ thuộc vào nguồn nguyên, nhiên liệu nhập khẩu do các biến động địa chính trị ngày càng diễn biến khó lường.

Dự án khai thác dầu khí tại mỏ Bir Seba, Algeria.

Tương tự như vậy các Lô 16-1 (để triển khai sớm 02 giếng đan dầy và 01 giếng TDTL trước 2025, Lô 09-2 (để triển khai sớm 02 giếng đan dày và 01 giếng TDTL trước 2025), đề nghị ký mới Hợp đồng Lô 15-2 (để triển khai sớm 02 giếng khoan đan dày và TDTL ĐS trong năm 2025); do vậy với các Lô hợp đồng đã hết hạn, chuẩn bị hết hạn; cần phải được ủng hộ quyết định cho Nhà đầu tư ký mới hoặc gia hạn hợp đồng để triển khai liên tục và sớm nhất các hoạt động dầu khí tiếp theo đảm bảo hiệu quả tổng thể cho nguồn tài nguyên của Tổ quốc.

Ngoài ra, bên cạnh cơ hội trong nước, PVEP tiếp tục nghiên cứu các dự án dầu khí nước ngoài từ các bài học thành công tại các dự án dầu khí đang triển khai tại CHLB Nga và Algeria để mở rộng các dự án dầu khí nước ngoài.

Ngoài việc chuẩn bị nguồn lực tìm kiếm, cần khẩn trương hoàn thiện khung pháp lý cho triển khai hoạt động dầu khí ở nước ngoài, đẩy nhanh hoàn thiện và ban hành quy định thay thế Nghị định 124/2017/NĐ-CP Quy định về đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí (hiện đã hoàn thành dự thảo và được lấy ý kiến bộ ngành) để đơn vị có khung pháp lý nhằm thúc đẩy triển khai mở rộng dự án dầu khí ở nước ngoài.

PVEP tin tưởng rằng trong bối cảnh hiện nay, nếu thực hiện được các nội dung trên thì PVEP nói riêng và Tập đoàn Dầu khí Việt nam nói chung sẽ giữ được nhịp độ khai thác, tiếp tục gia tăng trữ lượng để phát triển lâu dài và bền vững.

Nguyễn Thiện Bảo

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV PVEP

http://www.pvep.com.vn/tin-pvep-91/mo-rong-va-nang-cao-hieu-qua-hoat-dong-tim-kiem-tham-do-va-khai-thac-dau-khi-trong-tinh-hinh-moi-3962.html

/ PVEP